Đình Giáp Nhất, hay đình làng Giáp Nhất (còn được gọi là đình thôn Lý), thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đình thờ Thành hoàng làng là Phùng Luông – vị tướng đã cùng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng chống bọn đô hộ nhà Đường.
Đình Giáp Nhất là 1 trong những địa điểm diễn ra lễ hội 5
làng Mọc. Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức
hàng năm vào ngày 11 tháng Hai, nhằm rước các Thánh du xuân và thưởng lãm cảnh
quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an. Đình đã được xếp hạng là di tích lịch
sử văn hóa cấp Quốc Gia năm 1992.
Phùng Luông là cháu của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. Ông là
một trong số những người đi theo Phùng Hưng suốt cuộc khởi nghĩa cho đến ngày
thắng lợi. Sau khi ông mất, dân làng Giáp Nhất đã lập đền thờ và tôn làm Thành
hoàng làng để tưởng nhớ công lao của ông với dân với nước.
Hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức tế lễ
Thành hoàng rất trang trọng. Trải qua các triều đại Phong kiến, Phùng Luông
luôn được sắc phong là Thượng đẳng phúc thần.
Ngoài tướng Phùng Luông, tại đình Giáp Nhất còn thờ hoàng hậu
Phạm Thị Uyển (vợ của vua Mai Hắc Đế) cùng hai người em trai là Phạm Miện và Phạm
Huy -những người có công lao với đất nước đánh giặc ngoại xâm thời Phùng Hưng.
Đình Giáp Nhất được xây dựng trên thế đất cao, hình con voi,
bốn ao xung quanh là 4 chân voi, 2 gò là tai voi, còn vòi voi là bờ ruộng trước
đình kéo dài ra sông Tô Lịch, uốn lượn phía trước. Đình ngày nay nằm ở bờ Nam
sông Tô Lịch, nhìn hướng Đông – Đông Bắc, trên phố Giáp Nhất, phường Nhân
Chính.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Giáp Nhất là
nơi hội họp, nuôi dưỡng cán bộ, chuyển tiếp thương binh. Ngôi đình đã bị giặc
Pháp đốt cháy, chỉ còn cổng đình được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ
20. Khu di tích đình Giáp Nhất ngày nay được xây dựng trên nền đất cũ, gồm có
sân, giếng, ao đình, miếu thờ thần, bậc thềm đá, đại bái, hậu cung và nhà oản.
Trải qua thăng trầm của lịch sử và các cuộc chiến tranh,
nhưng Nhân dân làng Giáp Nhất vẫn giữ được một số hiện vật quý, đó là: Ba bia
đá, trong đó có tấm bia “Hậu thần” khắc năm 1812 và một tấm bia khắc năm 1892,
nhiều chân đá tảng cột đình, phiến đá lát thềm có kích thước lớn; hai nhang án
gỗ lớn, một Ngai thờ chạm rồng cuốn đẹp; một quả chuông nhỏ cùng nhiều đồ thờ
có giá trị khác từ ngôi đình cũ.
Giáp Nhất và các làng Mọc đang chuẩn bị tổ chức lễ hội 5
làng Mọc
Từ sân đình qua 9 bậc đá xây cao khoảng 1,8m thì tới hiên
toà Đại bái. Đại bái được xây dựng theo hình chữ nhất, kiểu tường hồi bít đốc 5
gian, mỗi gian rộng khoảng 2,5m. Bên hồi phải có một cửa nhỏ dẫn xuống nhà oản.
Bên trái có một cửa ngách kiểu cuốn vòm dẫn ra một cầu thang gạch 10 bậc xây lộ
thiên.
Xung quanh tường Đại bái được xây bằng gạch Bát Tràng miết
vôi và mật, phía ngoài tường hồi hai bên có đắp mặt hình hổ phù. Cửa chính vào
toà Đại bái được làm theo kiểu “thượng song hạ bản” gồm bốn cánh ghi 4 chữ “Tả
hữu phùng nguyên”, có trang trí hoa quả, bút, hòm sách… Kết cấu bộ vì được làm
theo kiểu chồng rường giá chiêng, kẻ bẩy hiên tạo sự thông thoáng, hài hoà.
Hậu cung được kết cấu 3 gian kiểu thượng chồng rường hạ kẻ bẩy.
Đại bái và Hậu cung được xây dựng theo kiểu chữ nhị. Kiểu kiến trúc này đã khiến
cho cả hai toà nhà đều lấy được ánh sáng tự nhiên vào trong và tạo không khí
thoáng mát. Gian giữa Hậu cung có xây bệ gạch đặt ngai, bài vị và ban thờ Đức
Thành hoàng làng.
Ngày 27/8/2006 đình Giáp Nhất còn vinh dự được đón nhận Quyết
định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận và gắn biển Di tích cách mạng
– kháng chiến.
Cùng với các làng Mọc khác, làng Giáp Nhất đang tưng bừng
chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống 5 làng Mọc, đình Giáp Nhất đã được trang
hoàng và chuẩn bị tươm tất để rước Thánh du Xuân.
Xuân Xuân
Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội