Không phải định kỳ vào các ngày cuối tuần nhàn rỗi, cũng chẳng phải ngày Rằm hay mùng 1 như các phiên chợ khác dưới xuôi, chợ Phố Cáo (Đồng Văn) lại họp theo phương thức lùi ngày.
Với du khách phương xa đón được phiên
chợ đã là một kỳ công, đến được rồi thì ắt hẳn không ai muốn về, cho tới
khi tàn cuộc vui nồng men dưới nắng. Không phải định kỳ vào các ngày
cuối tuần nhàn rỗi, cũng chẳng phải ngày Rằm hay mùng 1 như các phiên
chợ khác dưới xuôi, chợ Phố Cáo (Đồng Văn) lại họp theo phương thức lùi
ngày, bởi vậy nếu du khách phương xa tuần trước đã dự phiên chợ đầy náo
nhiệt vào ngày Chủ nhật, thì tuần sau nếu có nhung nhớ đến để tìm trong
đám đông cô gái Mông xinh xắn bán hàng, hay thưởng thức món thắng cố bên
chén rượu ấm nồng thì nhớ đi vào ngày thứ 7, còn không thì tuần sau
nữa, chợ sẽ họp vào ngày thứ 6.
Cách Đồng Văn khoảng 25 km, chợ Phố Cáo
họp ngay rìa ngoài thị trấn Phố Cáo, mang đậm chất hoang sơ của núi rừng
miền sơn cước, dễ làm say đắm lòng người. Điều này bắt nguồn từ thung
lũng bên cạnh vốn xanh mướt mát một màu của lúa và ngút ngàn sắc trắng,
xanh của hoa Tam giác mạch vây quanh những nếp nhà trình tường lợp ngói
đen lớp lớp nối nhau quần tụ. Không chịu cảnh khắc nghiệt như Cao nguyên
đá Đồng Văn, không xa xôi cách trở cheo leo bên sườn núi như chợ Ma Lé,
khu Phố Cáo mang dáng dấp của vùng đồng bằng màu mỡ hiếm hoi lạc vào
khu rừng đá lởm chởm khô hạn, như một ốc đảo bình yên... Sự phồn thịnh
nét nguyên sơ của thung lũng Phố Cáo đã tạo nên một phiên chợ rất sầm
uất, ở đó mùi của men rượu ngô thì vẫn không đổi thay, những tia nắng
vàng óng như mật ong ngàn năm không phai sắc, những cô gái với nụ cười
tươi như hoa với tà áo và ánh mắt trẻ thơ như gợi niềm hân hoan cho
những ai ghé chơi.
Đi chợ không chỉ để mua, bán, trao đổi
hàng hóa, cái lý này vốn dĩ như một quy luật ở khắp một dải của núi rừng
Việt Nam, và tại chợ Phố Cáo, sự rộn ràng đa sắc đã trở thành một nét
riêng quyến rũ. Điều đó lý giải vì sao các sạp bán hàng ăn ở đây như dài
hơn, nồi thắng cố như bốc hơi thơm hơn. Chợ họp ngay từ ngoài đường
Quốc lộ, theo lối đi qua cổng mở ùa ra một khoảng đất trống, tại đó miên
man các sản vật núi rừng bày bán cùng hàng gia dụng và đồ nông cụ. Nào
là hạt mắc khén mùi thơm hắc, những chõ xôi ngũ sắc của người Tày bán
cạnh nồi xôi tím của người Mông, quần áo may sẵn bán cùng măng tre, sáp
ong, củ rừng chữa bệnh...
Đông đảo và vui mắt nhất phải kể tới khu
bán vải đủ mầu sắc, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại vải dệt các họa
tiết hoa văn của phụ nữ Mông đều đặn những dải hình quả trám chạy ngang
dọc, hình chéo hay ziczac... Ngày xa xưa khi giao thương còn cách trơ,
phụ nữ Mông từ khi còn bé đến khi về già tay chẳng bao giờ rời sợi lanh.
Tấm váy Mông được dệt từ hàng vạn sợi lanh trong hàng tháng trời ròng
rã, mỗi tấm là một tác phẩm nghệ thuật, là niềm hạnh phúc của những phụ
nữ miền sơn cước.
Ồn ào và lộn xộn nhất là khu bán gia
súc, gia cầm. Chợ Phố Cáo không chuyên bán trâu, bò như chợ Ma Lé, những
cũng chẳng thiếu những đàn lợn đen nhẻm như than, cổ buộc dây cứ dũi
dũi mõm xuống đất, cộng thêm đám gà, vịt kêu inh ỏi mỗi khi có ai đó
nhấc bổng chúng lên. Cái danh từ “lợn cắp nách” cũng ra đời từ đây, đó
là những chú lợn bé khoảng 10 – 12 kg được chủ của chúng ôm đi chợ từ
sớm. Nếu mua bán may mắn, sẽ có một số tiền kha khá để mời bạn bè uống
một trận rượu cho đến khi phiên chợ tàn, còn không bán được cũng chẳng
sao, lại ôm về và đợi cho đến phiên chợ sau.
Cái hay của người miền cao là đi chợ để
gặp bạn bè, để uống rượu, để hàn huyên. Những món ăn nào có sang trọng
gì đâu, thông dụng nhất vẫn là món thắng cố “danh bất hư truyền”, đơn
giản hơn là các kiểu thịt luộc chấm muối ớt, hay những quả tim thái ra
rồi nhúng qua vào nồi nước sôi sùng sục. Bàn ghế thì khập khiễng, sứt mẻ
chẳng cái nào ra cái nào, nhưng có sao đâu, chỉ cần gặp nhau trong
phiên chợ là đủ, là vui lắm rồi. Người miền núi như cánh chim, như vó
ngựa, cách nhau cả ngày đường đi bộ, chỉ có phiên chợ mới được gặp lại
cố nhân. Thế là uống với nhau những bát rượu đầy thơm nồng, cùng ê a hát
bài nhớ nhung, cùng nghe điệu khèn của chàng trai Mông đang thổi đâu đó
trong phiên chợ này.
Đã ra tới chợ mà không ăn không uống thì
còn gì là thú vui đi chợ. Thắng cố đã phổ biến, món mì tôm dội nước sôi
cũng là món ăn quá đỗi thân thương ở nơi đây. Rồi xôi, rồi trứng luộc
với thành thị chẳng bao giờ được đánh giá cao, nhưng trên miền sơn cước
này nó ngon lành biết chừng nào...
Chợ Phố Cáo họp từ sớm tinh sương cho
đến giữa trưa, khi nắng đã lên tới đỉnh trời thì chợ đã vơi đi gần hết,
chỉ còn vài hàng quán ăn cố bán cho những gã trai mải vui, để khi chia
tay, dù chếnh choáng hơi men vẫn phải nhớ, nếu muốn gặp lại phiên chợ
sau nhớ phải chọn cho đúng ngày. Phiên chợ lùi ngày ngộ nghĩnh này tạo
cho chợ Phố Cáo một nét duyên chẳng thể dễ để gặp ở dưới xuôi, và người
ta lại nhớ tới nơi những rặng núi cao chất ngất và con đường về bản
không dài thăm thẳm như nỗi nhớ bạn của người Mông.
Bùi Trung Dũng
Phòng Lữ hành - Công ty Du lịch Vietworld Travel