Đền Nội Bình Đà (Đền Lạc Long Quân), là một ngôi đền truyền thống của người Việt, nằm trong quần thể di tích làng cổ Bình Đà, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Đền Nội Bình Đà thờ Lạc Long Quân, vị Quốc tổ trong tín ngưỡng Hùng Vương của người Việt.
Theo truyền thuyết, vua Đế Minh, con cháu của vị thần chủ về
Nông nghiệp, có hai người con, con trưởng là Đế Nghi, con thứ là Lộc Tục.
Nhà vua yêu Lộc Tục hơn nên muốn cho Lộc Tục làm vua phương
Bắc. Lộc Tục là người khiêm nhường nên đã thưa với cha nhượng cho người anh.Vua
Đế Minh cử Lộc Tục làm vua phương Nam (đất Văn Lang sau này).
Lên làm vua, Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Vua lấy
Long Nữ, con gái vua Động Đình Quân, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy hiệu là Hùng Hiền Vương, đóng đô tại Nghĩa
Lĩnh (vùng đất thuộc Lâm Thao, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Lạc Long Quân
lấy nàng Âu Cơ, con gái Đế Lai, vua một xứ lân cận Văn Lang. Hoàng hậu Âu Cơ
sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra thành 100 người con trai. Về sau, 50 người
con trai theo mẹ lên núi, 50 người con trai theo cha xuống biển.
Lạc Long Quân cùng 50 người con xuôi đường ra Nam Hải. Đến
vùng đất Bình Đà bây giờ, vua thấy cách biển không xa, lại thấy thế đất màu mỡ,
đẹp đẽ, liền chọn đất này xây dựng cơ nghiệp.
Khi ngài hóa về trời, người dân an táng ngài tại gò đất cao
nhất vùng, lập miếu thờ phụng.
Hiện nay, đền Nội tọa lạc trong khuôn viên rộng 10.000m2, cửa
đền nhìn về hướng tây, nơi có núi Tam Thai (nay là khu Ba Gò) mang dáng hình hổ
phục. Ðền Nội không rõ được xây dựng năm nào, cũng theo tài liệu lưu truyền tại
Bình Ðà, thời nhà Hán đô hộ nước ta, chúng đã tàn phá đền Nội, khi vua Ðinh
Tiên Hoàng giành lại được độc lập đã cho trùng tu lại đền Nội.
Năm 1430 dưới triều Lê sơ, đền được trùng tu lớn. Năm 1918,
đền được trùng tu lớn, sau đó lại bị phá hoại.
Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, thành phố
đã đầu tư phục dựng đền Nội với quy mô hoàn chỉnh.
Trong các hiện vật tại đền Nội Bình Ðà, có một hiện vật cực
kỳ quý hiếm là bức phù điêu chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ được sơn son thếp
vàng, miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền. Bức
phù điêu có 5 tầng với chiều dài 2,8m, rộng 2,2m.
Bức phù điêu có 20 vị quan văn; 16 vị quan võ cầm long đao;
18 thị nữ dâng hòm sớ; ngoài ra còn có voi ngựa, những con thuyền rồng với trai
tráng mải miết tay chèo. Nổi bật nhất là chân dung Lạc Long Quân ngự trên ngai
vàng, ngoài ra, còn có nhiều nhân vật, chi tiết sinh động khác. Bức phù điêu
này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Các dấu tích xưa của đền chỉ còn lại các tấm bia thời Lý, thời
Lê Trung Hưng.
Trong vòng 6 thế kỷ cận đại, đã có 16 vị vua của các triều đại
đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc tổ và sắc phong suy tôn Lạc Long Quân là
"Khai quốc Thần" (các đạo sắc phong này được lưu giữ tại Đền Nội Bình
Đà và Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
Phối cảnh không gian phía trước đền Nội Bình Đà, Thanh Oai,
Hà Nội
Phối cảnh tổng thể đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Đền Nội Bình Đà bao gồm: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội,
Phương đình, Tiền điện, Hậu điện và các tòa nhà phụ trợ khác.
Nghi môn ngoại
Nghi môn ngoại gồm 4 trụ biểu. Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh
trụ trang trí tứ phượng; hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê
chầu. Phía trên thân các trụ biểu trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí
câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Hai bên các trụ biểu là hàng lan can thấp.
Nghi môn ngoại đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Nghi môn nội
Phía sau Nghi môn ngoại là một khoảng sân rộng, tiếp đó là một
hồ sen hình chữ nhật, còn được gọi là giếng Ngọc. Phía sau giếng Ngọc là Nghi
môn nội.
Nghi môn nội gồm 3 khối cổng.
Khối chính giữa là một tòa cổng 3 gian, 2 mái. Đầu hồi bít đốc,
có hai trụ biểu nhô ra phía trước, đỉnh trụ trang trí tứ phượng.
Hai khối cổng hai bên dạng vòm cổng có mái 2 tầng, 8 mái.
Hai bên khối cổng là hai nhà bia.
Giếng Ngọc hay Hồ sen phía trước Nghi môn nội, đền Nội Bình
Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Nghi môn nội, đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Phương đình
Phương đình có mặt bằng hình vuông, 3 hàng cột, gian giữa rộng,
gian hai bên hẹp, mái chồng diêm, 2 tầng, 8 mái. Tòa Phương đình để trống 4
phía. Đây là nơi chuẩn bị đồ tế lễ.
Hai bên Phương đình là tòa Tả vu và Hữu vu. Mỗi tòa gồm 5
gian, 2 dĩ, đầu hồi bít đốc 2 mái. Toàn bộ mặt trước là cửa bức bàn. Tòa Tả vu,
Hữu vu là nơi tiếp đón du khách.
Tòa Phương đình nằm giữa Nghi môn nội và Tiền điện, đền Nội
Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Bên trong tòa Phương đình, đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Bia đá tại Đình Mặt trước tòa Tả vu, Hữu vu, đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà
Nội
Tiền điện
Tiền điện 5 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái. Tương tự như Nghi
môn nội, đầu hồi tòa Tiền điện có hai trụ biểu nhô ra phía trước, đỉnh trụ
trang trí tứ phượng. Trên kết cấu mái có các trang trí Tứ linh, Tứ quý như
trong ngôi đình truyền trồng. Hiện kết cấu gỗ không để mộc mà được sơn son thếp
vàng.
Bên trong Tiền điện là không gian tế lễ.
Bên trong tòa Tiền điện, đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Ban thờ tại Tiền điện, đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Hậu điện
Hậu điện là công trình có dạng chữ “đinh” hay chữ T, gồm
Chính điện và Hậu cung.
Chính điện 3 gian, 2 mái, bề ngang hẹp hơn so với tòa Tiền tế.
Hậu cung đặt dọc, 1 gian.
Bên trong Hậu cung có một di tích rất quý giá, là bức phù
điêu Lạc Long Quân và các lạc hầu, lạc tướng xem đua thuyền trên sông Đỗ Động
(nay là khu vực làng Bối Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội).
Bức phù điêu đã hơn 1000 năm tuổi, được vua Đinh Tiên Hoàng
(Đinh Bộ Lĩnh, hoàng đế sáng lập triều Đinh, nước Đại Cồ Việt, trị vì 968 -979)
cho chế tác khi mới giành lại độc lập. Trên bức phù điêu, Quốc Tổ Lạc Long Quân
ngự trên ngai vàng ở chính giữa, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu
nguyệt” với khuôn mặt hiền từ, mình khoác long bào. Bức phù điêu có dòng chữ
“Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ”.
Bức phù điêu được công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2010).
Hậu cung đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Bia đá tại Đình
Lăng mộ Lạc Long Quân
Phù điêu Lạc Long Quân và các lạc hầu, lạc tướng xem đua
thuyền, đền Nội Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội
Trong đền Nội Bình Đà còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như:
Thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, hoành phi, đồ tế tự…
Hàng năm Lễ hội Bình Đà diễn ra từ 25 tháng 2 đến 6 tháng 3
âm lịch, được tổ chức tại đền Nội Bình Đà và đình Ngoại Bình Đà (thờ Linh Lang
Đại vương.
Vào dịp Lễ hội đền Hùng, ngày 10 tháng ba âm lịch, đoàn thủ
từ đền Hùng, Phú Thọ về đền Nội Bình Đà làm lễ dâng hương, xin rước chân nhang
và cung kinh đón Thánh tổ về dự Lễ hội.
Lễ hội diễn ra từ ngày 26/2 đến 6/3 âm lịch hằng năm (ngày 26/2 âm lịch là ngày giỗ Đức Linh Lang Đại vương, ngày 6/3 âm lịch là ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân). Lễ hội Bình Đà có nhiều điểm đặc sắc với các nghi thức tế lễ được lưu truyền qua hàng trăm năm và nay vẫn được các thế hệ người dân Bình Đà trân trọng lưu truyền đời này qua đời khác.
Đền Nội Bình Đà, Thanh Oai , Hà Nội được đánh giá là một
trong những ngôi đền có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật truyền thống
tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận Di tích cấp quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1991.
Đặng Tú, bộ môn KTXD
Nguồn: Đại học xây dựng