Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm mở thông tuyến du lịch từ vịnh Lan Hạ, Hải Phòng sang vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.
Tuyến số 3 và số 4 trên vịnh Hạ Long hiện chủ yếu thu hút khách quốc tế nghỉ đêm trên tàu du lịch. Ảnh: Nguyễn Hùng
Chiều nay (4.4), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị và Ban Quản lý vịnh Hạ Long để xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho du lịch vịnh Hạ Long trong năm 2025.
Qua nghe báo cáo về thực trạng công tác quản lý, tổ chức hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long, ý kiến tham gia của các sở, ngành, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - kết luận: Trong năm nay, tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm mở thông tuyến du lịch từ vịnh Lan Hạ sang vịnh Hạ Long.
Du khách 2 bên sẽ đi tàu du lịch trên hành trình tuyến 3 và tuyến 4, từ đó tận dụng tối đa tài nguyên của Di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam (Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà), góp phần thu hút thêm khoảng 500.000 lượt khách đến vịnh Hạ Long.
Hiện, dù vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà đã về một mái nhà chung nhưng du lịch hai bên vẫn chưa kết nối với nhau. Du khách muốn sang vịnh Lan Hạ, thuộc Quần đảo Cát Bà phải đi bằng phà hoặc tàu cao tốc, xuất phát từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cũng yêu cầu cần sớm mở tour du lịch tàu nhà hàng đi từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đến khu vực Cột 8, TP Hạ Long; phát triển các tour du lịch ven vịnh Hạ Long. Đồng thời, chỉnh trang, cải tạo cảnh quan khu vực trên bờ và dưới biển của tuyến tham quan ven bờ này; đặc biệt ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Tàu nghỉ đêm trên tuyến số 4, vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng
Cần sắp xếp các hoạt động cung ứng dịch vụ trên vịnh Hạ Long để nâng cao chất lượng du lịch trên vịnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách về tìm hiểu văn hóa, lịch sử của vịnh Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Song song đó, phát triển các sản phẩm thể thao như chèo thuyền kayak theo các quy định của pháp luật hiện hành. Các đơn vị cũng cần sắp xếp, điều chỉnh quy định về tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, khuyến khích các chủ tàu có tàu sắp hết hạn đầu tư đóng các con tàu mới sang trọng, đẳng cấp hơn, có quy mô đón khách lớn hơn.
Bà Hạnh cũng yêu cầu Ban Quản lý vịnh Hạ Long nghiên cứu để ban hành các quy trình thu gom xử lý rác thải, nước thải đối với các tàu du lịch và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng bến, phao neo, biển báo, nạo vét luồng tuyến để các tàu lớn ra vào thuận tiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Đồng thời, áp dụng vé điện tử và công nghệ quản lý hiện đại để điều tiết hoạt động cảng bến và tàu trên vịnh một cách tiện lợi, nhanh chóng.
Năm 2025, vịnh Hạ Long đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt du khách, trong đó tập trung phát triển các thị trường sang trọng, chất lượng cao, khai thác tối đa thị trường khách tàu biển như: Nhật Bản, châu Âu...; hướng đến mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch Hạ Long là điểm đến 4 mùa trong năm.
Nguyễn Hùng
Nguồn: Du lịch/Báo Lao Động