Nét độc đáo nhất trong lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là đoàn người nhảy múa trong hình dạng “Ma cỏ”, với những bộ trang phục được làm từ cỏ “su choeo”, một loại thực vật ở vùng núi.
Nghi lễ kết nối tâm linh giữa các thế hệ
Lễ cúng tổ tiên là nghi lễ cổ truyền từ lâu đời của dân tộc
Lô Lô, thường được tổ chức hằng năm vào ngày 14-7 âm lịch. Trong mỗi ngôi nhà của
đồng bào Lô Lô, bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian giữa, là nơi trang trọng nhất
trong nhà, thường ngang với xà nhà, phía trên bàn thờ là những hình nhân bằng gỗ
được tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Theo lệ thường, mỗi gia đình người Lô Lô
đều có bàn thờ tổ tiên, nhưng lễ cúng tổ tiên chung của dòng họ chỉ được tổ chức
tại gia đình trưởng họ. Trưởng họ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong
dòng họ đóng góp theo khả năng.
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô có ba nghi lễ chính là lễ hiến
tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa.
Trước ngày lễ, người con trưởng trong dòng tộc cần chuẩn bị
lễ vật gồm 1 con gà, 3 chén rượu, xôi, hoa tươi, trái cây, tiền vàng. Trước
đây, lễ cúng tổ tiên bắt buộc phải có các lễ vật: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con
gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng. Họ quan niệm rằng, tổ tiên
là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ
tiên gần (dùy khế) gồm các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) là những
ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi.
Lễ cúng tổ tiên của
người Lô Lô thường được tổ chức tại gia đình để dạy cho con cháu hướng về nguồn
cội, biết ơn tổ tiên, tạo sự gắn bó giữa gia đình, dòng họ, làng bản.
Trong thời gian đó, các chàng trai trong họ sẽ vào rừng kiếm
cỏ su choeo tươi non, đẹp nhất mang về bện thành trang phục người rừng, hay còn
gọi là “Ma cỏ” (Ghà Lu Ngang). Các cô gái cũng sửa soạn trang phục, váy áo để
tham gia nhảy múa trong lễ, với những chiếc khuy được may thành hàng dọc trên
mũ, áo thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô hướng tới những người đã khuất,
nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn và tạo nên sự gắn kết giữa các thế hệ. Người
Lô Lô ở nhiều vùng cho tới nay vẫn giữ gìn phong tục đẹp này, và đây cũng là sự
kiện văn hóa thu hút nhiều du khách, nhiếp ảnh gia đam mê khám phá bản sắc văn
hóa vùng cao.
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô có ba nghi lễ chính là lễ hiến
tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa.
Trước khi vào lễ chính, trưởng họ mời thầy cúng tiến hành lễ
trình tổ tiên với nghi lễ “chắp cánh” (cắt tiết gà). Trong nghi lễ cúng của người
Lô Lô, không thể thiếu nghi thức này. Thầy cúng thực hiện lễ cắt tiết gà ngay
trước bàn cúng rồi bày lên bàn để làm lễ vật trước mọi con mắt quan sát của các
thành viên trong dòng tộc. Người trưởng họ sẽ rót rượu mời để cảm ơn thầy cúng
đã không quản ngại đường sá xa xôi đến giúp gia đình.
Sau khi uống hết chén rượu mời của gia chủ, thầy cúng làm thủ
tục cúng, mời tổ tiên gia chủ về dự lễ, hưởng lễ vật do con cháu dâng lên, cầu
mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, hạnh phúc, học hành giỏi
giang, thóc đầy bồ, trâu bò, lợn gà đầy chuồng, mọi việc thuận lợi... Trong khi
đó, gà sẽ được đưa đi làm thịt để dâng lên tổ tiên, lợn được đưa ra sân để hiến
tế.
Khi lời thầy cúng dứt, bài cúng kết thúc, thì nghi thức đánh
trống đồng được tiến hành. Cặp trống đồng - bảo vật linh thiêng của cộng đồng
người Lô Lô là vật không thể thiếu trong nghi lễ, gồm 1 chiếc trống đực và 1
chiếc trống cái. Chiếc trống đồng cái (giảnh đú) luôn là chiếc trống to, còn trống
đực (giảnh kê) là chiếc trống nhỏ hơn. Đôi trống này chỉ được sử dụng khi trong
cộng đồng có những nghi lễ, lễ hội quan trọng trong cộng đồng, dòng tộc như lễ
làm ma khô, cúng tổ tiên, giải hạn, thờ thần đá... Nếu trong nhà không có, gia
đình phải cử người trong dòng họ đi mượn, bởi đây là bảo vật linh thiêng của cộng
đồng. Người được mời đánh trống phải là người có uy tín, thường là nghệ nhân đã
có kinh nghiệm lâu năm. Trống cũng là loại nhạc cụ duy nhất được sử dụng trong
nghi lễ này.
Tiếng trống đồng vang lên, những người phụ nữ trong trang phục
truyền thống nhảy múa rộn ràng cùng đoàn “Ma cỏ”.
Ông Sỉnh Dỉ Trai, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cho biết, lễ
cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại gia đình để dạy cho con
cháu hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, tạo sự gắn bó giữa gia đình, dòng họ,
làng bản.
Sau khi màn múa nghi lễ của các cô gái và đoàn “Ma cỏ” kết
thúc, gia chủ liền chuẩn bị lễ vật cúng lần hai - lễ tưởng nhớ tổ tiên. Lễ vật
là con lợn, xôi, rượu, vàng hương... Trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng,
thầy cúng làm thủ tục cúng mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn được mạnh khỏe,
vui vẻ và hạnh phúc. Người trưởng họ tiếp tục rót rượu để cảm ơn thầy cúng.
Màn đêm buông xuống là lúc thầy cúng cử hành lễ tiễn tổ
tiên. Một đống lửa lớn được nhóm lên giữa sân. Bên ánh lửa rực sáng, thầy cúng
thay mặt dòng họ báo cáo tổ tiên về các lễ vật con cháu dâng cúng, xin tổ tiên
nhận lòng thành và yên tâm ở thế giới bên kia, phù hộ cho con cháu gặp nhiều
may mắn. Sau đó, các lễ vật tiền vàng được thầy cúng đốt để kết thúc nghi lễ
vào rạng sáng hôm sau. Các lễ vật khác được chế biến thành nhiều món ăn, chia
cho các thành viên tham gia nghi lễ và tổ chức thành bữa tiệc để cộng đồng
chung vui.
Độc đáo “Ma cỏ”
“Ma cỏ” là nét độc đáo nhất trong nghi lễ cúng tổ tiên của
người Lô Lô. Các bộ trang phục “Ma cỏ”
thường được bện, kết ngay trước hôm diễn ra nghi lễ. Cỏ do người dân bản vào rừng
tìm hái, là cỏ su choeo, một loại cỏ mềm, dai, dễ bện kết để hóa trang. Cỏ được
chọn thường phải xanh non, cho nên bộ trang phục có màu xanh tươi rất đẹp.
“Ma cỏ” được hóa trang tại một địa điểm kín đáo bên ngoài
làng. Những người được đóng “Ma cỏ” được quấn cỏ su choeo chung quanh che kín
thân, đeo mặt nạ từ tre, chỉ hở hai mắt và miệng. Những người làm “Ma cỏ” là
người trong bản, do một người chú hoặc rể của gia chủ đến mời.
Trên đường “Ma cỏ” đến dự lễ, không ai được phép nhìn hoặc
đi ngược với ma cỏ, chỉ được nhìn từ xa. Khi đến nơi, “Ma cỏ” quỳ lạy ba lạy
trước bàn thờ, quỳ lạy thầy cúng trước khi tiến hành nghi lễ nhảy múa. Sau khi
hóa trang, “Ma cỏ” sẽ nhảy múa theo nhịp trống cả ngày.
Nghi thức "Ma cỏ" nhảy múa.
Nghi lễ nhảy múa với “Ma cỏ” thường kéo dài vài tiếng đồng hồ,
theo thời gian thực hiện lễ cúng. Chính vì thế, người hóa trang làm “Ma cỏ” phải
có sức khỏe tốt và lòng nhiệt tình, bởi vì họ phải nhảy múa cho đến khi kết
thúc lễ tưởng nhớ, thường phải đến 5 giờ chiều, mà không được phép ăn, nói, khi
đi đứng, nhảy múa, không được vấp ngã bởi vì quan niệm của người Lô Lô cho rằng,
nếu “Ma cỏ” vấp ngã hoặc bị nhận dạng thì năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều xui xẻo.
Các “Ma cỏ” chỉ nghỉ ngơi, ăn cơm một lúc vào buổi trưa và được gia chủ mời nước
trong thời gian nhảy múa.
Nghi lễ kết thúc, ma cỏ quỳ lạy bàn thờ, thầy cúng, trống đồng,
ra cổng lẩn về sau làng, chọn nơi kín đáo không cho ai thấy, rồi cởi bỏ trang
phục cỏ, về nhà tắm rửa và sau đó tiếp tục tham gia lễ tiễn đưa tổ tiên được tổ
chức khi đêm xuống.
“Ma cỏ” “nhảy lễ" cũng là hoạt động quan trọng bậc nhất
trong lễ cúng tổ tiên, vì người Lô Lô quan niệm rằng ma cỏ là nguồn cội của tổ
tiên xưa kia khi ở trong rừng phải lấy cây cỏ làm quần áo. Ngày nay, muốn tổ
tiên về để chứng kiến lòng thành kính của con cháu thì phải có “Ma cỏ” dẫn dường.
“Ma cỏ” như là cầu nối giữa con cháu ở trần gian và ông bà tổ tiên ở thế giới
bên kia. Có lẽ vì niềm tin tâm linh mãnh liệt ấy đã khiến đoàn “Ma cỏ” nhảy múa
từ đầu buổi lễ đến khi kết thúc theo nhịp trống mà không hề mệt mỏi.
Không chỉ là một nghi thức tâm linh mang bản sắc văn hóa độc
đáo, nghi lễ cúng tổ tiên còn thể hiện nhân sinh quan của người Lô Lô, mang
tính nhân văn, hướng các thế hệ đi sau về với cội nguồn và tạo nên sự gắn kết
nhiều thế hệ. Điệu nhảy “Ma cỏ” vừa mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, nhưng cũng
chứa đựng những tinh hoa văn hóa và triết lý sống của người Lô Lô, đồng thời là
nghi lễ mang tính nghệ thuật độc đáo.
Lễ cúng tổ tiên của
người lô lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia thuộc loại
hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Ngày xuất bản: 5/9/2024
Tổ chức sản xuất: MINH ĐÔNG
Nội dung: TUYẾT LOAN
Trình bày: LINH KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT - KHIẾU MINH
Nguồn: Báo Nhân Dân