Du lịch thể thao đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch trên toàn cầu. Loại hình này đem đến cho du khách những trải nghiệm, sự tham gia hoặc xem các hoạt động thể thao được tổ chức tại địa điểm du lịch nổi tiếng.
Với lợi thế về tự nhiên, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nền văn hóa giàu bản sắc và sự phát triển mạnh mẽ của ngành thể thao, Việt Nam hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch thể thao gắn với các sự kiện, hoạt động thể thao, kết hợp tham quan, trải nghiệm văn hóa trong khu vực và trên thế giới.
Đặt vấn đề
Trên thế giới, việc kết hợp hai lĩnh vực vốn tưởng như không liên quan đến nhau như du lịch và thể thao ngày càng trở nên thu hút, hấp dẫn vì những lợi ích sức khỏe lẫn nghỉ dưỡng. Nhờ sự kết hợp này mà du khách có cơ hội trải nghiệm rất nhiều hoạt động thể thao bổ ích, tăng cường sức khỏe cá nhân, lại vừa được trải nghiệm các điểm đến du lịch nổi tiếng. Điều này đã dẫn đến một xu hướng du lịch đang rất được ưa chuộng, đặc biệt với những người ưa thích vận động, đó là du lịch thể thao. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành thể thao, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch độc đáo này. Việc phân tích những lợi thế nổi bật của Việt Nam trong việc phát triển du lịch thể thao, đồng thời chỉ ra những thách thức và giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng là điều cần suy nghĩ.
Sự gắn bó giữa thể thao và du lịch
Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch thể thao (Sport tourism) là loại hình liên quan một cách chủ động hoặc thụ động đến trải nghiệm du lịch khi du khách tham gia hoặc quan sát một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh, được tổ chức tại một địa điểm cụ thể nào đó. Phía chủ động là các vận động viên tới trực tiếp tham gia thi tài ở các kỳ đại hội thể thao, các giải đấu thường niên trên phạm vi thế giới, khu vực hoặc đến các quốc gia có tiềm năng thể thao để trải nghiệm. Nguồn du khách bị động chính là các cổ động viên, gia đình vận động viên kết hợp giữa việc tham gia cổ vũ sự kiện, đồng thời tìm kiếm sự trải nghiệm tại các điểm đến du lịch tổ chức hoạt động thể thao đó. Và thông thường, các sự kiện thể thao được tổ chức ở những địa điểm du lịch nổi tiếng của một địa phương, một quốc gia, một khu vực nào đó.
Ngành công nghiệp thể thao và du lịch luôn song hành với nhau. UN Tourism cho rằng du lịch và thể thao có mối quan hệ tương hỗ khi luôn có một lượng lớn du khách di chuyển đến điểm đăng cai để cổ vũ, đồng hành, đi chơi bên cạnh những vận động viên thi đấu. Du lịch thể thao là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực du lịch và được coi là ngành kinh doanh lớn. Ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến các hoạt động thể thao trong chuyến đi của họ, dù thể thao có phải mục đích chính của chuyến đi hay không. Nó cũng được coi là động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế bền vững của điểm đến du lịch.
Loại hình thể thao du lịch đem lại nguồn lợi lớn nhất nếu khu vực nào đó hoặc quốc gia nào đó đăng cai một kỳ Thế vận hội, World Cup. Chưa kể, du lịch thể thao giúp quảng bá hình ảnh quốc gia ở cấp độ cao với nhiều phản hồi rất tốt. Các sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội và World Cup có thể là chất xúc tác cho phát triển du lịch nếu tận dụng thành công các khía cạnh xây dựng thương hiệu điểm đến, phát triển cơ sở hạ tầng, các lợi ích kinh tế và xã hội khác. Tầm quan trọng của du lịch thể thao từng được nhấn mạnh qua các tuyên bố truyền thông chung của UN Tourism và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Tuyên bố nhấn mạnh rằng cả hai lĩnh vực du lịch và thể thao là động lực mạnh mẽ để phát triển, kích thích đầu tư vào các công trình hạ tầng như sân bay, đường xá, sân vân động, khu liên hợp thể thao đến nhà hàng, khách sạn, quán ăn…
Hiện nay, việc đi du lịch đến một vùng đất mới không chỉ là trải nghiệm ẩm thực, văn hóa, mà còn kết hợp với khám phá thiên nhiên, gắn liền với các hoạt động leo núi, trượt tuyết, lướt ván, lặn biển, chạy bộ, đạp xe… Sự hấp dẫn của du lịch thể thao đến từ những trải nghiệm mới mẻ, mang tính thử thách cho du khách, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người tham gia, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và tạo ra nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch.
Sức hút của du lịch thể thao
Du lịch kết hợp thể thao thường mang lại khoản doanh thu khổng lồ, góp phần quảng bá hình ảnh mỗi quốc gia. Theo báo cáo của tổ chức SportBusiness Group (Anh), du lịch thể thao là một trong những phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất của ngành du lịch. Ở một số quốc gia, các sự kiện thể thao đã mang lại khoảng gần 30% tổng nguồn thu của ngành này. Du lịch thể thao là một trong những mảng phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch, ước tính có trị giá khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Sản phẩm du lịch thể thao bao gồm vé xem hoặc vé trực tiếp tham dự giải thể thao kèm với các dịch vụ vận chuyển, khách sạn, ẩm thực, tham quan… hoặc một tour thể thao trọn gói hay kỳ nghỉ thể thao.
Sức hấp dẫn của du lịch thể thao là không bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như văn hóa, giới tính hay trình độ. Thị trường của loại hình này cũng hướng tới mọi đối tượng. Điều này đã giúp việc tổ chức du lịch kết hợp với thể thao mang lại những trải nghiệm mới cho du khách, nâng cao chất lượng chuyến đi. Đặc biệt loại hình du lịch thể thao này thu hút những tín đồ yêu thích thể thao, khám phá khi họ vừa có thể trải nghiệm vùng đất mới vừa luyện tập, rèn luyện sức khỏe. Giờ đây khái niệm du lịch không chỉ bó buộc trong kỳ nghỉ dưỡng, tham quan bình thường mà còn kết hợp với khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa vùng miền thông qua nhiều hoạt động như leo núi, chạy bộ,...
Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn trên thế giới đều cho thấy đi du lịch và tham dự sự kiện thể thao đều là sự di chuyển từ nơi cư trú đến một điểm đến khác, đồng thời các sự kiện thể thao và hoạt động cũng đều thường được tổ chức ở những điểm đến hấp dẫn, có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiện nghi, kéo theo những nhu cầu về tham quan và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Thể thao phát triển vì thế có thể kéo theo sự phát triển liên ngành cũng như thúc đẩy du lịch, quảng bá, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những định hướng tập trung khai thác sức cuốn hút của các giải đấu thể thao cho việc phát triển du lịch, quảng bá văn hóa. Từ đó hình ảnh điểm đến, văn hóa của quốc gia được quảng bá sâu rộng và có hiệu quả.
Điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch thể thao Việt Nam
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng, từ những bãi biển trải dài tuyệt đẹp như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Múi Né (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang) đến các dãy núi hùng vĩ như Fansipan (Lào Cai) hay cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình thể thao gắn liền với du lịch như lướt sóng, leo núi, đua xe đạp địa hình, dù lượn và chèo thuyền kayak. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới gió mùa của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các sự kiện thể thao quanh năm. Các giải chạy marathon quốc tế tại Hà Nội, Cát Bà, Hạ Long, Đà Nẵng hay giải đua xe đạp Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh sức hút của thiên nhiên Việt Nam đối với cả du khách trong nước và quốc tế.
Riêng ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc, những cung đường đèo uốn lượn hay hẻm núi hùng vĩ đã thu hút nhiều tín đồ du lịch thể thao mạo hiểm. Một số địa danh nổi bật có thể kể đến như Fansipan (Lào Cai) cao 3.143m, Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu) cao 3.045m, Tà Xùa (Sơn La) cao 2.865m,… Ngoài ra tại một số địa điểm, các hoạt động thể thao như chạy bộ, đua xe đạp địa hình, dù lượn đã được đầu tư tổ chức như đường đèo Mã Pì Lèng, dốc 9 khoanh (Hà Giang), đèo Khâu Phạ (Yên Bái) hay Ô Quy Hồ (Lai Châu). Bên cạnh đó, địa hình nhiều sông suối, thác ghềnh của Việt Nam cũng thích hợp để tổ chức các hoạt động đua thuyền, vượt thác, bơi lội. Ngoài tài nguyên tự nhiên, văn hóa Việt Nam cũng là một điểm nhấn quan trọng. Các môn thể thao truyền thống như đua thuyền, đấu vật hay kéo co không chỉ mang tính giải trí mà còn chứa đựng giá trị lịch sử và bản sắc dân tộc. Việc lồng ghép những hoạt động này vào các tour du lịch sẽ tạo nên sự khác biệt, giúp du khách trải nghiệm sâu sắc hơn về con người và văn hóa Việt Nam.
Theo các chuyên gia về du lịch, thị trường Việt Nam bắt đầu khởi phát kinh doanh sản phẩm du lịch thể thao từ khoảng 5 - 7 năm trở lại đây. Điển hình là một số sản phẩm được thiết kế bán kèm các giải chạy phong trào như giải chạy địa hình và gần đây là các tour do nhiều doanh nghiệp du lịch tổ chức cho người Việt sang nước ngoài xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Bên cạnh những ưu điểm như thu hút số lượng khách lớn, sử dụng nhiều dịch vụ địa phương, du lịch thể thao còn có một ưu điểm nổi trội so với loại hình/sản phẩm du lịch khác. Thông qua du lịch thể thao, nhiều địa phương ở Việt Nam có thêm hình ảnh điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong mắt du khách. Nhiều địa phương dành sự quan tâm và nguồn lực cho loại hình/sản phẩm du lịch này bởi lợi ích mà nó mang lại.
Cũng trong thời gian gần đây, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ số lượng các câu lạc bộ và các giải thể thao phong trào của nhiều môn thể thao vốn trước đó chỉ thu hút giới chuyên nghiệp như golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, sup - kayak, bơi, yoga… Trong số đó, môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia. Đây là bộ môn nhận được sự quan tâm lớn bởi quy mô phát triển và khả năng liên kết khai thác rất lớn. Tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nổi tiếng.
Theo kinh nghiệm tổ chức, cứ một người tham dự giải phong trào thường có 1-2 người thân đi cổ vũ và cùng nhau đi du lịch tại điểm diễn ra sự kiện thể thao. Hiện tại, các công ty du lịch có thể tiếp cận cung cấp dịch vụ du lịch cho các vận động viên phong trào và người đi theo chủ yếu ở các môn golf và chạy bộ. Số còn lại chưa khai thác được mặc dù tiềm năng vẫn có như các giải đua kayak, xe đạp, bơi lội do số lượng giải không nhiều và thông tin truyền thông trước giải ít, tổ chức chưa chuyên nghiệp. Hầu hết các đơn vị tổ chức giải là các doanh nghiệp truyền thông, sự kiện, trong đó có cả công ty nước ngoài nhưng chỉ bán vé chạy (marathon) còn dịch vụ vé, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ du lịch khác đều do người tham gia tự đặt dịch vụ.
Bên cạnh đó, trong thập kỷ qua, thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên đấu trường quốc tế, từ các huy chương vàng SEA Games, ASIAD đến những chiến thắng ấn tượng trong bóng đá và điền kinh. Những thành công này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam mà còn tạo cảm hứng cho các sự kiện thể thao quy mô lớn. Sự phát triển của ngành thể thao cũng là động lực thúc đẩy du lịch. Việc tổ chức thành công SEA Games 31 (2022) đã cho thấy năng lực của Việt Nam trong việc đăng cai các giải đấu quốc tế. Đây là tiền đề để phát triển du lịch thể thao thông qua các sự kiện như marathon quốc tế, giải golf chuyên nghiệp, hay các cuộc thi thể thao mạo hiểm. Các địa phương như Đà Lạt, Huế hay Sapa đang dần trở thành điểm đến quen thuộc cho những người yêu thích thể thao kết hợp nghỉ dưỡng. Đặc biệt, ngành golf - một loại hình thể thao cao cấp - đang phát triển mạnh mẽ với hơn 60 sân golf tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lượng lớn du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Còn đó những thách thức
Dù sở hữu nhiều lợi thế, du lịch thể thao Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động thể thao chuyên nghiệp còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa có đủ trang thiết bị hiện đại hoặc các khu phức hợp thể thao đạt chuẩn quốc tế, khiến việc tổ chức sự kiện lớn gặp khó khăn. Thứ hai, công tác quảng bá du lịch thể thao chưa thực sự hiệu quả. So với các quốc gia như Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam vẫn thiếu những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để đưa hình ảnh du lịch thể thao ra thế giới.
Mặc dù nhu cầu hoạt động du lịch thể thao của khách hàng trong và ngoài nước ngày càng lớn, lĩnh vực du lịch kết hợp với thể thao ở Việt Nam vẫn còn khá mới bởi chưa có chiến lược phát triển toàn diện. Bởi vậy, Việt Nam cần khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực phù hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch thể thao để xúc tiến quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đầy đà phục hồi của ngành du lịch. Ngoài ra, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản. Từ hướng dẫn viên chuyên về thể thao mạo hiểm đến đội ngũ tổ chức sự kiện, Việt Nam cần nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế. Cuối cùng, vấn đề bảo vệ môi trường cũng là một thách thức lớn khi các hoạt động thể thao ngoài trời có thể gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên nếu không được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác tổ chức đối với du lịch thể thao rất đặc thù bởi đây không đơn thuần là một tour chỉ lo hậu cần ăn, ngủ, nghỉ mà đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về tổ chức sự kiện và các môn thể thao được tổ chức. Việc phân phối vé sự kiện, hậu cần, tour kèm theo cũng phải tổ chức khoa học, dựa trên nền tảng công nghệ số để triển khai vận hành hiệu quả.
Một số khuyến nghị
Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng và điều kiện để tổ chức các sự kiện thể thao hấp dẫn gắn với du lịch với nhiều dạng địa hình phong phú, đa dạng, khí hậu thuận lợi. Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch thể thao, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm thể thao đa năng và nâng cấp các địa điểm tổ chức sự kiện. Chính phủ có thể khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.
Thứ hai, cần đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh quốc tế, hợp tác với các tổ chức thể thao lớn như Liên đoàn Điền kinh Thế giới (World Athletics) hay Liên đoàn Golf Quốc tế (IGF) để đưa Việt Nam vào bản đồ du lịch thể thao toàn cầu. Việc tận dụng mạng xã hội và các nền tảng số cũng là cách hiệu quả để tiếp cận du khách trẻ tuổi.
Thứ ba, đào tạo nhân lực chuyên sâu về du lịch thể thao là yếu tố then chốt. Các trường đại học và trung tâm đào tạo cần mở các khóa học chuyên biệt về tổ chức sự kiện thể thao, hướng dẫn thể thao mạo hiểm, và quản lý du lịch bền vững.
Cuối cùng, cần xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển du lịch, đảm bảo rằng các hoạt động thể thao không làm tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên - vốn là “tài sản” lớn nhất.
Thay cho lời kết
Du lịch thể thao đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch trên toàn cầu. Loại hình này đem đến cho du khách những trải nghiệm, sự tham gia hoặc xem các hoạt động thể thao được tổ chức tại địa điểm du lịch nổi tiếng. Với lợi thế về tự nhiên, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nền văn hóa giàu bản sắc và sự phát triển mạnh mẽ của ngành thể thao, Việt Nam hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch thể thao gắn với các sự kiện, hoạt động thể thao, kết hợp tham quan, trải nghiệm văn hóa trong khu vực và trên thế giới. Thông qua việc khởi xướng một sự kiện thể thao để thu hút du khách, du lịch thể thao còn kết hợp tổ chức nhiều hoạt động đi kèm với đầy đủ loại hình của các sản phẩm du lịch khác.
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch thể thao cũng chỉ mới bước đầu, chưa phát huy hết tiềm năng. Vì vậy rất cần những định hướng dài hạn về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống quy trình chuyên nghiệp trong phát triển các sản phẩm du lịch thể thao để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này. Để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc đầu tư, quảng bá và quản lý. Nếu được khai thác đúng cách, du lịch thể thao không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế. Đây chính là thời điểm để Việt Nam bước lên một tầm cao mới trong lĩnh vực này, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thể thao khu vực và thế giới.
TS. Đoàn Mạnh Cương,
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành