Cụm di tích lịch sử Đền Chùa Cót tọa lạc ở thôn Nghi Xuân, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, Đền Cót thờ phụng Đức Thánh Linh Lang Thượng đẳng thần, theo huyền thuyết là con thứ bảy của Lạc Long Quân và Âu Cơ, hạ phàm vào thời Lý. Chùa Cót thờ Phật.
Bản thần tích tại đền có ghi chép về huyền thoại đức Linh
Lang Đại vương thời Lý như sau:
Ở làng Thụy Trai huyện
Vĩnh Thuận có ông bà Nguyễn Công, phúc hậu hiền lành nhưng muộn sinh nở, một
hôm Thái Bà nằm mộng thấy sao rơi vào miệng bà sợ hãi nói với chồng. Nguyễn
Công liền nói: " Nếu quả mộng như vậy tất trời cho sinh con, sự thực hư
trong mộng hãy để nghiệm sau", được 100 ngày Thái Bà quả nhiên có mang đến
kỳ mãn nguyệt khai hoa sinh ra một gái, sinh vào ngày 15 tháng 3 năm 1013 (Quý
Sửu). Hình dung yểu điệu, mắt phượng mày ngài, mắt ngọc da trắng như tuyết, môi
son má phấn khi sinh thoang thoảng mùi hương xạ, ông bà vô cùng yêu quý đặt tên
là Hiếu Nương,
Khi Hiếu Nương 3 tuổi, Thái Công mắc bệnh qua đời, Thái Bà
cùng gia thân làm lễ an táng. Sau 3 năm phục tang, Thái Bà có một người dì lấy
chồng ở phường Thụy Trai, huyện Vĩnh Thuận, làm nghề buôn bán vải tơ lụa ở chợ
Vĩnh Thuận, Thái Bà và Hiếu Nương đến ở với dì để nương tựa lẫn nhau.
Hiếu Nương đến tuổi trăng tròn 17 như một bông hoa, mười phần
xuân xắc mười phân vẹn mười, như chim xa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường, công
dung ngôn hạnh, tứ đức vẹn toàn. Một ngày xuân, vua Lý Thánh Tông tuần du, nhìn
thấy Hiếu Nương cùng người dân đứng xem bên lề đường, thấy nàng dung nha thướt
tha, vua thầm nghĩ đây không phải là người thường mà là tiên nữ chốn Bồng Doanh
hay kiểu nương ở nơi Long Uyển. Vua khi về cung lập tức sai sứ thần mang lễ đến
và triệu Hiển Nương vào cung, lập nàng là thứ phi thứ 9.
Vua sai lập cung tại phường Thụy Trai, được gọi là Phúc
Long. Cung dựng trên thế đất ở cổ rồng, hai bên non xanh nước biếc. Vua bèn đặt
cho đất phường Thụy Trai là Thủ Lệ. Từ đó Thủ Lệ trở thành khu vườn thượng uyển
của nhà vua.
Sau 3 năm Thái Bà lâm bệnh qua đời ở phường Thụy Trai. Qua 3
năm chịu tang mẹ, Hiếu Nương qua Hồ Tây tắm gội vào chầu vua, trong lúc tắm gội
thấy một con Giao Long quấn chặt lấy Hiếu Nương, bà cả sợ hôn mê bất tỉnh, cung
nữ rước Hiếu Nương về cung, sau đó Hiếu Nương mang thai tới 14 tháng mới sinh.
Một hôm Hiếu Nương ngồi ở hoa viên chợt thấy một vị thần
tiên, cao 9 thước đầu đội mũ rồng, mặc long bào, cưỡi rồng đến thẳng chỗ Hiếu
Nương đang ngồi và nói, tôi vốn là con vua Thủy Long Quân tên gọi Hoàng Lang,
mượn cửa nhà vua để sau này diệt giặc dữ an dân.
Hôm ấy là ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn, Hiếu Nương bừng tỉnh,
bỗng trời đất mịt mù sương khói, hương thơm , ánh sáng rực rỡ ở cả loan phòng
như cảnh thần tiên. Bà Hiếu Nương sinh hạ một người con trai mình phượng, cổ rồng,
hàm én, mày hổ dáng hình cao lớn, mặt mũi khôi ngô, sau lưng có 28 ngôi sao như
vẩy lân. Hàng giữa cung có chùm sao Bắc đẩu thất điền. Sinh được 7 ngày, vua theo
mộng đặt tên là Hoàng Lang.
Thời gian đó có Trịnh Vĩnh Trinh khởi binh bạo loạn vùng
kinh bắc, loạn quân có hàng chục vạn binh, hàng trăm viên thượng tướng. Sức mạnh
của giặc làm rung động cả kinh thành. Quân tướng thua trận nhiều lần, vận nước
nghiêng ngả, hàng ngày tới tấp 4 - 5 lần cấp báo, nhà vua lo lắng bất an bèn lập
đàn tràng cầu tế trời đất.
Khi đang tế lễ trên đàn thì trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội,
Vua đang ngự tại cung Thái Hòa đột nhiên mê đi, văng vẳng bên tai có tiếng vịnh
thơ:
" Nước lúc lâm nguy có thánh tài,
Trời đã định rồi khá lo chi,
Bằng cầu tiên được thần nhân ấy,
Trịnh Vĩnh kinh hồn tán chạy ngay".
Nhà Vua lúc này bừng
tỉnh nghĩ mộng này là do thần tiên báo, nhà vua thân cáo tế tạ ơn trời đất, sắc
chiếu chỉ các bậc anh hùng hào kiệt ai có tài ra giúp nước an dân thành công sẽ
trọng thưởng.
Sứ thần lập tức được cử đi khắp nơi. Tin đến Hoàng Lang hỏi mẹ: " Nhà vua có việc gì
mà sai sứ thần như vậy" Hiếu Nương nói: " nước nhà đang có giặc Trịnh
Vĩnh Trinh phiến loạn đánh phá khắp miền Nam Hải, nhân dân lầm than điêu đứng,
triều đình vô kế khả thi, vận nước nghiêng ngửa. Bởi thế nhà vua cho sứ thần đi
khắp thiên hạ chiêu mộ người tài, đức, ra giúp nước nay con còn nhỏ, miệng còn
hơi sữa làm sao báo đáp lại nghĩa của vua cha".
Hoàng Lang nói với mẹ cứ gọi sứ giả vào cho con, Hiếu Nương
thấy làm kỳ lạ liền sai cung phi mời sứ thần vào, Hoàng Lang nói với sứ thần
người về gấp tâu với vua cha cho ta một lá cờ lệnh cao 10 thước, voi béo khỏe mạnh
mang lại cho ta thì giặc sẽ bị đánh tan nhà vua không phải lo gì.
Sứ thần vội vã về tâu, nhà Vua nghe thấy sự kỳ lạ ngay ngày
hôm sau nhà vua sai làm một lá cờ cán dài 10 thước, voi béo khỏe, quân tướng chừng
10 vạn, sai các quan trong triều văn có Trương Bang Nguyễn Sáng, võ có đẳng
tích Trần Hưng, ngoài ra còn có những giai tướng ở Thủ Lệ trong đó có Lê Công
Súc, Nguyễn Công Hoàng đinh điển điều binh khiển tướng.
Lúc này Hoàng Lang vươn mình đứng dậy, mình cao chín thước
tay cầm cờ lệnh đạp chân vào mình voi, voi quỳ xuống từ đó sau lập đền thờ là đền
thờ voi phục. Hoàng Lang phất cao cờ lệnh quân tướng dũng mãnh như sấm sét gió
gào voi chạy như bay đi đến đâu, đầu giặc rơi đến đó khoảng 30 nghìn tên.
Hoàng Lang một mình một voi sông thẳng trước mặt Trịnh Vĩnh
Trinh, một trận thư hùng Vĩnh Trinh ngã ngựa bị chém đầu, quân tướng Trịnh Vĩnh
Trinh hoảng loạn đầu hàng. Hoàng Lang thắng trận hồi binh qua đạo cát bằng huyện
Đông An, phủ Khoái Châu làng cửa sông
Đức Linh Lang Đại vương trên đường trở về kinh qua vùng này
gặp lúc dân làng bị dịch đậu mùa hoành hành. Hay tin, Đức Vương cùng quan quân
chữa chạy cho dân. Song không may Đức Vương và một số quân sĩ bị lây bệnh, quân
dân đã quây cót, lợp mái lá để che gió chữa bệnh cho ngài, sau lập đền thờ là đền
Cót đổi tên làng cửa sông là làng Cót.
Biết được mệnh mình, Hoàng Lang nói với các cụ làng cửa
sông, khi tôi về triều nếu có mệnh hệ nào thì sẽ tâu với nhà vua, xin cho dân cửa
sông được bốn mùa hương hỏa.
Đức ngài Hoàng Lang về triều nhà vua mở tiệc ăn mừng khoản
đãi, vua vịnh một bài thơ: " Trời kia đã định có thánh minh quét sạch
phong trần diệt giặc Trinh, đức trẫm ngời ngời trời chẳng phụ, ức nghiêng chẳng
nát thế còn vinh", Hoàng Lang vịnh lại: " Ý trời cho xuống quyét
phong trần để đức từ nay ngày một vinh, lúc nước thanh bình ca yên ấm một nhà
thanh thái hội vua dân" nhà vua và bách quan đều vui mừng, vua liền phán
cùng bách quan nhường ngôi cho Hoàng Lang, Hoàng Lang chắp lễ nhưng không nhận.
Hoàng Lang trở về Thị Trai rồi phát bệnh đậu mù, nhà vua gọi
hàng trăm vị lương y nhưng bệnh tình Hoàng Lang không hề thuyên giảm. Một hôm
Vua đến thăm Hoàng Lang thấy Hoàng tử đã rất suy yếu.
Hoàng Lang nói với Vua cha, con vâng lệnh Ngọc Hoàng mượn cửa
nhà Vua để dẹp giặc an dân lúc này đất nước đã thanh bình nhân dân yên ổn, con
phải trở về Thủy Long Cung không được chậm trễ, trong khi thắng trận hồi triều
qua đất cửa sông bô lão sai đón rước Hoàng Lang hỏi đây đâu? Các cụ bô lão tâu
rằng đây là đất cửa sông , vậy xin Vua cha phê chuẩn cho dân cửa sông được bốn
mùa hương hỏa.
Nhà Vua liền hỏi công lao của con lớn như vậy, có điều gì Trẫm
sẵn sàng phê chuẩn. Hoàng Lang tâu con chỉ xin xây một ngôi đền tại Thị Trai là
nơi mẹ con sinh ra, hai là Thủ Lệ chỗ con xuất quân, bà là cửa sông, ba nơi
Giao Hiếu, Thị Trai, Thủ Lệ, cốt ấp cửa sông. Từ xưa cứ 3 năm rước một lần, từ
cửa sông Cót Ấp lên Thị Trai, Thủ Lệ và từ Thị Trai, Thủ Lệ về cửa sông Cót Ấp.
Hiện nay đường đê bối ra đền gọi là đường ngự giá Hoàng Lang,
Hoàng Lang tâu với nhà Vua thời gian không còn nữa, xin Vua
cho ra phiến đá tại Hồ Tây, lúc sinh và nay là lúc hóa, Vua sai binh quan văn
võ rước Hoàng Lang ra phiến đá tại Hồ Tây, lúc này nhà Vua hai hàng châu lệ lã
chã nói với Hoàng Lang.
Tuy không phải là con thật nhưng công sinh dưỡng nghĩa Vua
con có điều gì cha sẵn sàng phê chuẩn. Hoàng Lang nói với Vua cha miễn giảm cho
dân sưu thuế 3 năm. Hoàng Lang tâu với Vua cha khi con qua đất cửa sông, các cụ
ra bái mạng dân đây hiếu khách vậy xin Vua cha cho nơi này 4 mùa hương hỏa, lúc
này trời đất tối đen lại, sấm chớp ầm ầm Hoàng Lang hóa thành Giao Long mình
dài mười trượng vươn thẳng đến Hồ Tây rồi biến mất.
Các cụ cửa sông nằm
mơ thấy Hoàng Lang cưỡi voi về làng, lập tức cử người đi nghe ngóng thì quả
nhiên Hoàng Lang đã hóa, và nhà Vua cũng cấp sắc phong cho làng cửa sông. Từ đó
dân làng cửa sông lập đền thờ chờ ngài ngự gọi là đền Cót và cũng đổi tên làng
là làng Cót.
Năm 1533, nhà Mạc và
nhà Lê tranh hùng, năm 1548 Thái Ùy họ Trịnh đem quân đánh quân nhà Mạc chiếm
thuyền của Thái Ùy qua đền cửa sông tức đền Cót xuống thuyền.
Nửa đêm hôm ấy Thái Ùy mơ thấy một người cao lớn đầu đội mũ
rồng đai ngọc, mình mặc áo bào, hai bên có 4 tướng tùy tùng, tự xưng là Hoàng
Lang đi xuống bản doanh, Thái úy đứng dậy chào hỏi, tướng quân từ đâu đến,
Hoàng Lang nói tôi thấy nhà Lê mở hội Trung Hưng để đánh giặc, thấy Thái Ùy
mang quân qua đây nên tôi đến đây để giúp.
Hai người cùng ngồi đàm đạo, Thái úy vịnh rằng: "Từ trước
tới nay bậc dĩ nhân cần lao cùng việc bảo quân, ân không ngờ lại gặp thiên thần
đến cùng đồng tâm giúp nước nhà",
Hoàng Lang tiếp lời: " Tuy tuổi xuân qua cùng một nhà,
Anh Hoa thuyền lại ở đôi ta, non sông đau xót anh hùng cốt, sinh hóa vẫn còn
như thủa xưa".
Đang trò truyện thì Thái Ùy bừng tỉnh, đây là điềm tốt, liền
bầy hương án lễ trời đất kéo quân đến thẳng Trần Thương đánh một trận đại thắng,
Thái úy thắng trận hồi triều tâu với Vua Lê, nhà Vua phong Hoàng Lang thượng đẳng
phúc thần và đổi tên Làng Cót là làng Nghi Xuyên, tiếng linh thiêng từ đó truyền
đi, bởi vậy khách thập phương truyền nhau thường xuyên đến lễ bái cho đến ngày
nay.
Đền nằm ngoài đê sông Hồng giữa một không gian thoáng đãng.
Đền có kiến trúc tổng thể theo kiểu chữ Đinh bao gồm: Tiền tế 5 gian, hậu cung
5 gian liên kết bộ vì theo kiểu chồng rường, mái lợp ngói mũi hài.
Trong toà tiền tế đặt một cỗ ngai thờ chạm khắc hình rồng,
hoa lá cách điệu, các nét chạm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19. Dưới ngai
thờ thần là tượng 2 tuỳ tướng được điêu khắc rất đẹp.
Toàn cảnh đền Cót
Hậu cung 5 gian, gian chính giữa ở bậc cao nhất đặt khám thờ,
tượng thờ Linh Lang đại vương, có khuôn mặt cao sang thanh tú.
Đền còn lưu giữ nhiều cổ vật thờ tự khác như, hoành phi, câu
đối, nhang án, long ngai, bát bửu cùng các đồ tế khí.
Đặc biệt là trong khuôn viên ngôi đền có khóm si cổ thụ xum
xuê:
" Cây si cổ thụ tự bao giờ
Xum xuê tỏa bóng cảnh nên thơ
Đẹp lòng du khách khi vãn cảnh
Vừa ý thập phương đến nơi này ".
Khóm si cổ thụ tại đền Cót
Khóm rừng si cổ thụ " độc nhất vô nhị" là một
trong những cây có tuổi thọ cao nhất ở Hưng Yên. Tương truyền khóm rừng si có từ
thời Lý, đã tồn tại ngót nghìn năm. Các
gốc si cũ đã bị mục nát do ngập nước, những cây si hiện nay là những rễ cây hậu
duệ bao đời của những cây đời trước nối tiếp nhau sinh sôi, qua nhiều năm đã trở
thành một khóm rừng si um tùm rậm rạp. Khóm rừng si cổ hùng vĩ và quý hiếm,
nhìn rất lạ và độc đáo. Bộ rễ si um tùm, trông rất ấn tượng và thơ mộng được cắt
tỉa thành cổng đền.
Những bộ rễ ấy trông tựa như ông tiên phúc hậu, chùm râu bạc
phất phơ. Có khóm si nom giống con rồng đang bay. Lại thấy khóm si có cây gạo cổ
thụ mọc tít trên ngọn, mùa này đang nở hoa đỏ, lấp lánh như những ánh đèn thắp
trên không trung. Trong rừng si rậm rạp, có chùm rễ từ thân cây lao thẳng xuống,
bám vào đất hay vắt vẻo từ cây nọ sang cây kia như cánh tay người khổng lồ đang
vươn ra, có những rễ cây to một vòng tay người ôm.
Chùa Cót xây dựng trên một khu đất rộng và cao ráo trồng nhiều
cây cối um tùm bao phủ khu chùa nên cảnh trí của chùa rất thanh tịnh.
Chùa chính bố cục kiểu chữ Đinh, phía trước là 7 gian Tiền
đường tiếp là 3 gian thiêu hương và Thượng điện. Tiền đường là nơi đặt tượng Đức
Ông, Thánh Tăng và Hộ Pháp. Hậu cung là nơi bài trí hệ thống tượng thờ Tam thế
A di đà, Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Cuối cùng là tòa Cửu Long với Phật
Thích Ca sơ sinh ờ giữa. Phía sau chùa chính là điện thờ Mẫu, thờ Tổ và nhà Hậu.
La một trong những di tích thờ phụng Linh Lang Đại vương, có
giá trí lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, có ý nghĩa lớn giáo dục truyền
thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đền, chùa Cót được Bộ Văn hóa – Thông tin
công nhận là cụm di tích lịch sử – kiến trúc và nghệ thuật Quốc gia ngày 27
tháng 12 năm 1989.