Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, tỉnh Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 112 di tích lịch sử - văn hóa, đây là một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, thu hút đông đảo khách du lịch ở trong và ngoài nước.
Di tích lịch sử Nhà Trăm cột là một trong những địa danh du lịch được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu (Ảnh tư liệu)
Long An là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ; đồng thời, đóng vai trò là cửa ngõ kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Có đường biên giới dài 132,97 km giáp với tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia); có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), 03 cửa khẩu phụ (Hưng Điền A, Long Khốt thuộc huyện Vĩnh Hưng; Tân Hưng thuộc huyện Tân Hưng) và 07 lối mở. Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, tỉnh Long An có đời sống văn hóa khá đa dạng, phong phú với 112 di tích lịch sử - văn hóa (21 di tích cấp quốc gia và 91 di tích cấp tỉnh); 02 bảo vật quốc gia; 05 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trên 200 lễ hội với quy mô và tính chất khác nhau; 10 loại hình nghệ thuật truyền thống, 18 nghề truyền thống.
Long An có hệ thống hạ tầng du lịch khá thuận lợi, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển mạnh. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, Long An có sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là thế mạnh khai thác du lịch bằng đường thủy; có cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, Cảng Bourbon, Cảng biển Quốc tế Long An và chỉ cách cảng hàng không Tân Sơn Nhất 45km.
Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu ở Đồng Tháp Mười, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, rừng tràm Tân Lập,… với hệ động thực vật đa dạng. Đây là các điểm du lịch, nghiên cứu hấp dẫn du khách kết nối các chương trình du lịch tới vùng Đồng Tháp Mười trong mùa nước lũ về. Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Long An đã tập trung bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch, chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh Đoàn nhằm phát triển, quảng bá loại hình du lịch này.
Báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết: Sau hơn 6 tháng thực hiện, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa với khoảng hơn 100 tỉ đồng; các di tích lịch sử - văn hóa được quảng bá trên phương tiện truyền thông, đưa vào chương trình giáo dục học đường... góp phần đẩy mạnh việc giới thiệu hình ảnh con người, tiềm năng du lịch của Long An.
Đầu năm 2024 đã có 123 đoàn với hơn 21.000 lượt khách tham quan đến với Bảo tàng - thư viện, các di tích và công trình văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý, trong đó, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh. Tính chung trên toàn tỉnh, có trên 67.000 học sinh, đoàn viên, thanh niên đến học ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử - văn hoá.
Công tác chăm sóc, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa cũng có nhiều khởi sắc. Từ đầu năm đến nay, có hơn 123.000 lượt học sinh, đoàn viên tham gia chăm sóc, bảo tồn, dọn dẹp, bảo dưỡng các cơ sở vật chất, trồng cây xanh tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Các tour du lịch kết hợp với tham quan di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được thiết kế khá phong phú, phù hợp với tiêu chí vừa giáo dục truyền thống, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, vừa kết hợp hoạt động vui chơi, giải trí. Tiêu biểu như: Tour du lịch về nguồn: khu xứ ủy Nam Bộ, Vàm Nhựt Tảo, Pháo đài Rạch Cát,...; các tour tham quan di tích nghệ thuật kiến trúc độc đáo Nam Bộ; các tour tham quan, học tập trải nghiệm; các tour du lịch thể thao, đặc biệt là du lịch golf; các tour du lịch tâm linh, thiền...
Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính - Kháng chiến Nam bộ (1946-1949) tọa lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là một địa danh đã được tỉnh khai thác phát triển du lịch lịch sử cách mạng trong nhiều năm qua (Ảnh: tư liệu)
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, lượt khách ghé thăm các điểm di tích có tăng nhưng lượng du khách trong tỉnh đến các khu, điểm du lịch còn khiêm tốn. Cùng với đó là những khó khăn, vướng mắc về giao thông, hạ tầng, công tác quảng bá... khiến du lịch lịch sử chưa thực sự đạt được những kết quả như mong muốn.
Để thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Tỉnh ủy Long An về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch tỉnh Long An xác định tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nhằm quảng bá mạnh mẽ những thế mạnh của Long An đến với du khách trong và ngoài nước./.
Hoàng Mẫn
Báo điện tử ĐCSVN - dangcongsan.vn - Đăng ngày 02/9/2024