Đình Phú Diễn thuộc thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đình nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ, nhìn ra phía sông, thờ vua Lê Đại Hành, đồng thời phối thờ tướng Trần Thông, võ tướng người địa phương, phò giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc giữ nước.
Ngôi đình cùng các đình khác như đình Hữu Thanh Oai, đình
Hoa Xá (Tả Thanh Oai), tạo thành hệ thống di tích thờ vua Lê Đại Hành dọc theo
hai bên bờ sông Nhuệ.
Ngôi đình có quy mô kiến trúc không lớn, nhìn hướng đông, gồm
Nghi môn, sân, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn với hai trụ biểu khá thấp, có đỉnh
đắp tứ phượng chầu, hai bên chân cột có đôi rồng đá, bậc thềm được lát bằng những
phiến đá dày. Nghi môn tạo thành lối đi rộng chính giữa, sử dụng trong các dịp
hội làng rước kiệu long trọng.
Do di tích nằm sát đường đi nên gần đây, dân làng đã xây bức
bình phong dạng cuốn thư để phân cách di tích với bên ngoài. Từ cổng, qua sân gạch
là tới Đại bái. Đây là tòa nhà ngang năm gian, hai mái chảy lợp ngói ta, tường
hồi bít đốc tay ngai, nền cao 40 cm so với mặt sân, các gian bên được bó vỉa bằng
gạch vỉ, gian giữa bó bằng những phiến đá hình chữ nhật.
Hệ thống cửa được làm kiểu bức bàn, riêng hai gian hồi xây
vây tường, tường hai bên hồi hiên đắp phù điêu hai vị tướng Vũ Đinh, Thiên Ất bảo
vệ cho di tích. Bộ khung được làm bằng gỗ với sáu bộ vì trên bốn hàng chân cột,
được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, kẻ nách, bẩy hiên.
Chạm khắc tập trung tại các con rường, đầu xà với các hình
lá lật, vân mây, rồng ở bẩy hiên. Từ gian giữa Đại bái nối dài vào bên trong là
Hậu cung. Bộ vì làm theo kiểu thượng rường hạ kẻ trên hai hàng chân cột gỗ. Hai
vì thượng bên trong với các con rường chồng lên nhau qua đấu kê, riêng vì thượng
bên ngoài các con rường chồng khít lên nhau tạo thành cốn, được chạm khắc đậm đặc
hoa văn trang trí (vân mây, sóng nước, tứ quý…). Lòng nhà hậu cung xây bệ cao,
trên đặt hai bộ long ngai, bài vị thờ Thành hoàng và các đồ tế khí.
Trải qua thời gian tồn tại, đình Phú Diễn còn lưu giữ được
nhiều di vật quý như: 6 tượng bằng thú đá, đôi hạc gỗ, bộ đòn kiệu, 3 bát hương
gốm Thổ Hà, hương án gỗ, 2 long ngai, bộ bát bửu, 10 đạo sắc phong… có niên đại
thế kỷ XVIII - XIX.
Đặc biệt, đình còn lưu giữ được nhiều di văn Hán - Nôm quý,
như 3 văn bia thời Nguyễn, câu đối, hoành phi, sắc phong niên đại triều Nguyễn.
Các hoành phi, câu đối tại di tích có sự góp mặt của nhiều nhà khoa bảng cuối
thời Nguyễn: Hoành phi Tuyên dương văn đức (Phát dương văn đức) do Cử nhân Hàn
lâm Trước tác, Tri phủ Nguyễn Huy Kỳ bái soạn, Lý trưởng bản ấp là Nguyễn Đình
Cường bái tiến vào năm Quý Hợi niên hiệu Khải Định năm thứ 8 (1923); hoành phi
Thánh minh điện (Điện thánh minh) do các hương lão trùng chế vào tháng Giêng
năm Bính Ngọ niên hiệu Thành Thái năm thứ 16 (1906)…
Di tích còn lưu giữ được một số câu đối của những nhân vật lịch
sử quan trọng cuối triều Nguyễn như nhà giáo dục, nhà văn hóa Đoàn Triển, nhà sử
học Ngô Giáp Đậu, lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy Nguyễn Thiện Thuật… Đó là điều mà
các di tích khác, dẫu là di tích nổi tiếng cũng không dễ có được.
Hai câu đối then đen do gia tộc họ Bùi cung tiến vào mùa thu
năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái năm thứ 17 (1907) do Phó bảng năm Mậu Tuất,
Hàn lâm viện Biên tu, tri huyện huyện Thanh Oai là Nguyễn Thiện Thuật (1844 -
1926) cung soạn.
Đặc biệt là đôi câu đối niện hiệu Khải Định năm thứ 4 - Kỷ
Mùi (1919), do Thái tử Thiếu bảo, Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển soạn, môn sinh
trường Thận Huy ở bản ấp bái tiến nhắc lại việc Lê Hoàn được quần thần ủng hộ,
khoác áo hoàng bào, tôn làm Hoàng đế, mở ra hệ thống đế vương nước ta và việc
nhà vua tuần du ra Bắc, từng dừng chân tại địa phương.
Mặc dù không có diện tích rộng lớn, song đình Phú Diễn đã trở
thành nơi hội tụ tinh thần, nơi bảo tồn, giáo dục và phát huy những giá trị
truyền thống tốt đẹp.
Ngôi đình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc
gia năm 1992.
Triệu Quang Xuyên -
VHTT
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Thanh Trì