Trong nhiều năm qua, Đà Lạt luôn có mức tăng trưởng ấn tượng về lượng du khách. Đô thị đã phát triển toàn diện về mọi mặt là trung tâm tổng hợp chính trị kinh tế văn hóa xã hội tỉnh lỵ Lâm Đồng, đồng thời là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng núi cao yêu thích của người dân Việt Nam.
Có thể nói, du lịch là đòn bẩy quan trọng trong cấu trúc kinh tế địa phương, sự phục hồi thị trường du lịch sau COVID năm 2022 đã đem lại một chỉ số ấn tượng cho Đà Lạt: Đón 7,5 triệu du khách, trong đó có 150 nghìn lượt khách quốc tế, thời gian lưu trú bình quân 2,3 ngày; tổng thu du lịch đạt 13,5 ngàn tỷ đồng, cao nhất trong 10 năm qua, đóng góp quan trọng tạo nên tỷ trọng thương mại dịch vụ 67,66% trong cơ cấu kinh tế TP (TP).
Bên cạnh những thành công, vẫn tồn tại nhiều hệ lụy từ quá trình phát triển nóng đô thị như: Sự mất mát các giá trị di sản về kiến trúc và cảnh quan đô thị; nét lãng mạn, sự thơ mộng bị sụt giảm bởi những hoạt động xây dựng mới và mật độ cư trú con người tăng cao; sử quá tải của hoạt động du lịch tác động lên hạ tầng cơ sở nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng; độ tải đô thị cũng làm gia tăng nguy cơ về an toàn địa chất công trình trong môi trường địa hình dốc nhiều cắt xẻ đồi núi; không gian mảng xanh và không gian rừng đô thị vốn là niềm tự hào kiêu hãnh của người Đà Lạt cũng bị tổn hại, thu hẹp nghiêm trọng; các quá trình chuyển đổi sử dụng đất không được quản lý định hướng khoa học, môi trường canh tác nông nghiệp phát triển nóng thay thế các loại hình đất khác, dẫn đến đô thị có tỷ trọng đất nông nghiệp tăng cao và nghiêm trọng – Cảm nhận rõ nét là sự biến đổi khí hậu nóng lên rõ nét của Đà Lạt chỉ trong vòng 3 thập niên vừa qua.
Thống kê lượng du khách đến các nước Đông Nam Á năm 2023 (Nguồn: Seasia.stats)
Riêng hoạt động du lịch cũng có nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét nhìn nhận và tìm hướng khắc phục: Hạ tầng đô thị không đáp ứng nổi lượng du khách lớn, đặc biệt vào các dịp lễ Tết, kỳ nghỉ lớn; tác động dây chuyền đến các hoạt động khác của đô thị, kể cả xung đột với môi trường và chất lượng sống cư dân địa phương; sản phẩm du lịch tự phát, bắt chước các xu hướng thịnh hành dẫn đến việc phát triển nóng mất cân đối, làm suy giảm chất lượng, gây thất vọng với du khách; sản phẩm du lịch phổ thông đại trà, hầu hết tập trung khai thác dịch vụ, bình dân, khả năng tạo giá trị gia tăng trên doanh thu kém; thiếu sự sáng tạo trong các điểm và loại hình du lịch xứng tầm với tiềm năng; du lịch cao cấp ít sản phẩm và chưa thu hút tạo dựng như một điểm đến đẳng cấp; sự hạn chế về quỹ đất đang đối mặt với áp lực cần đối mới sâu sắc hoạt động du lịch nhằm chuyển đổi sang du lịch có chiều sâu chất lượng một cách bền vững.
Đứng trước một viễn cảnh có nhiều cơ hội phát triển thông qua việc điều chỉnh quy hoạch chung và mở rộng địa giới TP và vùng phụ cận, Đà Lạt cần nhìn lại nghiêm túc các hiện trạng khó khăn trên và tìm ra những cách tiếp cận và giải pháp hợp lý. Phạm vi bài viết sẽ tập trung phân tích vai trò đô thị du lịch của Đà Lạt, tìm hiểu các lợi thế truyền thống, các giá trị cốt lõi, khả năng mới của việc mở rộng ranh, dự báo các xu hướng du lịch thế giới… từ đó tìm kiếm một số ý tưởng về hình thành không gian vùng chức năng và sản phẩm du lịch mới.
Sơ đồ tổ chức không gian chức năng các vùng du lịch tại Đà Lạt và vùng phụ cận (Nguồn: Tác giả)
Phân tích thị trường du khách và tiếp cận đúng cho đề bài phát triển du lịch
Để có thể đưa ra những tiếp cận đúng cho thời kỳ mới, chúng ta cần nhìn nhận tổng quan về bối cảnh du lịch quốc tế, khu vực và Việt Nam, những tác động và mối liên hệ trực tiếp tới điểm đến Đà Lạt.
Tài nguyên du lịch
Du khách dễ dàng nhận biết, yêu thích với sự quyến rũ bởi 3 tài nguyên du lịch cốt lõi của Đà Lạt:
Khí hậu cao nguyên;
Địa hình cảnh quan – môi trường sinh thái tự nhiên;
Giá trị văn hoá lịch sử và di sản.
Các giá trị trên thực sự quý giá bởi sự khác biệt, nét thơ mộng của TP tình yêu với hình ảnh kiến trúc Pháp, khí hậu mát mẻ quanh năm, đặc trưng đô thị và hệ thực vật ôn đới cao nguyên, nét định hình bản sắc không nhầm lẫn cho du lịch tạo nên sự thắt chặt trung thành giữa du khách và nơi chốn điểm đến. Mọi kế hoạch phát triển nên luôn cần ghi nhớ, bảo vệ và phát huy các giá trị tài nguyên này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một đô thị đổi mới lớn lên nhanh trong 3 thập niên vừa qua, nhiều giá trị mới được bổ sung hay khôi phục trong diện mạo khác, có thể nói đến một số tính từ cần lưu ý bổ sung vào hệ giá trị: Tính năng động, sự sáng tạo và khả năng đón đầu xu thế du lịch, đặc biệt, dựa trên lực lượng truyền thống kinh doanh du lịch của người dân. Xét về mức độ sâu rộng, thì các hộ kinh doanh gia đình tham gia đời sống du lịch qua các dịch vụ cho thuê nhà nghỉ, quán ăn, cafe, quà lưu niệm, người dân Đà Lạt có mức độ tham gia đứng đầu cả nước với truyền thống nhiều thập niên qua. Qua khảo sát du khách gần đây, những hạ tầng và sản phẩm du lịch mới được đông đảo giới trẻ và du khách yêu thích có thể kể đến:
Đổi mới loại hình lưu trú đa dạng với sự xuất hiện của Homestay, Farmstay, Glamping;
Du lịch canh nông thăm quan và trải nghiệm hoạt động nông nghiệp, thu hoạch, thưởng thức, mua sắm nông sản;
Du lịch văn hóa với các sự kiện điểm đến âm nhạc và nghệ thuật sáng tạo;
Du lịch ẩm thực với nhiều quán ăn, cafe thiết kế sáng tạo trong không gian, phong cách dịch vụ và menu…;
Sản vật hoa và nông sản chế biến sáng tạo từ các doanh nghiệp địa phương cũng nâng tầm chất lượng và hình ảnh đại diện du lịch từ các món quà du khách mang về.
Vùng thị trường du lịch, khách hàng truyền thống và khách hàng mới
Đà Lạt được nhận biết với thế mạnh đặc trưng là thị trường du khách nội địa, phổ thông với mức chi tiết không cao. Con số kỷ lục về tổng du khách viếng thăm mỗi năm không thay đổi nhiều tỷ trọng khách quốc tế không vượt quá 10%. Điểm lưu ý là sự thay đổi cấu trúc khách quốc tế hậu COVID thấy rõ chuyến biển năm 2022-2023 với lượng khách Hàn Quốc chiếm 49,04%, ASEAN 14,86%, Trung Quốc + Đài Loan 10,6%, trong đó lượng khách người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam yêu thích du lịch golf tăng nhanh. Những tín hiệu tốt này còn tiếp tục hưởng lợi khi du lịch toàn cầu và châu Á đang hồi phục và Việt Nam tuy khởi đầu lại sau dịch không nhanh nhưng đang đúng quỹ đạo trở lại.
Đối với thị trường khách nội địa, Đà Lạt ngày càng khẳng định vị thế điểm đến của mình với những ưu thế sẵn có đặc biệt với sự phát triển của hạ tầng giao thông kết nối:
Tuyến đường bay được mở rộng tăng tần suất;
Giao thông đường bộ kết nối ngày càng rút ngắn thời gian bởi hệ thống đường cao tốc quốc gia tiến bộ. Xu thế phát triển ô tô cá nhân, xe tự lái gia đình và nhóm bạn đưa ra nhiều giải pháp tiếp cận, du lịch liên vùng liên tuyến từ 3 tỉnh du lịch biển Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa tăng cao. Liên hệ du lịch núi từ Buôn Ma Thuột, Đăk Nong được khơi thông và thị trường du khách TPHCM, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vẫn ổn định;
Xét trong 12 đô thị du lịch Việt Nam, Đà Lạt có vị thế độc lập duy nhất khu vực phía Nam trong mô hình điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cao nguyên và sẵn sàng các cơ hội mở rộng phát triển tạo thành nơi chốn thu hút du khách toàn vùng Đông Nam Á.
Thống kê lượng du khách đến các đô thị du lịch Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin do các cơ quan quản lý du lịch các địa phương cung cấp)
Giải pháp thực hiện và các ý tưởng đề xuất
Các phương pháp tiếp cận, đổi mới và tái cấu trúc du lịch Đà Lạt
Định vị vị thế dẫn đầu của Đà Lạt trong vùng thị trường quốc gia và khu vực Đông Nam Á đối với loại hình đô thị nghỉ dưỡng cao nguyên (Nên xem xét học tập, định vị noi theo với Chiang Mai – Thái Lan);
Chiến lược đa dạng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Xây dựng các mũi nhọn sản phẩm đặc trưng;
Tổ chức phân vùng quy hoạch và lựa chọn địa điểm đầu tư các sản phẩm du lịch theo chức năng, gắn liền với việc tái cấu trúc không gian đô thị, đảm bảo sự phát triển đồng bộ bền vững giữa môi trường du lịch và môi trường sống đô thị. Tổ chức quy hoạch sử dụng đất;
Đẩy mạnh phát triển tổ chức, doanh nghiệp và nhân lực ngành du lịch như các “hoạt động phần mềm” như: Kêu gọi đầu tư khởi nghiệp, sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới, phát triển nguồn nhân lực du lịch và hoạt động quảng bá – marketing.
Sơ đồ các đô thị du lịch tại Việt Nam (Nguồn: Tác giả)
Mục tiêu chiến lược cho phát triển du lịch Đà Lạt:
Phát triển bền vững về du khách (cả lượng và chất), trong đó đặc biệt chú trọng đến tăng trưởng khách du lịch cao cấp, tăng lượng du khách quốc tế;
Tái cấu trúc các sản phẩm du lịch, làm rõ các địa hạt mũi nhọn, các sản phẩm chất lượng, đáp ứng xu hướng của thế giới và Việt Nam, cụ thể chọn các loại hình du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cao cấp trên nền tảng tôn trọng thiên nhiên, sáng tạo nhiều sự kiện du lịch tầm quốc tế với đối tượng du khách chọn lọc;
Lựa chọn địa điểm và quỹ đất để phát triển du lịch, tổ chức sử dụng đất hiệu quả. Cân đối giữa các nguồn lực du lịch – nông nghiệp, và các ngành khác, đối với các khu vực ngoại vi, đất dành cho phát triển du lịch với mật độ xây dựng thấp, quy hoạch kiến trúc cảnh quan hài hòa là một hình thức tốt để phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường một cách hiệu quả;
Thúc đẩy phong trào: Đà Lạt điểm đến của sự hiếu khách, tạo ra một chất lượng nhân lực dịch vụ du lịch được yêu mến bởi chất lượng chuyên môn và thái độ niềm nở như bản sắc dễ mến của người Đà Lạt xưa;
Đón đầu xu thế các trào lưu du lịch mới trên thế giới, đưa các sáng tạo của ngành du lịch Đà Lạt đáp ứng những xu hướng triển vọng của du lịch toàn cầu.
Phân vùng và tổ chức cấu trúc không gian chức năng Đà Lạt và Vùng ngoại vi
Đây là một công tác vô cùng quan trọng trong việc thiết lập khung không gian phát triển cho một đô thị du lịch.
Đối với Đà Lạt và vùng phụ cận mở rộng, thách thức đến từ vùng diện tích rộng lớn 335.851ha phủ rộng các địa giới Đà Lạt hiện hữu, trọn vẹn huyện Lac Dương, Đơn Đương, Đức Trọng và 1 phần huyện Lâm Hà, địa hình phức tạp cắt xẻ nhiều và bố trí trên 2 vùng bình nguyên khác nhau, cao nguyên Lâm Viên 1500m và khu vực còn lại từ 900-1100m. Tuy vậy, phạm vi mở rộng lại đem lại rất nhiều hướng mở cho việc sắp xếp tái cấu trúc các quỹ đất du lịch, gợi ra các phân vùng mạch lạch và dễ thiết kế các kịch bản phát triển phân kỳ.
Có thể phân chia làm các đối tượng vùng như sau:
Vùng du lịch trung tâm: Là trung tâm nội thị Đà Lạt cũ, là trung tâm du lịch tổng hợp, du lịch di sản, lễ hội, văn hóa, mua sắm giải trí, các điểm thăm quan đã có thương hiệu trong bán kinh gần quanh tâm điểm Hồ Xuân Hương, các trung tâm sáng tạo văn hóa mới…
Vùng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trọng tâm: KDL quốc gia Tuyền Lâm, KDL quốc gia Đankia – Suối Vàng;
Vùng du lịch văn hóa dân tộc Lạc Dương và Đỉnh Langbiang;
Vùng du lịch nghỉ dưỡng sinh thái: Thác – Hồ Prenn, Hồ Đại Ninh, Hồ Đa Nhim Thượng, các khu phát triển tiềm năng dọc 2 bên thung lũng núi Voi, vùng đồi đô thị xanh Lạc Dương
Vùng Sinh thái bảo tồn: Vườn quốc gia Bidup – Núi Bà;
Vùng du lịch cộng đồng: Nam Ban, Trại Mát, Lạc Dương, D’ran;
Và các tiểu vùng khu vực nhỏ lẻ khác như hệ thống các làng hoa, nông nghiệp sinh thái tại phân khu Đông, Bắc, Tây Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương; hệ thống các điểm vui chơi giải trí dã ngoại sinh thái dọc các tuyến đèo Prenn, Mimosa, đường 725.
Đà Lạt – Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng núi cho toàn vùng Đông Nam Á
Các lợi thế Đà Lạt hiện đang có trong chiến lược phát triển thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng núi hàng đầu Đông Nam Á:
Điều kiện khí hậu mát mẻ và cảnh quan cao nguyên đặc trưng hấp dẫn so với các quốc gia phân bổ trong vùng nhiệt đới;
Đường bay quốc tế thuận tiện với số giờ bay từ 2h-3h;
Sự đa dạng văn hóa và di sản của đô thị;
Không gian vùng và đô thị du lịch Đà Lạt đủ lớn, hạ tầng và sản phẩm du lịch phong phú giúp du khách lưu trú dài ngày. Thậm chí có thể kết nối với vùng du lịch biển Nam Trung Bộ liền kề.
Các lợi thế này khá lớn so với các điểm đến du lịch núi và cao nguyên các quốc gia Đông Nam Á, nếu nói đến mô hình tương đồng, cần học hỏi đô thị du lịch Chiang Mai, Thái Lan vốn là điểm đến đô thị di sản – nghỉ dưỡng hàng đầu với hơn 20 đường bay quốc tế trực tiếp đến mỗi ngày, đón lượng khách quốc tế trực tiếp bằng đường hàng không đạt trên 1 triệu/năm.
Chiến lược cho phát triển du lịch Đà Lạt (Nguồn: Tác giả)
Đà Lạt, đô thị nghỉ dưỡng của người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam
Hiện nay, số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, tại các trung tâm sản xuất lớn vùng kinh tế trọng điểm… Số lượng người nước ngoài đăng ký lao động tại Việt Nam đạt trên 100.000 người, hầu hết là chuyên gia, quản lý cao cấp, lãnh đạo các doanh nghiệp, còn dự báo tổng số người nước ngoài sinh sống vào khoảng 400.000 người. Họ yêu thích Việt Nam bởi các chỉ số đạt thứ hạng cao trong khảo sát: Chi phí sinh hoạt rẻ, an toàn, văn hóa cởi mở và đón nhận, dễ dàng kết bạn, sự thân thiện người dân bản địa…. Việc đưa gia đình tới định cư lâu dài tại Việt Nam hay kết hôn với người Việt cũng là một xu hướng tăng. Cộng đồng này thật sự quan tâm đến một đô thị nghỉ mát và Đà Lạt luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho đối tượng này.
Các khả năng đáp ứng thị trường du khách này:
Khu nghỉ cao cấp, cảnh quan đẹp, dịch vụ tốt;
Các thể thao theo sở thích, đặc biệt bộ môn golf;
Du lịch giáo dục về thiên nhiên, môi trường dành cho trẻ nhỏ;
Du lịch sinh thái với các tuyến hiking, trecking từ thú vị đến thách thức;
Du lịch về chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Đà Lạt, đô thị du lịch mà du khách nội địa muốn quay lại hàng năm thậm chí nhiều lần trong năm
Đà Lạt có thể nói là đô thị duy nhất ở Việt Nam có được vị thế trong tâm trí du khách “Muốn quay lại mỗi năm hoặc nhiều lần trong năm”, đặc biệt với các du khách bán kính gần từ thị trường TP.HCM, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Sự yêu mến, quyến luyến, nhớ mong quay lại là một “ma lực” thị trường đầy quyền lực không dễ gì các đô thị có được. Vấn đề cần khai thác và duy trì mối quan hệ thị trường trung thành này bằng các biện pháp hợp lý, bền vững:
Luôn cải thiện và quản lý chất lượng môi trường du lịch từ tổng thể đến chi tiết;
Xuất hiện các sản phẩm và điểm đến du lịch mới hấp dẫn;
Sự sáng tạo của các hoạt động lễ hội, sự kiện du lịch;
Cải thiện hạ tầng giao thông kết nối;
Bảo vệ gìn giữ môi trường tự nhiên, cảnh quan rừng đặc trưng.
Một số xu hướng du lịch mới toàn cầu, triển vọng phù hợp phát triển tại Đà Lạt
Du lịch thiên văn;
Du lịch thể thao, các giải đấu đỉnh cao;
Du lịch dự các sự kiện đỉnh cao cùng các ngôi sao, thần tượng;
Du lịch bằng tàu hỏa;
Du lịch chăm sóc sức khỏe thông qua các cơ sở lưu trú cao cấp (Wellness & Spa Resort);
Du lịch thiền.
Một số khía cạnh thay đổi trong kinh doanh và sở thích du lịch:
Du lịch thông minh, số hóa và du khách đồng hành cùng AI,
Tận hưởng các bữa tiệc lớn, bữa ăn ngoài thiên nhiên,
Sự phát triển của các thương hiệu sản phẩm dịch vụ du lịch nội địa,
Các chủ nhà hàng được yêu thích lấn sân sở hữu các khách sạn, xu hướng đa sở hữu cơ sở du lịch….
Một số giải pháp cụ thể cho tổ chức tái cấu trúc không gian vùng sản phẩm du lịch
Đối với khu vực trung tâm đô thị di sản: Hạn chế phát triển mới các cơ sở du lịch lưu trú, các điểm du lịch tập trung đông người; nâng cao chất lượng hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch đạt chuẩn về chất lượng, khả năng đón tiếp, bãi xe, thoát người; tính toán kỹ lưu lượng du khách, luồng giao thông hợp lý các dịp lễ lớn, sàng lọc giữ các cơ sở du lịch đạt chuẩn, đầu tư mới các hạ tầng du lịch mang tính văn hóa, thương mại dịch vụ còn thiếu.
Đối với khu vực không gian vùng du lịch trọng điểm (Tuyền Lâm, Dankia – Suối Vàng): Thiết lập quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, tập trung tạo thành quần thể nghỉ dưỡng cao cấp hoàn chỉnh về cấu trúc, sàng lọc đối tượng khách, mật độ xây dựng thấp, bảo vệ cảnh quan nghiêm ngặt, hướng đến trở thành những viên ngọc du lịch đẳng cấp dẫn đầu trong tổng thê vùng đô thị du lịch.
Đối với các khu vực đô thị và điểm dân cư, điểm sản xuất nông nghiệp ngoại vi: Tổ chức quản lý chặt chẽ, khuyến khích điều hướng chất lượng các điểm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện phát triển đa dạng nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản, tránh tự phát lan tràn cạnh tranh không kiểm soát. Các loại hình du lịch xen kẽ thôn xóm, nhà ở và đất canh tác luôn hấp dẫn du khách nhưng đâu là tỷ lệ phát triển hợp lý cần nhiều nghiên cứu thêm.
Đối với du lịch dưới tán rừng, du lịch sinh thái: Đây là dư địa phát triển tốt, dựa trên tiềm năng sẵn có đặc biệt phân bố tại các vùng phụ cận, việc phát triển chuẩn mực, can thiệp xây dựng ít, chủ yếu tập trung trải nghiệm về hoạt động con người với thiên nhiên sẽ thu hút du khách và phát triển các loại hình du lịch vào ban ngày, phân tán lượng khách vào trung tâm. Nguồn thu mới cũng được gia tăng từ các hoạt động du lịch xanh này.
Đối với các khu vực phát triển mới tập trung (Lạc Dương, Đại Ninh, không gian khu vực Prenn – Núi Voi…): Xây dựng các khu du lịch tổng hợp đa chức năng, phân khúc trung cao, nhiều mô hình sản phẩm du lịch phổ thông nhưng chọn lọc, đầu tư kỹ lưỡng, đa dạng nhưng có cá tính bản sắc riêng hạn chế trùng lặp với các sản phẩm đã bị bão hòa.
Kết luận
Trong bối cảnh nghiên cứu quy hoạch chung mở rộng Đà Lạt và vùng ngoại vi đã mở ra những cơ hội tốt choviệc điều chỉnh những hạn chế, phát triển các lợi thế du lịch trong tương lai, chúng ta cần phân tích điều tra kỹ về các đặc tính thị trường du lịch Đà Lạt, điểm mạnh yếu và xu thế của thị trường du khách, xác định các tài nguyên du lịch cốt lõi, và xây dựng các lợi thế cạnh tranh mới, định vị và tạo dựng phương pháp tiếp cận tư duy cũng như mục tiêu phù hợp cho kế hoạch phát triển du lịch.
Việc phân loại đặc tính các loại hình du lịch dựa trên lưu lượng khách, khả năng chi tiêu và đặc tính sản phẩm đã chỉ rõ ra nhóm đối tượng phát triển du lịch cao cấp, du lịch xanh, du lịch sinh thái với trách nhiệm nhận thức bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên là hướng đi đúng đắn. Phân loại, ứng xử và đầu tư trọng tâm các loại hình du lịch cao cấp hợp lý, cũng như cải thiện chất lượng chiều sâu các loại hình du lịch phổ thông hiện có là những chương trình hành động song song cần thực hiện.
Đối với đô thị du lịch Đà Lạt, thì công tác tổ chức quy hoạch phân vùng du lịch là hết sức quan trọng, làm rõ các tiềm năng cơ hội phát triển từng địa điểm trong tổng thể chung tạo nên một kịch bản phát triển tầm vóc và ổn định trong tương lai. Các phân vùng sẽ cần có quy định chi tiết về loại hình sản phẩm du lịch kêu gọi đầu tư, các chỉ số xây dựng xác định nghiêm ngặt cụ thể, phân tích lưu lượng du khách, khả năng hạ tầng đáp ứng và mức tác động môi trường hợp lý. Quản lý chặt theo kịch bản và hài hòa phát triển sẽ tạo thế mạnh vượt bậc cho Đà Lạt đạt các mục tiêu chọn lọc, quy hoạch đối tượng khách và tăng giá trị gia tăng.
ThS.KTS Nguyễn Thu Phong
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch NVC Planning & Landscape
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5-2024)
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
2. AREP, Bài thuyết trình “Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045”, tháng 01/2024;
3. Viện Kiến trúc quốc gia & AREP, “Thuyết minh tổng hợp điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045”, 2023;
4. Condé Nast Traveller & Sarah Allard, “The Biggest Travel Trends to Expect in 2024 – From home swapping to astrotourism, these are the trends shaping travel in 2024, according to our editors and contributors”, [https://www.cntraveler.com/story/travel-trends-2024], tháng 12/2023;
5. Trang web các cơ quan quản lý du lịch các địa phương tại Việt Nam, tháng 01/2024.
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc