Vị thế dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục duy trì và phát triển bất chấp tranh chấp thuế quan gia tăng và căng thẳng địa chính trị.
Những thành tựu công nghệ của Trung Quốc đang làm thay đổi triệt để các ngành công nghiệp trong nước, tạo tiền đề cho những tiến bộ toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), robot, xe năng lượng mới (NEV) và hơn thế nữa.
Tiếp theo Báo cáo Mega về Trung Quốc năm 2025 do công ty tư vấn kỹ thuật số ChoZan công bố gần đây, bài viết này khám phá các lĩnh vực chính mà Trung Quốc đang dẫn đầu, những đổi mới mang tính chuyển đổi đang nổi lên từ quốc gia này và những hiểu biết thực tế dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại hoặc với Trung Quốc.
AI: Từ các mô hình tiết kiệm chi phí đến ảnh hưởng toàn cầu
Trí tuệ nhân tạo là trọng tâm trong chương trình nghị sự đổi mới của Trung Quốc và năm 2025 là năm then chốt cho tham vọng AI toàn cầu của quốc gia này.
Được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước và sự sáng tạo của khu vực tư nhân, các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu trong nỗ lực phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), những ứng dụng hỗ trợ AI và những hệ thống AI tiết kiệm chi phí. Một ví dụ nổi bật là mô hình V3 của DeepSeek, ra mắt vào cuối năm 2024 gây tiếng vang lớn trên thị trường công nghệ thế giới.
Mô hình AI nguồn mở này đã vượt trội hơn các công ty hàng đầu trong ngành như Llama 3.1 của Meta và ngang bằng với khả năng ChatGPT-4o của OpenAI . Điểm khiến DeepSeek trở nên khác biệt là quy trình phát triển tiết kiệm chi phí: mô hình được đào tạo chỉ với 5,5 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ chi phí mà các đối tác của Mỹ phải chi trả.
Các kỹ sư Trung Quốc không chỉ đơn thuần sao chép các mô hình như ChatGPT của OpenAI; thay vào đó, họ đang vạch ra một con đường riêng biệt bằng phương pháp điều chỉnh những tiến bộ AI của mình thành các ứng dụng thực tế, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau. Ví dụ, Manus , một công ty khởi nghiệp AI mới nổi ủa Trung Quốc, tập trung vào kế hoạch phát triển các hệ thống AI nhẹ được tối ưu hóa để triển khai nhằm hoàn thành một nhiệm vụ.
Sự cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây đã làm tăng thêm sự căng thẳng cho những quan hệ đối tác AI. Với những biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây của Mỹ, thắt chặt quyền truy cập vào các linh kiện bán dẫn tiên tiến và dịch vụ đám mây, các công ty AI của Trung Quốc phải đối mặt với những rào cản ngày càng tăng trong việc tiếp cận ngăn xếp AI toàn cầu. Đồng thời, những hạn chế này đang thúc đẩy các nỗ lực đổi mới và bản địa hóa ngành sản xuất trong nước.
Những tác động của những tiến bộ này là rất sâu sắc. Các mô hình AI của Trung Quốc, dự kiến sẽ tiếp tục rẻ hơn đáng kể so với các giải pháp của phương Tây, đang ở vị thế thuận lợi trong quá trình tác động đến thị trường toàn cầu, đặc biệt là với các quốc gia và tổ chức hoạt động trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.
Các công ty phải đánh giá rủi ro khi quá phụ thuộc vào các nhà cung cấp AI của Trung Quốc trong bối cảnh môi trường chính sách thay đổi. Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi và các doanh nghiệp nhạy cảm với ngân sách, sức hấp dẫn của AI hiệu quả về mặt chi phí của Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ — đặc biệt là khi sự phân mảnh quy định toàn cầu ngày càng sâu sắc.
Robot và tự động hóa: Từ nhà máy đến cuộc sống hàng ngày
Những tiến bộ trong công nghệ robot đang định nghĩa lại ranh giới giữa tương tác giữa người và máy và năng suất công nghiệp. Năm 2024, các công ty như Unitree đã thể hiện sức mạnh giành giật thị trường bằng phương thức sản xuất hàng loạt robot hình người và chó robot với mức giá thấp hơn đáng kể. Ví dụ, chó robot Trung Quốc có giá 3.000 đô la so với 75.000 đô la của Boston Dynamics.
Tại Hội nghị Robot Thế giới ở Bắc Kinh, sự chú ý tập trung vào những robot hình người được trang bị khả năng AI tạo ra, cho phép người máy suy nghĩ, học hỏi và trò chuyện như con người. Những robot này hiện đang tìm thấy ứng dụng trong các nhà máy, hậu cần và dịch vụ khách hàng. Sự dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực robot được hỗ trợ bởi hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ của quốc gia này. Thâm Quyến, được gọi là "Thung lũng Silicon của phần cứng", tiếp tục là trung tâm thần kinh cho tiến trình đổi mới của robot, hình thành các giải pháp có thể mở rộng quy mô áp dụng nhanh chóng trên khắp các ngành công nghiệp.
Máy tính lượng tử: Lợi thế của Trung Quốc ở biên giới tiếp theo
Bước đột phá mới nhất, bộ xử lý lượng tử Zuchongzhi 3.0, do Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC) phát triển, đã đạt được ưu thế lượng tử bằng cách hoàn thành các tác vụ trong vài giây mà các siêu máy tính nhanh nhất thế giới phải mất hàng tỷ năm. Với 105 qubit siêu dẫn, Zuchongzhi 3.0 cạnh tranh với QPU Willow của Google về hiệu suất, tự hào có độ trung thực cổng là 99,90% đối với các hoạt động qubit đơn và 99,62% đối với các hoạt động hai qubit. Tiến trình này được thúc đẩy bởi mô hình đổi mới do chính quyền Trung Quốc lãnh đạo, đầu tư hơn 15 tỷ USD vào R&D lượng tử. Ngoài điện toán, Trung Quốc dẫn đầu trong truyền thông lượng tử, vận hành mạng lượng tử lớn nhất thế giới và triển khai các vệ tinh như Micius.
Xe năng lượng mới: Thúc đẩy tương lai của phương tiện di chuyển
Thị trường NEV là một phân khúc khác mà quốc gia này đang vượt qua các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Năm 2024, BYD đã vượt qua Tesla về doanh số bán ô tô toàn cầu. Với 67% thị phần thị trường NEV toàn cầu, Trung Quốc đang thiết lập các chuẩn mực mới về công nghệ EV, hiệu quả sản xuất và khả năng chi trả.
Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc đã gây ra phản ứng bảo hộ ở các thị trường chính. Năm 2025, Liên minh châu Âu đã khởi xướng một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc, Mỹ đã áp dụng mức thuế cao hơn đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất và những thành phần liên quan. Các biện pháp thương mại này có thể hạn chế sự mở rộng toàn cầu của các thương hiệu xe điện Trung Quốc, tạo ra những trở ngại mới cho tăng trưởng quốc tế.
Hệ sinh thái NEV được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư đáng kể của chính phủ vào cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới sạc EV, các cơ sở tái chế pin. Những đổi mới trong công nghệ lái xe tự động cũng đang thúc đẩy ngành này phát triển. Robotaxis với khả năng Cấp độ 4 dự kiến sẽ hoạt động tại 65 thành phố của Trung Quốc vào cuối năm 2025.
Đối với các doanh nghiệp, bối cảnh sự thay đổi mạnh mẽ này mang đến những cơ hội và rủi ro. Việc hợp tác với các nhà sản xuất NEV của Trung Quốc hoặc đầu tư vào chuỗi cung ứng EV của quốc gia này vẫn hấp dẫn để tiếp cận công nghệ mới và quy mô sản xuất, nhưng các công ty hiện phải tính đến căng thẳng địa chính trị, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và chính sách thương mại trong chiến lược sản xuất và chiếm lĩnh thị phần.
Sự phát triển của eVTOL và nền kinh tế tầm thấp
Một trong những phát triển mang tính tương lai nhất là sự xuất hiện của phân khúc eVTOL ( phương tiện bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện). Được gọi là " nền kinh tế tầm thấp ", ngành công nghiệp này được thiết lập để cách mạng hóa khả năng di chuyển trong đô thị. Những công ty như eHang và Xpeng đang dẫn đầu trên toàn cầu với eHang nhận được giấy phép sản xuất taxi bay đầu tiên vào năm 2024.
Cam kết của Trung Quốc được thể hiện rõ qua việc thành lập một ban chuyên trách chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển eVTOL. Khả năng sản xuất hàng loạt ô tô bay với giá cả cạnh tranh đang đưa quốc gia này trở thành nước dẫn đầu trong ngành công nghiệp mới ra đời này.
Du khách chiêm ngưỡng Tàu sân bay trên đất liền, ô tô bay mô-đun sản xuất hàng loạt quy mô lớn đầu tiên trên thế giới, vào ngày 21 tháng 1 năm 2025 tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Zhongguancun và hơn thế nữa
Hệ sinh thái đổi mới của Trung Quốc được neo giữ bởi các trung tâm như Zhongguancun (ZGC). Vào năm 2024, chi tiêu cho R&D của quốc gia này đạt 502 tỷ đô la, thúc đẩy những đột phá trong điện toán lượng tử, khoa học sự sống và thám hiểm không gian. ZGC là nơi đặt trụ sở của các công ty AI hàng đầu như Zhipu AI và Kimi. Trung tâm này cũng đóng vai trò là nền tảng cho hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư từ các công ty khổng lồ toàn cầu như AstraZeneca và Medtronic.
Lời khuyên cho doanh nghiệp
Khi Trung Quốc củng cố vị thế là quốc gia dẫn đầu về công nghệ toàn cầu, các doanh nghiệp làm việc tại hoặc với quốc gia này phải có cách tiếp cận chủ động.
Sau đây là những chiến lược chính:
Chấp nhận hợp tác: Hợp tác với các công ty công nghệ Trung Quốc để tiếp cận các giải pháp tiết kiệm chi phí. Hợp tác cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập vào thị trường nội địa Trung Quốc.
Tận dụng chuyên môn địa phương: Hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo như Zhongguancun để khai thác hoạt động R&D tiên tiến.
Chuẩn bị cho sự cạnh tranh: Các công ty phương Tây phải sẵn sàng cạnh tranh với các công ty Trung Quốc đang mở rộng ra thị trường toàn cầu. Sự khác biệt thông qua đổi mới sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Giảm thiểu rủi ro địa chính trị: Trong bối cảnh thuế quan tăng và kiểm soát xuất khẩu, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đánh giá khả năng tồn tại lâu dài của các quan hệ đối tác công nghệ liên quan đến các lĩnh vực chiến lược như xe điện, chất bán dẫn và AI. Việc lập bản đồ rủi ro và lập kế hoạch tuân thủ hiện là điều cần thiết phải thực hiện sớm.
Tập trung vào tính bền vững: Với việc Trung Quốc tập trung vào công nghệ xanh, tính bền vững sẽ phù hợp hơn với các mục tiêu dài hạn của quốc gia.
Điều gì đang chờ đợi ở phía trước?
Từ AI và robot đến NEV, máy tính lượng tử và eVTOL, Trung Quốc đang định hình tốc độ cho những tiến bộ toàn cầu. Những phát triển này phản ánh tầm nhìn rộng hơn về quá trình chuyển đổi từ “Công xưởng của thế giới” thành “Trung tâm R&D của thế giới”. Đối với các doanh nghiệp, cơ hội là rất lớn, nhưng thách thức cũng vậy. Thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng, tạo ra sự hợp tác có ý nghĩa và luôn dẫn đầu trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Khi Trung Quốc tiếp tục định hình tương lai của công nghệ, câu hỏi không phải là có nên tham gia hay không, mà là làm thế nào để thực hiện một cách hiệu quả và an toàn.
Ashley Dudarenok
Nguồn: Jing Daily