• Home
  • Site Map
  • Contact
  • Login
    • Register
  • Subscribe
Side Logo

Travel News

Trang tin du lịch

  • Home
  • Tin tức - Sự kiện
    • Thống kê du lịch
    • Chuyện lạ
  • Dịch vụ du lịch
    • Khám phá
    • Ẩm thực
    • Người Du lịch
    • Dự án đầu tư Du lịch
  • Visa, hộ chiếu
  • Thông tin cần biết
    • Đến Việt Nam
    • Tại Việt Nam
    • Giao thông
    • Thông tin khác
  • Văn Hóa
    • Giá trị lịch sử
    • Ngôn ngữ văn học
    • Lễ hội, trò chơi dân gian
    • Nghệ thuật biểu diễn
    • Trang phục
    • Kiến trúc, mỹ thuật
    • Món ăn, hoa, trái
    • Chợ Việt Nam
    • Phong tục tập quán
    • Tín ngưỡng - Tâm linh
    • Tết Việt Nam
  • Kinh nghiệm du lịch
  • Nhìn ra thế giới
  • Doanh nghiệp du lịch
Văn hóaKiến trúc, mỹ thuật
  • UKEnglish

Giá trị lịch sử

Đình Hương Câu, thờ phụng Đương Giang Hiển Thánh Đại Vương và Tam vị Thiên thần

Đình Hương Câu thuộc xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thờ phụng Đương Giang Hiển Thánh Đại Vương, đánh quân Tống xâm lược thế kỷ XI và tam vị thần khác là Hồng Thánh Linh Thông Đại Vương, Huyền Thánh Cảm Ứng Đại Vương và Linh Quang Hiển Hựu Đại Vương, đã âm phù giúp ngài đánh giặc.

Tọa lạc ở trung tâm làng, đình Hương Câu nhìn hướng Tây, trước mặt là hồ thủy đình và xa hơn là dòng sông Cầu. Hồ thủy đình là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như đấu vật, hát quan họ trên thuyền. Bên cạnh đình là giếng làng cổ.

Đình Hương Câu được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, giai đoạn phát triển mạnh mẽ của hệ thống đình làng tại Bắc Bộ. Không có tư liệu ghi chép cụ thể về năm khởi dựng, nhưng căn cứ vào bia đá lập năm 1740, có thể khẳng định đây là một di tích có niên đại lâu đời, gắn liền với lịch sử địa phương.

Trong đình vẫn bảo lưu bản thần tích và hệ thống sắc phong của các triều đại phong kiến, ghi nhận công lao của các vị thần.

Đình Hương Câu là một công trình kiến trúc tín ngưỡng tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh rõ nét phong cách nghệ thuật chạm khắc dân gian cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Tổng thể kiến trúc của đình mang đậm dấu ấn truyền thống, vừa bề thế, trang nghiêm, vừa gần gũi với không gian làng quê Việt Nam.

Nghi môn đình Hương Câu chỉ có một cổng chính với hai trụ biểu vuông. Đỉnh trụ biểu được tạo hình cách điệu theo dáng quả dành, một đặc trưng trong kiến trúc đình làng Việt. Chân trụ biểu xây nổi gờ xung quanh trụ và mở rộng phần đế. Các ô lồng đèn đắp nổi Tứ linh. Trên các ô thân trụ biểu đắp nổi những câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh sắc của đình và tôn vinh công đức của thần chủ.

Đình Hương Câu có không gian rộng rãi, thoáng đãng, được bao bọc bởi hệ thống sân vườn và cây xanh tỏa bóng mát. Tòa đại đình kiến trúc kiểu chữ Nhất, có mái đình rộng, bè thấp với các hàng cột hiên vuông, trên viết câu đối cổ. Tòa Hậu cung nằm trên nền tôn cao của gian chính điện, phần phía sau.

Tòa đại đình có kết cấu ba gian, hai chái, dựng trên nền đất cao. Đình xây kiểu đao tàu lá mái, xòe rộng với độ dốc lớn. Bốn đầu đao cong mềm mại theo phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Mái đình lợp ngói mũi hài, với bờ nóc trang trí dải hoa chanh chạy thẳng.

Hai đầu mái đắp nổi con kìm há miệng ngậm bờ nóc, đuôi uốn cong tròn như vành trăng lưỡi liềm.

Bộ khung tòa Đại đình có 6 bộ vì kèo đặt trên sáu hàng cột cái và cột quân, mỗi hàng tám cột, liên kết bằng hoành, xà ngang, xà dọc. Các cột cái có đường kính trung bình từ 30-35cm. Dựa trên nội dung bia đá niên đại 1740 và phong cách kiến trúc, có thể xác định đình Hương Câu được dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Hậu cung đình Hương Câu là nửa gian giữa mái sau gian chính điện được tôn cao, đóng kín bằng ván bưng. Trên phần sàn gỗ này là Thánh cung, nơi đặt ngai thờ, bài vị và hương án thờ Thành Hoàng làng. Thánh cung luôn đóng kín, chỉ mở khi có nghi lễ quan trọng để bao sái và bày trí đồ lễ.

 

Các mảng chạm khắc của đình Hương Câu rất phong phú, tập trung chủ yếu trên các đầu kẻ hiên và bức cốn vì kèo nách. Các đầu kẻ hiên trước được chạm phủ kín với đề tài chủ đạo là rồng ổ, rồng mẹ – rồng con, kết hợp với hình người và linh thú.

Đặc biệt, trên đầu kẻ hiên bên trái có hình bàn tay tiên nữ với các ngón tay thon dài, móng tay dài đang nắm bờm rồng kiểu đao rồng. Các bức chạm khắc người có gương mặt biểu cảm sinh động, rất gần gũi và đời thường.

Các bức cốn ở vì nách trung tâm mặt mái trước cũng là một điểm nhấn nghệ thuật. Những mảng cốn nách ngang được tạo thành từ các con rường xếp chồng khít lên nhau. Nổi bật trong đó là hình tượng rồng uốn lượn bay múa, cùng với các hoạt cảnh tiên cưỡi rồng, phụ nữ đang múa, người nông dân bó gối ngồi trầm tư và cảnh trai gái tình tứ. Những bức chạm khắc không chỉ mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng, tâm linh mà con mang đậm hơi thở cuộc sống, ước vọng tự do và hạnh phúc của người dân.

Một điểm đặc biệt của đình Hương Câu là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cung đình và dân gian. Nếu như nhiều ngôi đình khác có các hình chạm khắc mang tính quy phạm, uy nghiêm, thì nghệ thuật chạm khắc ở đình Hương Câu lại gần gũi, sinh động hơn. Hình tượng rồng, mây lửa, rồng mẹ – rồng con được thể hiện với những đường nét tròn trịa, khỏe khoắn, mang đậm phong cách thời Lê.

Theo truyền thuyết được các bậc cao niên trong làng kể lại, hai hiệp thợ khác nhau đã thi công đình Hương Câu, mỗi hiệp thợ đảm nhận một nửa công trình. Dù kỹ năng nghề và bí quyết có sự khác biệt, nhưng khi ghép lại, các cấu kiện vẫn ăn khớp hoàn hảo. Nghệ thuật chạm khắc tuy mang một phong cách chung nhưng vẫn có sự biến tấu đa dạng, phản ánh tư duy sáng tạo của hai hiệp thợ.

Đình Hương Câu là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của nghệ thuật đình làng Việt Nam thời Lê. Sự phong phú trong trang trí, sự khéo léo trong tạo hình, cùng với những yếu tố biểu tượng tín ngưỡng, đã làm cho ngôi đình trở thành một di sản kiến trúc có giá trị lịch sử – văn hóa sâu sắc. Không chỉ là nơi thờ cúng Thành Hoàng, đình Hương Câu còn là không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi lưu giữ những ký ức về đời sống làng xã qua bao thế kỷ.

Sự kết hợp giữa những mảng chạm trổ tinh xảo, bố cục kiến trúc hài hòa, cùng với những truyền thuyết dân gian gắn liền, đã giúp đình Hương Câu trở thành một trong những ngôi đình có giá trị bậc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là minh chứng cho sự tài hoa của những nghệ nhân dân gian Việt Nam.

Bên cạnh giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đình Hương Câu còn lưu giữ nhiều di vật có ý nghĩa lịch sử – văn hóa quan trọng. Đình hiện còn lưu giữ 11 đạo sắc phong thời Nguyễn ban tặng cho các vị thần được thờ phụng. Ngoài ra, nhiều hiện vật có giá trị như hai quán tẩy, bát hương cổ, kiệu bát cống, bát bửu, chấp kích, quả cầu gỗ, kiếm thờ có niên đại thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Làng Hương Câu mỗi năm tổ chức hai kỳ lễ hội quan trọng vào ngày mùng 5, 6 tháng Giêng và ngày 12 tháng 9 tại đình làng. Trong đó, lễ hội đầu xuân mang ý nghĩa đặc biệt, là dịp để dân làng bày tỏ lòng tri ân các vị thần được thờ trong đình. Theo thần tích, lễ hội đình Hương Câu xưa mang quy mô và nghi thức trang trọng như một lễ hội cấp quốc gia. Mỗi năm, các giáp trong làng luân phiên đăng cai tổ chức. Mỗi giáp chuẩn bị một mâm cỗ mặn, riêng giáp đăng cai lo thêm một mâm cỗ chay dâng cúng Thành Hoàng. Đặc biệt, cỗ tế đình gồm 432 quả bánh dầy, mỗi chiếc nặng một cân, thể hiện sự cầu kỳ trong nghi lễ dâng cúng.

Nghi thức rước sắc phong và bài vị diễn ra trang trọng: từ đình, dân làng rước kiệu đến nghè sắc, sau đó đưa sắc phong và bài vị về chùa trước khi rước hồi cung về đình. Tại sân đình, lễ tế Thánh kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, tái hiện không gian thiêng liêng của một nghi lễ truyền thống.

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, trong đó tục kéo lửa có ý nghĩa đặc biệt. Người tham gia dùng lạt giang kéo mạnh vào thân cây tre khô để tạo ma sát sinh lửa, phản ánh kỹ thuật tạo lửa của cư dân Việt cổ. Ngoài ra, còn có tục thi mò cá của bốn giáp trong làng. Khi hiệu lệnh trống vang lên, các đội cùng lội xuống hồ đình mò cá, sau đó nướng chín để dâng Thành Hoàng. Phong tục này vừa mang tính lễ nghi, vừa thể hiện đặc trưng sinh hoạt lao động của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Với giá trị lịch sử và nghệ thuật, đình Hương Câu đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ ngày 31/1/1992 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một trong những công trình tiêu biểu, chỉ đứng sau đình Lỗ Hạnh, “đệ nhất Kinh Bắc”.

Đình Hương Câu không chỉ là nơi lưu giữ di sản văn hóa đặc sắc mà còn là biểu tượng của sự kết tinh văn hóa và nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang

Trở về đầu trang
   Đình Hương Câu thuộc xã Hương Lâm huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang thờ phụng Đương Giang Hiển Thánh Đại Vương. tam vị thiên thần
0   Tổng số:

Các tin khác

  • Đình Triều Khúc, thờ phụng Bố Cái Đại vương Phùng Hưng
  • Đình Cổ Chế, viên ngọc của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ
  • Nghê - Sấu, linh vật Việt trong dòng chảy thời gian
  • Gốm Bắc Ninh "du lịch" Nhật Bản
  • Phát huy tiềm năng du lịch sinh thái làng nghề Bát Tràng
  • Đình, nghè Mai Động, thờ phụng Đô úy Tam Trinh triều Nhị vua Hai Bà Trưng
  • Đình Tây Đằng – Bảo tàng nghệ thuật kiến trúc thế kỷ 16
  • Quảng Nam: Làng Pơr’ning làm du lịch xanh bền vững
  • Khánh Hòa: Giữ gìn vẻ đẹp cho các di tích
  • Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”
  • 12345...>>

Tin đọc nhiều

  • Kể chuyện du lịch Lâm Đồng qua những khung hình

    Để kể câu chuyện về một Lâm Đồng trọn vẹn và đa diện hơn với công chúng qua những khoảnh...

    149
  • Gốm Bắc Ninh "du lịch" Nhật Bản

    Giữa dòng chảy hiện đại, làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) vẫn âm thầm giữ lửa gần 700 năm....

    145
  • Phát huy tiềm năng du lịch sinh thái làng nghề...

    Những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đang nỗ lực kiến tạo...

    136
  • Lần đầu tiên du thuyền 5 sao khởi hành từ Việt...

    Bằng việc khởi hành du thuyền quốc tế cao cấp từ cảng nội địa, Việt Nam không chỉ khai...

    130
  • Tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển du...

    Nắm giữ nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du...

    111

- Trang thông tin du lịch
- Email: didulich.net@gmail.com
 

© 2025 Trang thông tin du lịch