Những năm qua, TP Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới. Với đặc trưng văn hóa mở từ hàng trăm năm, thành phố đã hình thành văn hóa đặc sắc, đa dạng về ẩm thực không chỉ trong nước và quốc tế.
Từ lợi thế này, văn hóa ẩm thực đã được thành phố phát triển, quảng bá, giới thiệu qua các lễ hội đặc sắc, cuốn hút du khách, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng.
Các lễ hội ẩm thực được tổ chức thường xuyên không chỉ giới thiệu món ăn đặc trưng mà còn khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa Việt Nam. Lễ hội bánh mì Việt Nam lần thứ ba vừa được tổ chức tại Công viên Lê Văn Tám thu hút gần 150.000 lượt khách, với sự góp mặt của gần 180 gian hàng.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, lễ hội không chỉ là sự kiện giải trí mà còn xác định là sản phẩm du lịch văn hóa đậm chất Việt. Sự kiện có các hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, tạo không gian cho du khách tìm hiểu về lịch sử món bánh mì qua các thời kỳ.
Người dân xếp hàng chờ mua tại gian hàng bánh mì Tăng có lịch sử thương hiệu từ thập niên 1950
Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, Phó chủ tịch UBND quận 5 nhấn mạnh rằng, du lịch không chỉ là việc đặt chân đến những vùng đất mới mà còn là cơ hội để chúng ta hiểu sâu hơn về văn hóa, con người và đặc biệt là ẩm thực độc đáo của mỗi địa phương. Lễ hội ẩm thực Chợ Lớn Food Story chính là nơi gửi gắm những câu chuyện văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng người dân Chợ Lớn trên địa bàn.
Với sự kết hợp giữa ẩm thực, văn hóa và du lịch, TP Hồ Chí Minh đang từng bước khẳng định là điểm đến hấp dẫn, nơi mà mỗi món ăn không chỉ đơn thuần là hương vị mà còn chứa đựng cả những câu chuyện và tinh thần của thành phố hơn 300 năm tuổi. Bên cạnh các lễ hội, thành phố còn nổi bật với những tuyến phố ẩm thực đặc trưng. Mỗi con phố là một câu chuyện ẩm thực riêng, từ bánh mì, hủ tiếu đến các món ăn Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... trở thành điểm đến quen thuộc của du khách.
Theo các chuyên gia du lịch, phát triển tuyến phố ẩm thực không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương. Những con phố này góp phần tạo ra bản sắc riêng, giúp du khách dễ dàng khám phá văn hóa qua từng món ăn.
Anh Phong Thanh Sang, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Du lịch Hoàng Anh cho biết: "Bức tranh ẩm thực của thành phố đa sắc màu được hình thành trong quá trình phát triển. Quận 1 với đường Bùi Viện, hẻm 76 đường Hai Bà Trưng, hẻm 177 đường Lý Tự Trọng là nơi đa phần giới trẻ và du khách quốc tế tập trung khi phố phường đã lên đèn. Quận 3 có đường Bàn Cờ, chợ Bàn Cờ, hẻm 51 đường Cao Thắng với chuỗi hàng quán bày bán đa dạng các món ăn vặt. Quận 5 có các tuyến đường ẩm thực người Hoa như: Châu Văn Liêm, Lão Tử, khu chợ Thủ Đô... Khi thiết kế các tour cho du khách, chúng tôi cũng quan tâm tới những tuyến phố ẩm thực đặc trưng, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa khiến du khách không thể nào quên".
Với định hướng đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh xác định ẩm thực sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy du lịch. Các hoạt động quảng bá văn hóa, kết hợp du lịch với ẩm thực sẽ giúp nâng tầm trải nghiệm của du khách, đồng thời củng cố vị thế của thành phố trên bản đồ du lịch thế giới. Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch đáng nhớ, dựa trên những giá trị văn hóa độc đáo về ẩm thực và lễ hội. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, nhằm phát triển bền vững và quảng bá rộng rãi những sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố.
Bài và ảnh: Kiều Oanh
Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 16/7/2024