Di tích đình Tiến Tiên, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ nằm ở phía bên hữu của sông Bùi, thờ phụng Sơn Thánh Tản Viên. Đình có nguồn gốc từ Quán Cốc, có từ thời Hùng Vương thứ 18.
Đình được UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) xếp hạng di
tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại quyết định số 1210/1999/QĐ-UB ngày
09/11/1999.
Theo truyền thuyết dân gian, hơn 2.000 năm trước đây, Tản
Viên Sơn Thánh đã đến nơi này. Sau khi đánh bại quân Thục, đại binh của sơn
Thánh về tới địa đầu Đăng Tiên Trang, nhì thấy núi non bên cạnh dòng sông uốn
lượn như cung rồng, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, đức thánh đã cho đại quân nghỉ
lại một ngày.
Nhân dân Đăng Tiên mang lễ vật tiến dâng lên người và khao
quân. Ngài nói: Ta Tản Viên Sơn vâng lệnh vua Hùng đi đánh giặc dữ, giúp dân ổn
định cuộc sống, đồng thời diệt trừ sơn lang độc thú bảo vệ dân lành. Nhân dân
Đăng Tiến kính trọng thành tâm dâng lễ vật, ta ghi nhớ! Mọi người hãy mang trâu
bò dê lợn về, ta chỉ nhận một ít bánh trái lễ chay.
Người dân Đăng Tiên cảm ơn công đức của người xin được lập
miếu phụng thờ. Người cắm hướng miếu và cho dị hiệu Quán Cốc. Từ đó, ngày 12
tháng 11 là ngày Tản Viên Sơn vu sơn về núi, nhân dân Đăng Tiên xưa (Tiến Tiên
nay) cha truyền con nối, đời tiếp đời đèn nhang cúng tế coi là ngày tưởng nhớ
ngài. Năm 1.767 Quán Cốc được xây dựng thành đình.
Đình Tiên Tiến rất linh thiêng, người dân địa phương thường
kể lại câu chuyện về đôi rắn lớn mào đỏ trong giếng đình và những chuyện ly kỳ
thần bí xung quanh ngôi đình. Từ lâu, ngôi đình nhỏ đã trở thành báu vật thiêng
liêng của nhân dân địa phương, đồng thời mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, tôn
vinh công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Hòn đá thiêng của Sơn Thánh Tản Viên chống Thủy Tinh.
Hòn đá Cả ở thôn Tiến Tiên cách đình làng khoảng 200m. Nó có
chiều rộng chừng 80cm, dài gần 120cm, dày chừng 50cm. Phía dưới phiến đá có 5 vết
lõm nhỏ được cho là vết bàn tay của thánh Tản. Những câu chuyện về hòn đá Cả được
lưu truyền trong nhân dân gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh nên người
dân vẫn gọi là “hòn đá Sơn Tinh”.
Người dân Tiến Tiên tôn kính phiến đá như một vật báu trong
làng. Phiến đá được xây bệ kê ngay ngắn bên đường, là nơi cho người dân nghỉ
ngơi, hóng mát, tâm sự nhưng không bao giờ xâm phạm lên phiến đá.
Theo người dân kể lại, khi Sơn Tinh lấy công chúa Mỵ Nương,
Thủy Tinh ghen tức nên thường xuyên hô phong hoán vũ, dâng nước đánh Sơn Tinh,
Sơn Tinh lại làm phép dâng núi cao ngăn nước, bảo vệ dân làng. Trong những trận
giao tranh như thế, Sơn Tinh đã dùng đá ném xuống sông ngăn dòng nước. Hòn đá Cả
chính là dấu tích của những trận chiến thần tiên đó.
Trên hòn đá lưu những vết lõm mà theo người dân thôn Tiến
Tiên, đó là vết bàn tay Sơn Tinh nắm vào hòn đá, 4 vết phía trên một vết phía
dưới. Hiện nay, ở huyện Quốc Oai có một hòn đá tương tự, cũng được cho là hòn
đá của thần Sơn Tinh.
Sau rất nhiều câu chuyện kỳ lạ xung quanh hòn đá Cả, người
dân Tiền Tiến tin rằng, phiến đá đã được thánh Tản “trấn yểm” giúp ngôi làng
bình yên, người dân làm ăn phát đạt. Tất cả đều kính trọng, nâng niu bảo quản
viên đá như thần vật bảo vệ xóm làng”.
Nguồn: Báo An ninh Thủ Đô