Trên số ra tuần trước, TNTS giới thiệu tiềm năng cụm du lịch sinh thái Bình Châu - Hồ Cóc, nơi được coi là “mỏ vàng du lịch” hiện nay. Sau khi báo phát hành, có bạn đọc thắc mắc vì sao có nơi gọi “Cóc”, có nơi lại nói là “Cốc”. Vậy thực chất tên gọi nào là đúng và địa danh này có liên quan gì đến câu chuyện “cậu ông trời”?
Trên thực tế, tuy thuộc địa phận của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhưng cụm du lịch Bình Châu - Hồ Cóc nằm trong chiến lược khai thác, phát triển của các nhà đầu tư đến từ TP.HCM suốt nhiều năm qua. Và việc Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cóc liên doanh với Công ty Kinh doanh phát triển nhà TP.HCM (HD Real) khởi công xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 sao Sea Star Suite hồi tháng tư vừa qua được đánh giá như một bước ngoặt lớn trong chuỗi đầu tư cho hạ tầng du lịch tại vùng đất hoang sơ này.
Trong chiến lược dài hạn như vậy, những người làm du lịch cũng không thể bỏ qua những gì liên quan đến văn hóa, đặc biệt là tên gọi gắn liền với truyền thuyết dân gian của một vùng đất. Chính vì vậy mà trong lúc nhiều nơi vẫn còn gọi “Hồ Cốc”, thậm chí ngay cả trang web của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vẫn ghi “khu du lịch sinh thái Bình Châu - Hồ Cốc”… thì hình ảnh “cậu ông trời” đang từng bước trở nên nổi bật trong các hoạt động quảng bá của những doanh nghiệp chủ trương gắn du lịch sinh thái với bảo tồn văn hóa dân gian.
Vào thời điểm hiện tại, kết quả tìm kiếm trên internet đang cho thấy cuộc “chạy đua” của “Cóc” và “Cốc” cũng đang vào giai đoạn gay cấn, khi mà google cho ra con số 1,43 triệu thuộc về “Cóc” và 1,83 triệu thuộc về “Cốc”. Trên thực tế, nếu ai đó đặt chân đến cụm du lịch sinh thái Bình Châu - Hồ Cóc, tắm mình trong thiên nhiên hoang sơ giữa rừng, suối, biển… mà chưa được biết những truyền thuyết sống động, ly kỳ gắn với tên gọi bao đời nay của vùng đất này thì quả là thiệt thòi.
Nếu như trước đây nhiều người vẫn quen gọi “Hồ Cốc” và cũng chưa hiểu về truyền thuyết suối nước nóng Bình Châu thì ngày nay người ta bắt đầu thấy chữ “Cóc” đang dần dà trở thành phổ biến. Tại vùng biển Hồ Cóc, những hướng dẫn viên du lịch ngày nay đều thuộc lòng truyền thuyết về “cậu ông trời” và biểu tượng “Cóc” cũng đã được dựng lên từ nhiều năm nay. Người ta kể rằng, thuở đất trời muôn vật còn hoang sơ, có một năm bỗng trở nên hạn hán lạ thường, mọi sông suối đều khô hạn làm cho các loài vật thiếu nước, cỏ cây khô héo. Họ hàng nhà cóc họp bàn tính kế lên kiện ông trời để mưa xuống cứu muôn loài.
Trong lúc muốn lên được nhà trời, phải bơi qua biển cả mênh mông, thế là họ nhà cóc miệt mài ngày đêm ra biển để lặn ngụp. Tập mãi, tập mãi… nhưng không thể nào bơi được qua biển khơi, cóc chúa buồn rầu ngồi nhìn biển cả ngày đêm thách thức. Từ Thiên đình, Ngọc hoàng Thượng đế nhìn thấy rất cảm kích ý chí gan góc của họ nhà cóc, bèn sai Sứ thần làm mưa xuống cho trần gian. Khi mưa xuống, muôn vật reo mừng kéo đến hai ngọn đồi trước biển để ca hát, nhảy nhót. Đến khi nhìn ra bãi biển, chúng thấy cóc chúa đã hóa thành đá …
Phối cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao nhìn từ trên cao xuống |
Điều kỳ diệu là hòn đá ấy bây giờ vẫn còn và có tên là hòn Cóc. Còn hai ngọn đồi trong truyền thuyết giờ cũng không phải biến mất đi đâu mà vẫn trơ trơ đó và có tên gọi núi Tầm Bồ và núi Hồ Linh. Vùng biển ấy bây giờ là biển Hồ Cóc.
Tương tự, đến suối nước nóng Bình Châu du khách cũng được nghe kể về truyền thuyết ly kỳ của một đôi vợ chồng tiều phu, hành nghề săn bắn trong thuở hồng hoang. Hàng ngày, người chồng đi tìm kiếm thú rừng, vợ ở nhà làm công việc nội trợ gia đình. Một hôm, chồng mải săn theo con mồi đi lạc vào rừng sâu, trong khi trời ngày càng tối dần không biết đường về nên phải nghỉ lại bên bờ suối Bang. Vợ ở nhà nấu sẵn một nồi nước sôi chờ chồng mang thú rừng về làm thức ăn. Chờ mãi, chờ mãi… không thấy chồng về, người vợ hờn dỗi đổ nồi nước sôi xuống đất. Kỳ diệu thay! Dòng nước chảy loang tới đâu ngùn ngụt bốc khói và biến thành một hồ nước sôi khổng lồ. Người vợ hoảng hốt bỏ nhà ra hòn đảo nhỏ cạnh cửa biển Lagi sinh sống (nay thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Người đời gọi người vợ ấy là bà Chúa nước sôi. Hòn đảo ấy bây giờ có tên là hòn Bà, còn hồ nước sôi đó bây giờ là suối nước nóng Bình Châu, cứ tuôn trào vô tận mãi cho đến ngày nay.
Nguồn : TN