Đình Kiền Bái nằm ở xã Kiền Bái, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, thờ phụng nhị vị thành hoàng làng là Đào Lôi Công và Ngọc Bính Đại vương. Đào Lôi Công đã phò giúp ba đời vua Lý thế kỷ thứ 9. Đức thánh Ngọc Bích đã có công khai hoang mở đất.
Kiền Bái còn có tên là Hổ Bái Trang thuộc huyện Thuỷ Đường,
phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là một trong những khu vực tập trung dân cư người
Việt cổ, phía Đông Bắc của xã là di chỉ Đôn Sơn - nơi các nhà khảo cổ học đã
phát hiện ra vết tích của văn hóa Đông Sơn.
Theo bản thần tích hiện còn lưu giữ tại Đình do Đông các Đại
học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1571, Đình Kiền Bái thờ vị thần Đào Lôi Công làm
Thành Hoàng làng. Đào Lôi Công là người đã có công giúp ba đời Vua Lý thế kỉ thứ
9 là vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tôn, Lý Thánh Tông trị vì đất nước, giữ yên bờ
cõi. Đình còn thờ một vị Thành hoàng khác là Đức Thánh Cả Bích Ngọc Đại Vương, có
công khai hoang, chiêu mộ dân lập ấp để tạo lên vùng Hổ Bái Trang – Kiền Bái
ngày nay.
Hàng năm Hội Đình được mở vào ngày 10, 11, 12 tháng 11 âm lịch.
Hội Đình là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc biệt nó thể hiện đời sống
tinh thần phong phú, truyền thống đạo lý cao đẹp của người dân địa phương nơi
đây.
Nhị vị Thành hoàng đã nhiều lần hiển linh phù hộ dân làng Kiền
có cuộc sống yên ổn, làm ăn thịnh vượng. Khi quân Nguyên sang xâm lược (1258 -
1288), hai vị âm phù vua Trần đánh giặc. Chiến thắng giặc, vua sắc cho lập đền thờ và phong thần hiệu Trung
Quốc Cảm Ứng Thượng đẳng thần và Lôi Công Uy Diệu Thượng đẳng thần.
Đình Kiền Bái được khởi công xây dựng vào thời Lê Hy Tông,
niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (năm 1685). Đến nay, sau hơn 300 năm tồn tại, Đình vẫn
giữ được phong cách nghệ thuật thời Lê.
Đình được trung tu sửa vào thế kỷ 18, bổ sung thêm những mảng
chạm đao mác mang đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Ngày 6 tháng 9
năm Tự Đức 12 (năm Kỷ Mùi – 1859), bổ sung thêm các mảng chạm khắc trên cổn
theo chủ đề rồng và ổ rồng, đặc trưng của thời Nguyễn. Mùa hạ năm Bảo Đại 12
(năm 1937). Năm 1993 nhân dân và chính quyền địa phương tiếp tục tu sửa nhỏ và
chống dột đình.
Ngày 1 tháng 4 năm
2004, Đình Kiền Bái được nhà nước cấp kinh phí trùng tu đến ngày 10 tháng 11
năm 2006 khánh thành.
Đình Kiền Bái có kết cấu tương tự như khi được xây dựng vào
nửa cuối thế kỷ 17. Đình hướng về phía Nam, gồm Nghi môn, Sân đình và tòa Đại
đình cùng các nhà phụ trợ khác.
Nghi môn
Nghi môn kiểu truyền thông là 4 trụ biểu bằng đá xanh. Hai
trụ biểu chính giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng, thân trụ phía trên trang
trí các ô lồng đèn, phía dưới đắp nề các câu đối cổ. Hai trụ biểu hai bên thấp,
đỉnh trụ trang trí nghê chầu, thân trụ trên trang trí các ô lồng đèn, dưới đắp
nề câu đối. Đế trụ biểu thắt cổ bồng. Giữa hai trụ biểu chính là lối vào duy nhất.
Giữa trụ biểu chính và phụ được xây tường, trang trí hoa văn phía trên.
Nghi môn đình Kiền Bái
Sân đình
Sân đình Kiền Bái lát gạch bát. Đường thần đạo được lát cao
hơn mặt sân, là lối dẫn vào cửa chính của đình. Hai bên đường thần đạo có hai bệ
đá, dùng để đặt đồ tế lễ ngoài trời. Trên sân đình bầy đèn đá, ngựa đá, lư
hương đá
Sân đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Tòa Đại đình
Đình Kiền Bái có kết cấu kiểu đình lành truyền thống, toàn bộ
là khung gỗ lim chốt mộng khít, không dùng đinh, các cột cái, cột quân bằng gỗ chân
tảng, các bộ vì kết nối bằng hoành. Các
tòa nhà Đại đình có 4 mái uốn đầu đao, trang trí đầu rồng, vân mây cách điệu, lợp
ngói mũi hài. Bờ nóc tòa Tiền Tế đắp nề trang trí Lưỡng long quán nhật.
Tòa Đại đình dựng trên bệ đá, kết cấu kiểu "chữ
đinh", bao gồm tòa Tiền tê và Hậu cung. Tòa Tiền tế 5 gian, 4 mái uốn đầu
đao. Nội thất kiểu lòng thuyền, gian chính điện nền lát đá, 4 gian còn lại là
sàn gỗ, cao hơn nền khoảng 0,8 mét và 1 mét, tạo thành hai bậc sàn, dành cho
các nhóm người có vị thế khác nhau trong làng. Phía dưới sàn để trống tạo như một
nhà sàn.
Trên cột cái, vì kèo gian chính điện, xà nóc ghi thời hiệu
khởi dựng là năm 1681 cùng tên những người công đức. Phía trước đình có các bậc
đá để bước lên sàn các gian hai bên. Bậc có hình trụ tròn, tương tự như đế cột.
Hậu cung 2 gian có kết cấu kiến trúc tương tự như Tòa Tiền tế,
các vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng, kẻ bẩy, kẻ đỡ thương lượng. Trong Hậu
cung có khám thờ đặt tượng 2 vị Thần hoàng làng. Một vị mặt đỏ, có thể là Lôi
Công Đại vương và một vị mặt trắng, có thể là Ngọc Bích Đại vương. Hậu cung chỉ
mở cửa khi làng vào hội. Bên trên ban thờ
có bức đại tự “ Thượng đẳng tối linh”.
Chính điện đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Một góc Chính điện đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Hậu cung đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Bên trong tòa Chính điện với sàn gian giữa kiểu
lòng thuyền, đình Kiến Bái
Ban thờ tại tòa Chính điện, đình Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải
Phòng
Cửa võng phía trước ban thờ tại Hậu cung đình Kiền Bái, Thủy
Nguyên, Hải Phòng
Khám thờ hai vị Thành hoàng, Hậu cung đình Kiền Bái, Thủy
Nguyên, Hải Phòng
Nghệ thuật chạm khắc
Là một trong những ngôi đình, đền nổi tiếng, đình Kiến Bái sở
hữu bộ sưu tập các bức chạm khắc gỗ đa dạng tuyệt đẹp. Những bức chạm này tập
trung ở tòa Tiền tế, tùy theo thời gian, vị trí, một phần được sơn son, thếp
vàng; một phần được để mộc.
Những mảng chạm khắc hòa vào kiến trúc của đình, trở thành bảo
tàng sống động thể hiện đời sống tín ngưỡng tâm linh phong phú, ước vọng của
người dân, quan niệm về tự nhiên, tiên phàm theo những định ước truyền thống và
những tích cổ trào lộng.
Tại đình Kiền Bái, những bức chạm khắc tập trung nhiều về
phong cảnh Tự nhiên. Chủ đề được chạm khắc là Tứ linh (Long, ly, quy, phượng),
Tứ quý (Mai, Lan, Cúc, Trúc), hoa lá cách điệu. Rồng là linh vật được chạm khắc
nhiều nhất.
Rồng được chạm khắc trong đình có đầu to, trán dô, miệng rộng,
mũi sư tử, râu bờm là các cụm đao lửa hình mũi mác bay múa, thân rồng được đánh
vảy, móng vuốt. Trong các bức chạm có rồng mẹ và nhiều rồng con, tạo thành “ổ rồng”.
Ngoài Tứ linh, các nghệ sĩ dân gian còn
chạm khắc những vật nuôi thông thường như lợn, chó, dê, nai, mèo, cá. Nhiều nhất
là lợn với những hoạt cảnh như lợn nằm ngủ trên lưng rồng, nắm chặt râu, đuôi rồng.
Đồng thời, các nghệ nhân cũng chạm khắc những cảnh thể hiện đời sống thường nhật
như: người cưỡi voi, em bé chăn trâu.
Chủ đề con người trong các mảng chạm ở Đình cũng góp phần
làm phong phú cho các tác phẩm điêu khắc trang trí như Tiên nữ cưỡi phượng. Các
mảng chạm khắc đều được chau chuốt từng đường nét khiến cho tác phẩm trở nên
tinh tế, sống động và đầy sức sống biểu cảm.
Trang trí trên đầu bẩy, đình Kiền Bái
Trang trí trên bệ cửa đình Kiền Bái
Trang trí rồng trên đầu dư, đình Kiền Bái
Trang trí hình tượng rồng tại xà nách, đình Kiền Bái
Trang trí hình tượng rồng, người, lợn và voi phía dưới xà dọc,
đình Kiền Bái
Bức chạm "Rồng và Lợn" tại đình Kiền Bái
Đình còn lưu giữ được 14 sắc phong của các triều đại phong
kiến Hậu Lê, Nguyễn.
Hội làng Kiền tổ chức từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm
lịch hàng năm.
Đình Kiến Bái, xã Kiền
Bái, huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng là một trong những công trình kiến
trúc, nghệ thuật tiêu biểu thời Hậu Lê, một trong những bảo tàng chạm khắc gỗ mỹ
thuật tuyệt đẹp của Hải Phòng.
Nguồn: Đặng Tú, BMKTCN, Đại học Xây Dựng