Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị thuộc ngành văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số nhằm lưu trữ, giới thiệu và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử Đồng Nai.

Các em học sinh trên địa bàn phường Trấn Biên trải nghiệm lịch sử, văn hóa Đồng Nai bằng công nghệ thực tế ảo tại Thư viện tỉnh năm 2025. Ảnh: L.Na
Từ thực hiện triển lãm thực tế ảo, đẩy mạnh thư viện số, quét mã QR di tích đến xây dựng các tour tham quan thực tế ảo… Những hoạt động này đang góp phần thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận văn hóa của người dân.
Không gian ảo - hiện vật, câu chuyện thật
Năm 2025, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã trưng bày và giới thiệu các triển lãm thực tế ảo xoay quanh chủ đề như: văn hóa, con người Đồng Nai - những dấu ấn lịch sử; đờn ca tài tử - âm vang Nam Bộ… Các triển lãm này được thiết kế dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, lời thuyết minh giúp tái hiện không gian văn hóa Đồng Nai một cách sinh động, gần gũi. Trong không gian ảo này, người xem có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Bà Tôn Thị Thanh Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai, cho biết vài năm trở lại đây trung tâm chú trọng ứng dụng công nghệ trong xây dựng các triển lãm thực tế ảo. Nổi bật như: Đảng Cộng sản Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử; Biển, đảo - trái tim Việt Nam; Đất nước trọn niềm vui; Đồng Nai - vùng đất văn hóa và con người… Trung tâm đã giới thiệu các triển lãm này trên website và các nền tảng mạng xã hội, giúp người dân có thể tiếp cận với kho tàng văn hóa, lịch sử phong phú của Đồng Nai qua nền tảng công nghệ.
Công nghệ còn mở ra cơ hội tương tác, khám phá và trải nghiệm theo cách hiện đại, hấp dẫn nên ngoài thực hiện triển lãm thực tế ảo, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai còn tích cực livestream, phát sóng trực tuyến trên fanpage của trung tâm các chương trình văn nghệ, tuyên truyền lưu động. Chỉ tính từ đầu tháng 7/2025 đến nay, đã có hơn 10 buổi diễn văn nghệ tại các phường: Phước Tân, Bình Phước, Đồng Xoài; các xã: Tà Lài, Đồng Tâm, Hưng Thịnh, Phú Lý, Tân Tiến, Lộc Thạnh, Xuân Phú…
“Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phát triển các hình thức triển lãm số, đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương, trường học để đưa văn hóa đến gần hơn với cộng đồng. Chúng tôi mong muốn mỗi người dân Đồng Nai đều cảm thấy tự hào về quê hương mình” - bà Tình chia sẻ.
Live stream trên fanpage là cách làm hiệu quả được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai duy trì trong suốt nhiều năm qua. Đã có hàng trăm chương trình nghệ thuật, hàng chục vở cải lương và trích đoạn cải lương được giới thiệu qua mạng xã hội Facebook, được lưu trữ trên nền tảng này. Công chúng trong và ngoài tỉnh có thể thưởng thức và xem bất cứ lúc nào các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Đồng Nai do nhà hát thực hiện.
Mở rộng không gian lưu trữ và tiếp cận văn hóa, lịch sử
Tại Thư viện Đồng Nai, quá trình số hóa tài liệu đang diễn ra mạnh mẽ. Hàng ngàn đầu sách về lịch sử, văn hóa Đồng Nai đã được số hóa, tích hợp mã QR để phục vụ bạn đọc tra cứu từ xa. Đặc biệt, năm 2025 thư viện đã xây dựng mô hình trải nghiệm lịch sử thông qua hệ thống màn hình tương tác và mô phỏng thực tế ảo. Không chỉ giúp lưu trữ thông tin lịch sử hiệu quả mà mô hình còn làm phong phú trải nghiệm học tập, nghiên cứu của bạn đọc.
Cùng xu hướng này, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã gắn mã QR để người dân có thể tra cứu thông tin trực tiếp tại điểm tham quan. Mỗi mã QR như một kho tư liệu thu nhỏ, giúp du khách tìm hiểu giá trị di tích một cách chủ động, không cần phụ thuộc vào hướng dẫn viên.
Hay Bảo tàng Đồng Nai xây dựng các tour tham quan thực tế ảo tại hệ thống di tích, giúp người dân ở xa có thể tham quan trực tuyến. Đây là cách làm sáng tạo, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết: “Sau sáp nhập, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa”.
Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Phạm Văn Minh cho biết, thời gian qua Bảo tàng Đồng Nai đã và đang tiến hành số hóa các hiện vật bảo tàng, trong đó tập trung vào các hiện vật tiêu biểu. Sau khi số hóa, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng không gian trưng bày ảo tại các phòng trưng bày chuyên đề. Việc làm này không chỉ giúp lưu trữ, bảo tồn hiện vật một cách bền vững, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ thông qua các nền tảng trực tuyến.
Công nghệ số đã và đang giúp những không gian lưu trữ văn hóa, lịch sử truyền thống của Đồng Nai được mở rộng, đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng. Đây không chỉ là xu thế mà còn là giải pháp lâu dài để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ mai sau.
Ly Na
Báo Đồng Nai - baodongnai.com.vn - Đăng ngày 22/7/2025