Trước
sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tìm
kiếm thông tin về các chuyến đi trên môi trường số ngày càng phổ biến,
du lịch tự túc cũng ngày càng lên ngôi. Thay vì mua tour trọn gói từ các
đơn vị lữ hành như trước, một bộ phận lớn du khách đang hình thành thói
quen tự tìm kiếm, đặt các dịch vụ du lịch trực tuyến qua mạng. Xu hướng
này kéo theo nhu cầu muốn được cá nhân hóa trải nghiệm du lịch, trong
đó, đòi hỏi của du khách về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm
ngày càng cao. Thực tế này đặt ra yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp du
lịch buộc phải chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh để nâng cao khả
năng tiếp cận khách hàng và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chuyển
đổi số trong du lịch giúp tiếp sức cho quá trình chuyển dịch từ mô hình
quản lý, kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang mô hình hiện đại hơn
dựa trên dữ liệu số nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và trải
nghiệm của du khách. Trong khi đó, chuyển đổi xanh với việc thực hiện
các giải pháp giảm lượng phát thải, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các
nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo
vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Dù mang nội hàm khác nhau nhưng
theo các chuyên gia, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong du lịch có
sự gắn kết rất chặt chẽ. Chuyển đổi số giúp cung cấp các công cụ để thúc
đẩy tăng trưởng xanh, và việc triển khai các hoạt động xanh cũng giúp
thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp số một cách bền vững.
Phó Cục
trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc khẳng định, việc
hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất thông qua
chuyển đổi số sẽ tạo động lực mạnh mẽ để ngành du lịch chuyển đổi xanh,
góp phần vào thực hiện cam kết của Việt Nam về Net Zero.
Thời
gian qua, ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhiều doanh
nghiệp, điểm đến du lịch đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch
vụ trên các website, mạng xã hội; đồng thời, đầu tư để phát triển các
ứng dụng di động, hệ thống đặt phòng trực tuyến, trải nghiệm thực tế ảo,
dịch vụ chăm sóc khách hàng qua chatbot… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của
thị trường và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Nhằm đẩy nhanh tiến
trình chuyển đổi số du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phát triển
ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel”- công cụ hỗ
trợ mạnh mẽ cho du khách từ tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ (vé máy
bay, phòng khách sạn, vé tham quan…), thanh toán điện tử, đến hỗ trợ du
khách đánh giá, phản hồi chất lượng; phát triển nền tảng Quản trị và
kinh doanh du lịch nhằm tạo môi trường số hỗ trợ kết nối các chủ thể: cơ
quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, khách du lịch; triển khai hệ thống
thuyết minh đa phương tiện Multi-media… Ðiều này không chỉ giúp tối ưu
hóa các hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà còn giúp nâng cao khả năng
cạnh tranh và mức độ nhận diện của du lịch Việt Nam. Trong chuyển đổi
xanh, du lịch nước ta ghi nhận dấu ấn đáng kể với việc hình thành những
điểm đến xanh, cơ sở lưu trú xanh theo mô hình khách sạn không rác thải
nhựa, đầu tư hệ thống áp dụng năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên
thông minh, đưa xe điện vào vận chuyển khách… Cùng với đó là sự xuất
hiện của những tour du lịch xanh mang đến những trải nghiệm du lịch đặc
sắc, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam bền vững, có trách
nhiệm…
Rõ ràng, chuyển đổi xanh
và chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà còn là đòi hỏi tất yếu để đưa
du lịch bứt phá nhanh, bền vững. Tuy nhiên, quá trình “chuyển đổi kép”
này ở nước ta vẫn đối diện nhiều thách thức, nhất là khi cả chuyển đổi
xanh và chuyển đổi số đều đòi hỏi phải đầu tư nhiều nguồn lực, trong khi
phần lớn các doanh nghiệp du lịch Việt chỉ có quy mô vừa và nhỏ. Ðó là
lý do Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn đề
xuất, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu
tư cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xanh, sạch vào kinh
doanh du lịch để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, từ đó thúc
đẩy xu hướng tiêu dùng xanh; đồng thời có cơ chế hỗ trợ các địa phương
có tiềm năng du lịch nhưng gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Cùng quan
điểm, Thạc sĩ Ðặng Thị Giang, Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng
cho rằng, đối với các doanh nghiệp phát triển mô hình, sản phẩm du lịch
xanh, Nhà nước cần có những ưu đãi phù hợp để họ kiên trì theo đuổi
hướng đi này như các gói hỗ trợ lãi suất hay cơ chế ưu đãi cho các dự án
phát triển du lịch xanh…
Vừa qua, để giải quyết tình trạng manh
mún, thiếu đồng bộ trong chuyển đổi số du lịch, Cục Du lịch Quốc gia
Việt Nam ban hành Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch
với chủ đề “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động”, đồng thời
phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố để tổ chức các chương trình tập huấn
về chuyển đổi số tại địa phương. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chuyển đổi
xanh, vẫn chưa có những tiêu chí hay hướng dẫn cụ thể. Vì thế, Việt Nam
cần xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển
du lịch theo hướng tăng trưởng xanh để áp dụng trên cả nước với từng
khu, điểm du lịch.
Cũng theo các chuyên gia, cả chuyển đổi xanh
và chuyển đổi số du lịch đều dựa trên nền tảng quan trọng là khoa
học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó,
đầu tư cho công nghệ và con người chính là yếu tố cần được ưu tiên hàng
đầu trong thực hiện “chuyển đổi kép”. Muốn thế, Việt Nam cần nhanh nhạy
hơn trong nắm bắt các tiến bộ về khoa học-kỹ thuật, đẩy mạnh hợp tác
quốc tế trong đào tạo, giáo dục, chuyển giao công nghệ… để luôn sẵn sàng
về kỹ thuật, nhân lực thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chắp
cánh cho du lịch Việt Nam bay cao và bay xa.
Vi Anh
Nguồn: Báo Nhân Dân