Đình Triều Khúc tên tự là Miếu Đường Lâm, thuộc làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Triều Khúc có hai đình là đình Sắc (nơi để sắc phong) và đình Đại (nơi thờ Phùng Hưng). Kiến trúc của cả hai ngôi đình đều còn nguyên vẹn như xưa.
Đình Triều Khúc thờ Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương làm thành Hoàng làng. Đình tồn tại trong suốt thời gian dài trong lịch sử và gắn chặt với mảnh đất làng Triều Khúc. Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tỵ (760) và mất vào tháng 6 năm (791), người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, giành lại chủ quyền và độc lập dân tộc.
Đình làng Triều Khúc được xây trên khu đất, nơi đặt tại bản doanh xưa kia của Phùng Hưng trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Đường. Hiện nay, tại nghi môn đình Triều Khúc vẫn còn bút tích ca ngợi công đức của Đức Phùng Hưng với đôi câu đối:
“An Nam tráng khí sơn hà tại.
Bình bắc dư linh thảo mộc chi”
Dịch nghĩa:
(Khí mạnh dựng trời Nam, núi sống còn mãi
Oai thiêng trừ giặc Bắc, cỏ cây còn ghi)
Đình Triều Khúc bao gồm: nghi môn, phương đình, hai dãy nhà giải vũ, Tòa Tiền tế và Hậu cung.
Đình Triều Khúc được xây dựng theo hướng Nam, trước mặt đình là một cái hồ và một cái sân rộng, tiếp đến là nghi môn.
Nghi môn đình Triều Khúc mới được xây dựng lại trong thời gian gần đây, với kiểu kiến trúc là một nếp nhà gạch 3 gian kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu. Chính giữa nhà được xây tường cao tới nóc mái và chạy suốt ba gian nhà. Có một cửa chính và hai cửa.
Bờ nóc mái đắp nề Lưỡng long Chầu Nhật, trụ biểu gắn nghê, ô lồng đèn đắp tứ quý, thân trụ viết câu đối cổ, đế thắt cổ bồng. Ngoài ra, đình Triều Khúc còn có hai cổng phụ ở hai bên nhưng nhỏ và ít được sử dụng.
Qua nghi môn Tam quan là sân đình, hai bên là hai dãy nhà giải vũ ba gian.
Tiếp theo là tòa Phương đình, xây trên nền cao so với sân lát gạch lá nem. Tòa phương đình kiểu thông phong, chồng diêm 2 tầng 8 mái, các bộ vì kèo cột gỗ lim, chân kê đá tảng xanh, riêng 4 cột cái gian giữa là 4 chân kê tròn cổ lượn. Đỡ các mái nhỏ trên là 4 kể dài chạy từ cột cái tới nóc mái, 4 mái dưới được đỡ bằng kẻ dài ăn mộng vào cột cái qua cột hiên, trên kẻ đặt ván dong đỡ hoành. Các đầu kẻ chạm chìm hình mây, các đầu dư dưới xà thượng được trang trí đầu rồng theo phong cách nghệ thuâtj thời Nguyễn.
Tiếp theo là toà Đại đình. Toà đại đình dựng trên nền cao hơn mặt sân 60cm, bao gồm Tòa Tiền tế và Hậu cung. Tòa Tiền tế 5 gian 2 chái, xây kiểu chữ Đinh, tường hồi bít đốc, lát gạch Bát Tràng. Trên bờ nóc mái đắp nề Lưỡng long Chầu Nhật. Hai đầu nóc mái cũng được đắp bằng vữa hình 2 con long mã có gắn sứ.
Tòa Tiền tế có 4 bộ vì kéo chính với 8 cột cái và 16 cột quân. Gian chính điện treo bức hoành phi đề “Thánh cung vạn tuế” trong bốn khung riêng biệt. Khung hoành phi phía trên là đôi rồng lớn chầu mặt trời, tiếp theo là chim phượng. Phía dưới bức hoành phi là bộ cửa đi vào Hậu Cung, được chạm khắc theo phong cách nghệ thuật thế kỉ thứ XVII. Các mảng chạm khắc trang trí của đình theo chủ đề Tứ linh thời Nguyễn.
Hậu cung của đình Triều Khúc gồm ba gian dọc được làm nối liền với gian giữa đại đình thành kiểu kết cấu hình chữ đinh. Bộ khung mái hậu cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu xà nách. Trong Hậu cung đặt bàn thờ, long ngai bài vị thành hoàng làng.





Đình Triều Khúc còn lưu giữ được một khối lượng di vật đồ sộ với nhiều thể loại, chất liệu khác nhau gồm (1 cuốn Thần phả ghi sự tích của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, 11 sắc phong sớm là năm Cảnh Hưng 44 (1783), muộn là năm Khải Định 9 (1924), 18 hoành phi và có 4 bức khảm trai, 32 câu đối 2 bộ long ngai bài vị, 3 bộ kiệu và 4 bức cuốn thư sơn son thếp vàng, 1 sập gỗ thờ, 11 bát hương sứ, 5 bộ tam sự bằng đồng, 2 bộ bát bửu, 3 hương án sơn son thếp vàng, mâm bồng, lọ hoa sứ, 1 đôi quán tẩy). Các di vật này mang giá trị lịch sử văn hóa cao, đây còn là nguồn tư liệu qúy cho việc tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của một làng quê truyền thống.
Đền Triều Khúc dân làng vẫn gọi là đền thờ Sắc, được xây ở giữa làng, trông ra hồ rộng. Khu đền gồm một ngôi nhà rộng phía trong có hệ thống sàn, trước sau đều để trống, thoáng đãng. Sau ngôi nhà có sàn này là một nhà nữa để làm nơi thờ (có thể gọi là tiền đình) nối liền với hậu cung, hai bên đầu hồi có tường nối suốt cả ba toà. Đền Triều Khúc được chạm trổ khá công phu. Các đầu bẩy và cuốn nách đều chạm tứ linh và vân mây, hoa, lá.

Chùa Triều Khúc có tên chữ là “Hương Vân tự”, có quy mô lớn, gồm các công trình từ ngoài vào là Tam quan, Tam bảo, Tiền đường, Thượng điện, hai bên Thượng điện là hai dãy hành lang, sau cung là nhà Tổ, chung quanh chùa có nhiều cổ thụ sum sê. Tam quan xây theo kiểu hai tầng mái ở cửa chính và hai cửa phụ, có bốn cột xây. Phần chùa chính có cấu trúc hình chữ “đinh” là Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường năm gian xây tường bít đốc tay ngai với trục phía trước, bờ nóc đắp cuốn thư, chạm trổ đơn giản. Thượng điện cũng năm gian dọc nối với tiền đường tạo hình “chuôi vồ” (chữ “đinh”).
Trong khu vực chùa còn có nhà thờ Tam Thanh và nhà thờ ông Tổ nghề kim hoàn, hai nhà này nằm bên phải và bên trái tam bảo.
Chùa Triều Khúc có 52 pho tượng Phật được tạo tác từ thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX (thời Nguyễn). Nhiều pho tượng có đường nét rất thanh thoát, dáng dấp tự nhiên.
Hội làng Triều Khúc trước kia kéo dài từ ngày 9 đến 15 tháng giêng âm lịch, nay tổ chức vào các ngày từ 9 đến 12, chính hội 10 tháng giêng. Ngoài phần lễ trang nghiêm, tôn kính có phần hội là múa rồng, múa bang, đấu vật cùng nhiều trò vui khác... Đặc biệt có tục múa cờ (hay còn gọi là chạy cờ rất đặc sắc).
Đình, đền, chùa Triều Khúc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Nguồn: Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội