Lễ hội chùa Thầy từ lâu được biết đến như một lễ hội dân gian tiêu biểu của xứ Đoài. Với những thế mạnh hiện có, hoạt động tổ chức du lịch lễ hội tại chùa Thầy đang hướng tới sự chuyên nghiệp, thu hút ngày càng đông sự quan tâm và tham gia của khách du lịch trong và ngoài nước. Hằng năm, Lễ hội chùa Thầy thu hút khoảng trên 500.000 lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng, bái Phật.
NGHIÊN CỨU LỄ HỘI CHÙA THẦY TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Tác giả:
Nguyễn Thị Vân, Lớp ĐH Du lịch 01- K13, Khoa Du lịch, Trường
Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Nguyễn Hải Anh, Lớp ĐH Việt Nam học 02- K12, Khoa Du lịch,
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Nguyễn Phương Thảo, Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp
Hà Nội
*Email:
thaonp.haui@gmail.com
TÓM TẮT
Lễ hội chùa Thầy từ lâu được biết đến như một lễ hội dân
gian tiêu biểu của xứ Đoài gắn liền với chùa Thầy - Di tích quốc gia đặc biệt.
Đây cũng chính là nơi sản sinh ra ông tổ nghề múa rối nước truyền thống của dân
tộc. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị lễ hội Chùa Thầy trong du lịch chưa tương
xứng với tiềm năng không gian và thời gian của khu di tích.
Nghiên cứu này phân tích thực trạng của lễ hội chùa Thầy,
đánh giá những mặt ưu điểm và hạn chế của lễ hội chùa Thầy trong hoạt động du lịch;
Đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian lễ hội
chùa Thầy.
Việc tuyên truyền và quảng bá giá trị lễ hội chùa Thầy là biện
pháp hiệu quả nhất nhằm đưa hình ảnh của chùa Thầy đến gần hơn với du khách
trong nước và quốc tế.
1. GIỚI THIỆU
Lễ hội chùa Thầy từ lâu được biết đến như một lễ hội dân
gian tiêu biểu của xứ Đoài. Với những thế mạnh hiện có, hoạt động tổ chức du lịch
lễ hội tại chùa Thầy đang hướng tới sự chuyên nghiệp, thu hút ngày càng đông sự
quan tâm và tham gia của khách du lịch trong và ngoài nước. Hằng năm, Lễ hội
chùa Thầy thu hút khoảng trên 500.000 lượt khách du lịch đến chiêm ngưỡng, bái
Phật.
Qua đó tạo nguồn thu lớn cho huyện Quốc Oai. Bên cạnh đó còn
tạo việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn và các khu lân cận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát huy
giá trị Lễ hội Chùa Thầy trong du lịch chưa tương xứng với tiềm năng không gian
và thời gian của khu di tích.Du khách đến với Chùa Thầy từ nhu cầu tâm linh vẫn
là chủ yếu, chưa khai thác hết nhu cầu du lịch.Việc gắn kết giữa du lịch tâm
linh của khu di tích với di tích chùa Tây Phương, khu du lịch sinh thái Hoàng
Long và du lịch làng nghề truyền thống... trên địa bàn huyện vẫn chưa được phát
huy và khai thác.
Mặt khác, chưa có sự kết nối được quần thể thắng cảnh Chùa
Thầy với các điểm du lịch khác trên địa bàn Thành phố để tạo thành các điểm,
tour du lịch chuyên nghiệp có tính liên kết, liên hoàn trong và ngoài Thành phố.
Cùng với đó, một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ và thương mại trong lễ hội của
cư dân địa phương như tranh khách, bày bán hàng hóa, bãi gửi xe chưa theo đúng
quy định, ý thức của một số du khách chưa cao về vệ sinh môi trường cũng làm ảnh
hưởng ít nhiều đến những giá trị văn hóa trong mùa lễ hội…
Chính vì việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ
hội cổ truyền này là vô cùng quan trọng và bức thiết. Không chỉ vậy, lễ hội
Chùa Thầy có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây
cũng như là người dân tại các địa phương khác.
2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Tuy có cách tiếp cận khác nhau, song thực tiễn cho thấy các
nhà nghiên cứu đều thống nhất việc lễ hội là sản phẩm cấu thành từ hai hoạt động
(hay thành tố): “lễ” và “hội”. Lúc ban đầu, lễ hội thường là lễ hội nguyên hợp,
tức chưa có sự phân lập thành phần lễ và phần hội cũng như các hoạt động văn
hóa khác, chúng được diễn ra đồng thời, hòa quyện vào nhau.
Điều này là dễ hiểu, bởi lẽ con người là động vật bậc cao,
biết tư duy nhờ vào nhận thức. Ngay từ thuở hồng hoang, con người đã ý thức được
sự nhỏ bé của mình trước vũ trụ bao la và thiên nhiên kì vĩ. Vì vậy, con người
xem những hiện tượng tự nhiên ấy là sự linh thiêng và phi phàm. Nguyên do đó
ngoài việc là cơ sở để lễ hội được hình thành, nó còn là điều kiện để tín ngưỡng
và tôn giáo sơ khai ra đời vì thông qua lễ hội, đặc biệt là phần lễ, con người
xem đó là phương tiện, là cơ hội để con người có thể giao tiếp với thần linh và
các đấng siêu nhiên khác.
Về sau này, khi xã hội càng phát triển, trình độ tư duy của
con người cũng cao hơn thì: “Các nghi lễ cúng tế cũng phải tiến triển theo, và
dần dần trở thành hệ thống nghi lễ rất phức tạp, đa dạng và phong phú” [4,
tr.25].
Du lịch
Theo định nghĩa của Luật du lịch Việt Nam hiện hành năm 2017
thì: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người (cá nhân
hoặc tập thể) đến những nơi không thuộc khu vực mình cư trú thường xuyên không
quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng mục đích tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng,
kháp phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp mục đích hợp pháp khác [11].
Lễ hội du lịch
Lễ hội du lịch còn được gọi là các liên hoan du lịch thời điểm
diễn ra các hoạt động du lịch tập trung trên một địa bàn cụ thể. Lễ hội du lịch
gồm lễ hội văn hóa do các tổ chức, các đơn vị trong ngành du lịch phối hợp cùng
các cơ quan chức năng hoặc cơ quan trong ngành văn hóa thông tin đứng ra tổ chức.
Hình thức, hoạt động văn hóa xã hội tổng hợp mang nội dung
văn hóa sâu sắc, thông qua việc tổ chức khai thác các giá trị nhiều mặt (đặc biệt
là giá trị kinh tế, từ các hoạt động của lễ hội qua con đường du lịch. Tổ chức
lễ hội du lịch để thu lợi nhiều mặt, trong đó yếu tố kinh tế - xã hội đóng vai
trò nổi trội [5; tr.257].
Lễ hội du lịch được tổ chức ngày càng nhiều, vấn đề đặt ra
cho ngành du lịch hiện nay là khai thác tốt nguồn tài nguyên này thế nào để vừa
bảo tồn, giữ gìn các truyền thống tốt đẹp lại vừa phát huy hiệu quả to lớn
trong phát triển du lịch, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của du khách, phù hợp với
túi tiền mà họ bỏ ra. Việc khai thác tài nguyên này cũng không quá khó nếu ta
biết được giá trị đích thực của nó và có sự phối hợp của các cấp, các ngành và
cộng đồng địa phương.
Với xu thế phát triển của lễ hội du lịch như hiện nay, việc
nghiên cứu để tìm ra hướng phát triển cho lễ hội chùa Thầy là một trong những gợi
mở đúng đắn, một hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng to lớn.
3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể
như sau:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp dữ liệu: dựa trên cơ sở
tài liệu đã tìm kiếm và thu thập tiến hành phân tích và chọn lọc để đưa ra nhận
xét, đánh giá khách quan đến lễ hội Chùa Thầy.
- Phương pháp so sánh: Làm rõ được sự khác biệt giữa công
tác tổ chức của lễ hội Chùa Thầy xưa và nay.
- Phương pháp thống kê: Bằng cách liệt kê các con số cụ thể
về số lượng lễ hội giúp đề tài có những thông tin thực tế nhất.
4. KẾT QUẢ VÀ THẢO
LUẬN
4.1. Kết quả nghiên
cứu về thực trạng lễ hội Chùa Thầy trong phát triển du lịch
Lượng khách và doanh thu: Hình 1 là biểu đồ lượt khách du lịch
đến với chùa Thầy qua từng năm từ năm 2017-2021.
Hình 1. Lượt khách đến chùa Thầy 2017-2021 (Nguồn: Ban quản
lý di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, 2021).
Theo như trên biểu đồ ta thấy trong năm 2018 có sự tăng lên
rõ rệt trong lượt khách đến tham quan tại chùa Thầy so với năm 2017. Đó chính
là yếu tố tích cực trong những nét đổi mới của ban quan lý chùa Thầy. Lễ hội
chùa Thầy được diễn ra ngày 5, 6, 7 tháng 3 Âm lịch. Trong 3 ngày chính hội này
Ban Tổ chức sẽ không thu phí tham quan để thể hiện sự hiếu khách.
Nguồn khách: Khách du lịch đến với chùa Thầy có hai loại là
khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế, với mục đích chung là lễ hội
hành hương và tham quan du di tích của chùa chiếm 90% so với tổng lượt khách
trong đó 60% lượng khách đến với mục đích tín ngưỡng tâm hồn, còn lại là các hoạt
động khác.
Theo thống kê, lượng khách du lịch đến chùa Thầy chiếm
18,23% tổng lượng khách đến Hà Nội. Khách du lịch trong nước đến di tích chùa
Thầy chủ yếu là học sinh, sinh viên, khách hành hương từ Hà Nội và một số địa
phương lân cận khác. Khách du lịch quốc tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số
khách du lịch.
Cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật: Hầu hết khách đến với
chùa Thầy trong những năm vừa qua là đi du lịch trong ngày, khách lưu trú hầu
như không đáng kể. Đặc biệt do tính chất của du lịch lễ hội nên lượng khách đến
với chùa Thầy chủ yếu tập trung vào các ngày lễ hội gây quá tải cho khu danh thắng
với những hiện tượng như tắc đường, ô nhiễm môi trường tự nhiên, môi trường văn
hóa xã hội.
Về hệ thống cơ sở hạ tầng như đường, điện, bãi đỗ xe và hệ
thống xử lí chất thải còn kém. Vào mùa hội chính tình trạng kẹt xe tắc nghẽn
giao thông diễn ra liên tục,các bãi đỗ xe còn ngổn ngang chưa có sự quy hoạch,
thậm chí rất nhiều nhà dân ở quanh khu di tích tự mở bãi trông xe và lấy với
giá cao gấp hai đến ba lần so với ngày thường. Bên cạnh đó, hệ thống đèn điện dẫn
vào khu tích còn chưa được quan tâm tới. Trong mùa lễ hội, du khách muốn đến
chùa Thầy vào buổi tối phải đi qua một con đường không có ánh đèn điện, điều
này sẽ gây ra nhiều nguy hiểm và rủi ro với khách du lịch.
Ngoài ra các dịch vụ phục vụ cho du khách nơi đây chủ yếu
mang tính tự phát và mang tính mùa vụ. Các loại hình kinh doanh dịch vụ đa số
còn ít và tạm bợ. Các dịch vụ như kinh doanh các mặt hàng lưu niệm hay vui
chơi giải trí cũng vậy đều mang tính tự phát và do người dân nơi đây tạo nên
hết mùa lễ hội những dịch vụ kinh doanh ấy cũng loại bỏ.
Các gian hàng bán đồ lưu niệm đa số là bán ven đường với
các sản phẩm thủ công chứ chưa có gian hàng bán đồ lưu niệm hay các cơ sở bán đồ
lưu niệm lớn để phục vụ khách du lịch.
Nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Giống như nhiều lĩnh vực
khác, đối với ngành du lịch, nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ
năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao vào hoàn
thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch.
Đây cũng được coi là một trong những yếu tố then chốt làm
tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng địa
phương và rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia.
Hiện nay, số lượng hướng dẫn viên tại chùa Thầy còn ít người
mà trình độ và kiến thức về khu di tích vẫn chưa chuyên sâu. Đặc biệt, trong mấy
năm trở lại đây ngoài sự quan tâm của du khách trong nước, đã thu hút được một
lượng du khách quốc tế đến thăm quan và tìm hiểu văn hóa, lịch sử của khu di
tích.
Trong bối cảnh “toàn cầu hóa” hiện nay và nhất là trong
ngành du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa rất cần những hướng dẫn
viên giỏi ngoại ngữ để có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh của văn hóa Việt
Nam nói chung và di tích chùa Thầy nói riêng tới bạn bè quốc tế. Tuy nhiên,
trình độ tiếng Anh của các hướng dẫn viên du lịch tại đây vẫn còn kém.
Hoạt động tuyên truyền và quảng bá: Để hoạt động kinh doanh
trong nền kinh tế thị trường tốt thì công tác marketing là một công việc rất quan
trọng. Hoạt động này không chỉ đơn thuần giúp định hướng mà còn lựa chọn được
thị trường mục tiêu. Đặc biệt, đối với ngành du lịch thì công tác quảng bá, tiếp
thị được coi trọng hàng đầu nhằm thu hút khách hàng du lịch.
Tuy là một di tích quốc gia đặc biệt nhưng hoạt động tuyên
truyền quảng bá tại chùa Thầy vẫn chưa được chú trọng nhiều.Thông qua nguồn
khách có thể thấy khách đến với lễ hội chủ yếu là người dân Hà Nội và các vùng
lân cận, chứ chưa “vươn xa” đến được với du khách cả nước.
4.2. Thảo luận
Từ năm 2018, nhận thấy tầm quan trọng của di tích lịch sử
chùa Thầy và lễ hội chùa Thầy, Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai đã từng bước đổi
mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Lễ hội chùa Thầy sẽ khôi phục nguyên bản và phát huy những
giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể. Lễ hội năm 2019, toàn bộ các đội
rước sẽ sử dụng thống nhất các mẫu trang phục theo từng vai vế. Trong phần hội,
bên cạnh trình diễn múa rối nước trong suốt 3 ngày, các trò chơi dân gian truyền
thống tiếp tục được tổ chức đan xen ở khu vực sân trung tâm trước hồ Long Trì
và chùa Long Đẩu.
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội chùa Thầy, huyện Quốc Oai xây dựng
bãi đỗ xe và điểm bán hàng tập trung diện tích 2,2 ha tại khu vực đường vành
đai để trông giữ các phương tiện; di dời 45 kiot bán hàng ngoài cổng chùa ra
khu vực bãi đỗ xe. Đặc biệt, trong ba ngày diễn ra lễ chính, Ban tổ chức lễ hội
sẽ không thu vé thắng cảnh tham quan di tích chùa Thầy, tạo điều kiện cho du
khách đến hành lễ và tham quan.
Sau khi chùa Thầy được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt,
Uỷ ban nhân dân huyện Quốc Oai đã thành lập ban quản lý di tích tạm thời, từng
bước tiếp cận, tiếp quản công tác quản lý di tích, quản lý lễ hội theo hướng
chuyên trách đối với các hoạt động thu vé, lập lại trật tự bán hàng, thuyết
minh hướng dẫn, các công việc phụ trợ lễ hội và du khách.
Bên cạnh đó, huyện Quốc Oai đã khôi phục các nghi thức, hoạt
động tế lễ vào dịp lễ hội; tổ chức các hoạt động nhằm tạo điểm nhấn cho phần Hội
như trò chơi dân gian, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, múa rối nước.
Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chùa Thầy đã và đang bộc
lộ nhiều vấn đề bất cập mà nếu không được giải quyết kịp thời sẽ làm mất đi ý
nghĩa cũng như tính thiêng liêng của lễ hội.
Thứ nhất, tình trạng quá tải vì mùa lễ hội ở lễ hội chùa Thầy
cho thấy tính chất mùa vụ rõ rệt.
Thứ hai, tình trạng tăng giá đột ngột của tất cả các loại
hình dịch vụ trong mùa lễ hội.
Thứ ba,tình trạng chèo kéo khách du lịch mặc dù đã được cơ
quan chức năng quản lý, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên vào
mùa lễ hội.
Thứ tư,lượng rác thải lớn vì lượng người đông và ý thức của
du khách chưa cao. Du khách tự tiện xả rác không đúng nơi quy định.
Thứ năm, chùa Thầy là di tích lịch sử quốc gia có bề dày lịch
sử lâu đời vậy mà đội ngũ cán bộ và hướng dẫn viên chỉ có một đến hai người,
không đáp ứng đủ nhu cầu thuyết minh, hướng dẫn tham quan vào mùa lễ hội.
5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Làm thế nào để tất cả các du khách gần xa trong cả nước và bạn
bè quốc tế đều biết đến những giá trị độc đáo của di tích lễ hội chùa Thầy,
ngoài công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và lễ hội chùa Thầy cần phải chú
ý làm tốt những nội dung:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống các biển chỉ dẫn đường, pano,
áp phích quảng cáo tại các ngả đường chỉ dẫn vào khu di tích trong một phạm vi
rộng lớn hơn.
Thứ hai, liên hệ gửi các tài liệu giới thiệu về di tích lễ
hội chùa Thầy và gửi giấy mời tới các công ty lữ hành mỗi khi có các lễ hội hoặc
khi có các hoạt động sự kiện được tổ chức tại chùa. Gửi kèm theo bản chương
trình chi tiết các hoạt động diễn ra trong hội, ngay giờ tổ chức để họ có thể chủ
động lên kế hoạch xây dựng các tuor du lịch và giới thiệu tới khách hàng của
họ.
Thứ ba, nghiên cứu và tìm ra các tỉnh thành phố, khu vực là
những thị trường trọng điểm hoặc có đông lượng khách đến với chùa Thầy và
thành lập các trung tâm thông tin tại các tỉnh, thành phố đó. Nếu như điều kiện
hiện tại chưa có được các trung tâm thông tin du lịch này thì phải có biện
pháp cung cấp thông tin thường xuyên với các công ty lữ hành chuyên nghiệp có
uy tín bởi vì họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc này.
Thứ tư, xây dựng các đĩa CD/VCD, video giới thiệu chung về
giá trị và lễ hội chùa Thầy. Bên cạnh đó ban quản lý tại chùa tích cực tham gia
vào các hội thảo, hội nghị quốc gia về du lịch và các hội chợ du lịch.
Thứ năm, xuất bản hoặc liên kết xuất bản, phân phối qua các
kênh khác nhau những ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu về du lịch tại khu di
tích chùa Thầy. Hoạt động có hiệu quả thư viện sách đặt tại chùa Thầy, khuyến
khích các hoạt động đọc sách, tra cứu hoặc tặng sách về lịch sử, văn hóa, lễ hội
truyền thống tại đây.
Thứ sáu, tích cực triển khai công tác xã hội hóa và tăng cường
liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, xúc tiến
du lịch. Bên cạnh đó, có sự kết hợp chặt chẽ với Nhà nước và khu di tích trong
quảng bá và xúc tiến du lịch.
Thứ bảy, phát hành ấn phẩm đa dạng như tờ rơi, tập gấp, quyển
catalog, bản đồ nhằm giới thiệu về lễ hội, cung cấp những thông tin, hình ảnh về
lễ hội tới nhân nhân cả nước và nhất là du khách nước ngoài. Có thể phối hợp với
các ngành giao thông vận tải để cung cấp miễn phí trên các lộ trình những tài
liệu chỉ dẫn và thông tin du lịch liên quan tới di tích chùa Thầy.
Trong bối cảnh thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như hiện nay,
không chỉ mỗi đất nước Việt Nam mà cả trên Thế giới đang oằn mình để chống trọi
với đại dịch. Người dân có thức ở nhà để bảo vệ cho bản thân và xã hội, như vậy
nhu cầu sử dụng internet ngày càng nhiều. Bởi vậy việc quảng bá về lễ hội, về
di tích chùa Thầy qua các thông tin đại chúng như fanpage, qua facebook,
youtube,…
Ngoài giải pháp tuyên truyền và quảng bá thì các cơ quan ban
ngành nhà nước và chính quyền địa phương cũng cần quan tâm đặc biệt đến một số
giải pháp: quy hoạch di tích chùa Thầy, xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng - vật chất
kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình du lịch để từng bước
đưa lễ hội chùa Thầy trở thành lễ hội được nhiều du khách biết đến.
Đề xuất với sở Văn hóa Thể thao, sở Du lịch Hà Nội: Từng bước
xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp đủ năng lực điều hành các hoạt
động kinh doanh du lịch lịch có hiệu quả theo cơ chế thị trường; mở rộng hợp
tác về đào tạo nguồn nhân lực với các cơ sở, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp
vụ du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra trình độ của các
nhân viên trong ngành để nâng cao chất lượng. Nguồn nhân lực phục vụ trong các
lễ hội cần được quan tâm xây dựng.
Thành lập đội ngũ thuyết minh trong lễ hội (có thể thuyết
minh bằng tiếng nước ngoài), nhân viên phục vụ công tác trong lễ hội cần được
đào tạo chuyên sâu để mỗi người sẽ đảm nhận một khâu trong đó.
Đề xuất với ban tổ chức lễ hội: khoanh vùng điểm trông giữ
xe tại một số tuyến phố, giao lực lượng công an, dân phòng địa phương trông giữ
và công khai sơ đồ, mức phí gửi xe tại các điểm, nút giao thông quan trọng; cấm
các hoạt động bán rong, chèo kéo du khách trong khoảng cách 1 km tính từ lễ hội
đến các ngả đường; Tăng cường an ninh trong những dịp lễ hội; quy định giá bán
chung cho các cửa hàng và thành lập đội kiểm tra tránh tình trạng bắt chẹt
khách; bài trừ các tệ nạn, không để những ăn xin hoạt động trong phạm vi lễ hội…
Đề xuất với chính quyền địa phương: Ban hành các quy định hướng
dẫn người dân địa phương thực hiện tốt quy định của nhà Nước về hoạt động kinh
doanh du lịch và các hoạt động có liên quan đến hoạt động du lịch.
Tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho cộng đồng
địa phương về việc khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, có ý thức bảo vệ
môi trường. Tham mưu với UBND tỉnh có chính sách xây dựng và phát triển du lịch
là điểm du lịch hấp dẫn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hồ Hoàng Hoa, 1998. Lễ hội, một nét đẹp trong sinh hoạt
văn hóa cộng đồng. NXB Khoa học Xã hội.
[2]. Nhiều tác giả, 2000. Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt
Nam. NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
[3]. GS. Trần Quốc Vượng, 2000. Văn hóa Việt Nam tìm tòi và
suy ngẫm. NXB Văn hóa Dân tộc.
[4]. Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý, 2004. Lễ hội Việt Nam. NXB Văn
hóa Thông tin. [5]. Dương Văn Sáu, 2004. Giáo trình Lễ hội Việt Nam trong sự
phát triển du lịch. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
[6]. Thạch Phương - Lê Trung Vũ, 2015. 60 lễ hội truyền thống
Việt Nam. NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[7]. Trần Thị Bích Ngọc, 2010. Khai thác các giá trị văn hóa
của lễ hội Đền Sóc (Đền Gióng) - Sóc Sơn để phục vụ Du lịch. Luận văn tốt nghiệp
đại học, trường Đại học dân lập Hải Phòng.
[8]. Vũ Thị Hoài Châu, 2014. Nghiên cứu du lịch lễ hội Chùa
Hương ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Luận văn thạc sĩ du lịch, trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn.
[9]. Tìm hiểu về lễ hội chùa Tây Phương ở Thạch Thất - Hà Nội”.
Luận văn nghiên cứu khoa học, trường đại học Nội vụ Hà Nội.
[11] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa
XIV, 2017. Luật du lịch. NXB Chính trị quốc gia.
Nguồn: Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội