Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) có hệ thống di sản văn hóa phong phú với nhiều loại hình, bản sắc văn hóa truyền thống riêng có của đồng bào dân tộc Mông. Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp khai thác lợi thế này để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Biểu diễn múa khèn Mông tại trung tâm huyện Mù Cang Chải
Ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ các tập quán không còn phù hợp; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản gắn với phát triển du lịch trên địa bàn".
"Địa phương đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc vào giờ học ngoại khóa tại 37/37 đơn vị trường học trên địa bàn huyện. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia bảo tồn, phát huy di sản văn hoá, phục hồi những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. 5 năm gần đây, huyện đã chi trên 15 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thường niên gắn với hoạt động du lịch” - ông Bình cho biết thêm.
Cùng với đó, việc giữ gìn và trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc Mông tới các thế hệ, tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được huyện Mù Cang Chải chỉ đạo thực hiện thông qua việc tổ chức các lớp truyền dạy nghề chế tác khèn; nghề thêu dệt thổ cẩm hay vẽ sáp ong trên vải... Các xã, thị trấn duy trì thường xuyên hoạt động của 110 đội văn nghệ bản sắc trong các dịp lễ hội, đặc biệt là 20 đội văn nghệ bản sắc nòng cốt sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Huyện thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các dịp lễ, tết mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống thường niên như: Lễ hội "Xuân vùng cao”; hoạt động "Ngày hội thống nhất”; hoạt động du lịch "Mùa nước đổ”; Lễ hội khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội hoa tớ dày; các hoạt động chào xuân…
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Đồng thời, phối hợp với UBND thị xã Nghĩa Lộ tổ chức các hoạt động Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; tham gia giao lưu với huyện Mường La, tỉnh Sơn La tổ chức "Ngày hội hoa sơn tra”. Chuỗi hoạt động lễ hội luôn gắn với các hội thi khèn Mông; thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp; thi chọi dê; thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải; thi múa khèn, múa khăn. UBND huyện đã được công nhận quyền tác giả đối với Lễ hội giã bánh dày, Lễ hội mùa vàng; Festival dù lượn "Bay trên miền danh thắng”; Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa tớ dày. Bên cạnh đó, huyện duy trì, phát huy tốt giá trị 39 di sản văn hóa vật thể và 142 di sản văn hóa phi vật thể đã được lập danh mục kiểm kê.
Hàng năm, huyện tiến hành rà soát, đánh giá lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm những giá trị văn hóa cần được gìn giữ, phát huy trở thành động lực và sản phẩm văn hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông tại địa phương.
Anh Hảng A Dò ở xã La Pán Tẩn là một điển hình người Mông phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng nhiều năm qua. Tận dụng ngôi nhà sàn của gia đình, anh cải tạo phục vụ khách du lịch trải nghiệm.
Anh Dò chia sẻ: "Khách du lịch đến với gia đình chủ yếu là người nước ngoài và ngủ qua đêm thanh toán số tiền từ 80.000 - 250.000 đồng/phòng, tùy theo từng loại phòng. Gia đình có phục vụ đồ ăn từ bình dân đến các món đặc sản vùng và cho thuê trang phục truyền thống của người Mông để du khách chụp ảnh lưu niệm”.
Những năm qua, hoạt động thông tin lưu động phục vụ tại các thôn, bản cũng được huyện Mù Cang Chải chú trọng triển khai thường xuyên. Hàng năm, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện tổ chức tuyên truyền tại cơ sở trung bình từ 45 buổi; phối hợp tham gia biểu diễn 20 buổi/năm.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo mà còn là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải phát triển bền vững.
Mù Cang Chải hiện đang duy trì hoạt động của các mô hình nghề truyền thống như: hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm có 30 hộ kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm; hợp tác xã du lịch chế tác khèn Mông và du lịch Võng lúa; 4 mô hình rèn tại các xã: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Púng Luông; 5 cơ sở chế tác khèn, nhạc cụ tại các xã: Mồ Dề, Púng Luông, Dế Xu Phình; 3 mô hình mây tre đan tại các xã: Lao Chải, Nậm Khắt, Cao Phạ.
Vũ Đồng
Báo Yên Bái online - baoyenbai.com.vn - Đăng ngày 28/4/2025