Cách trung tâm TP Tam Kỳ (Quảng Nam) 7km về phía đông bắc, đình làng Thạch Tân (xã Tam Thăng) được xây dựng hơn 300 năm trước để tưởng nhớ những người khai sinh vùng đất này.
Trải qua nhiều lần trùng tu, đình được giữ nguyên hiện trạng với kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái, kết cấu chồng rường giả thủ cực kỳ tinh xảo.
Đình Thạch Tân là mắt xích quan trọng trong hệ thống địa đạo Kỳ Anh.
Đình lợp ngói vồng theo kiểu đình truyền thống ở vùng nam Quảng Nam xưa.
Ngôi đình thờ các chư vị tiền hiền và hàng trăm liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng của làng.
Trao đổi với PV VietNamNet, cựu chiến binh Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân, kiêm BQL di tích cho biết, điểm đặc biệt của ngôi đình không nằm ở vẻ bề ngoài, mà là câu chuyện gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng.
Theo ông Ta, năm 1964, tận dụng đình có vị trí thuận lợi cùng yếu tố tâm linh có thể tránh sự dòm ngó của địch, dân làng đã đào 2 căn hầm ngay dưới nền đình để làm nơi cứu thương và chứa lương thực tiếp tế cho vùng tây bắc Tam Kỳ chống Mỹ.
Bên dưới nền của ngôi đình là hệ thống địa đạo phức tạp.
Căn hầm nằm phía sau đình, trước đây dùng đá tổ ong bịt cửa để nguỵ trang, nay được phục dựng bằng tấm bê tông. Đường vào cửa hầm chỉ một người chui lọt.
Từ 2 căn hầm này, tháng 5/1965, bộ đội, du kích và người dân tiếp tục đào địa đạo để trú ẩn, nuôi giấu cán bộ. Đến năm 1967, tuyến địa đạo dài 32km, rộng 0,5 - 0,8m, cao 0,8 - 1m này hoàn thành và trở thành "thành luỹ ngầm" giúp quân dân xã Tam Thăng tổ chức phản công, tập kích địch bất ngờ.
"Hồi đó, dụng cụ đào chỉ là cuốc, xẻng, xà beng và mủng, thúng để đem đất đổ đi nơi khác. Do nằm sát tai mắt của địch nên công việc được tiến hành vào ban đêm, bí mật và khẩn trương", ông Ta kể.
Từ đình làng Thạch Tân, địa đạo men theo các bụi tre, lùm bụi, cây rơm… chạy khắp xã Tam Thăng.
Dọc tuyến địa đạo có nhiều hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chứa lương thực… Trong ảnh là hầm cứu thương ngay bên dưới nền đình cổ.
Căn hầm chỉ huy rộng và kiên cố nhất trong hệ thống địa đạo.
Tháng 7/1968, Mỹ đưa quân đến Thạch Tân và nghi ngờ người dân dùng ngôi đình làm nơi hoạt động cách mạng nên rắp tâm triệt hạ.
Thời điểm đó, sau khi đưa 6 đại đội bộ binh vây ráp quanh ngôi đình, địch cho 4 chiếc xe tăng nổ máy tông sập tường bao.
Sau đó, đám lính dùng dây xích cỡ lớn buộc vào 2 cây cột ở gian giữa rồi cho 4 xe tăng giật. Nhưng kỳ lạ thay, ngôi đình vẫn đứng sừng sững, không chút xê dịch.
Địa đạo hình ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách. Miệng hầm nằm trong các nhà dân, gian bếp, chuồng bò, bụi tre, gốc cây... được ngụy trang kín đáo, cẩn thận.
Một cửa địa đạo thông với nhà dân để đưa lương thực, thực phẩm xuống nuôi cán bộ, chiến sĩ.
Một miệng hầm được ngụy trang dưới cây rơm trong vườn nhà dân.
Nhiều lần kéo giật ngôi đình không sập, đứng trước "áp lực" tâm linh và sự đấu tranh, phản đối của người dân, quân địch phải rời đi.
"Thật sự đến giờ nhiều người vẫn không thể lý giải được vì sao ngôi đình cổ vẫn tồn tại, bởi khi nhìn cách bố trí dây xích kéo có thể thấy địch đã tính toán rất kỹ", ông Ta chia sẻ.
Đình đã nhiều lần trùng tu, nhưng cây cột có vết hằn bởi dây xích ngày xưa địch cột vào để xe tăng lôi sập vẫn được giữ lại như một "chứng nhân lịch sử".
Năm 1997, địa đạo Kỳ Anh được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một trong 3 địa đạo dài nhất Việt Nam sau địa đạo Củ Chi (TP.HCM) và Vịnh Mốc (tỉnh Quảng Trị).
Từ năm 2017, Quảng Nam mở cửa di tích lịch sử này để người dân và du khách tham quan miễn phí.
Nguồn: VietnamNet