Nằm trên đất Bàn Thạch cổ, nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, đình làng Giữa là một trong số ít công trình gỗ cổ bề thế, mang đầy đủ giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn huyện Thọ Xuân còn được lưu giữ đến ngày nay.
Đình làng Giữa, cùng với Đền thần Cao Sơn thờ phụng Thần Cao
Sơn Quốc Chủ Linh Hiển Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương. Thần có tên húy là Cao
Hiển, tự Văn Trường, vốn người Trung Quốc, giữ chức “Đô hộ sứ” thời nhà Lý. Thần
thường vân du khắp nơi, dạy lễ nghi, giáo hóa kiến thức, dạy dân làm ăn, được
người dân yêu mến và kính trọng. Khi vân du các nơi ngài chọn ra 72 điểm có
phong thủy đẹp, tự xây sinh từ. Khi ngài về nước và mất, nhà Lý thương tiếc đã sắc
cho các nơi có sinh từ của ngài được thờ phụng. Các đền miếu rất linh ứng,
thiêng liêng nên hương hỏa không dứt đến nay.
Theo tài liệu còn lưu giữ, đình làng Giữa được dựng dưới thời
vua Tự Đức (1858), thờ phụng Thành hoàng làng là Thần Cao
Sơn Quốc Chủ Linh Hiển Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương đồng thời là nơi hội họp,
bàn các vấn đề của làng.
Đình làng Giữa có bố cục đơn giản, bao gồm một cửa kiểu trụ biểu, sân đình và Đại đình. Tòa đại đình là ngôi nhà thông phong 5 gian, xây tường hồi bít đốc, toàn bộ hệ thống vì kèo, cột cái và cột quân trong di
tích là gỗ mít lâu năm.
Các bộ vì kèo được chế tác theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, kiểu "chồng rường, giá chiêng, kẻ bẩy, đấu kê" Vì nóc và vì nách gian chính điện để trống, các vì kèo gian đầu hồi được chạm khắc trang trí theo chủ đề tứ linh, tứ quý, hổ phù, hoa dây lá triện tuyệt đẹp với nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao.
Năm 2004, đình làng Giữa được xếp hạng di tích lịch sử
- văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian, di tích đình làng
Giữa không tránh khỏi việc xuống cấp. Trong đó, đặc biệt là tình trạng mối mọt
“ăn thủng” các chi tiết gỗ. Và tình trạng ngói lợp bị mục khiến cho mưa dột, nắng
chiếu. Tình trạng mối mọt khiến di tích xuống cấp nặng nề. Ngay cả các cột gỗ lớn
chống đỡ đình làng Giữa tưởng chừng vững chãi cũng trong tình trạng bị mối mọt
xâm hại.
Theo người dân địa phương, những dấu hiệu xuống cấp ở đình
làng Giữa đã xảy ra nhiều năm qua. Nhân dân trong làng cũng đã nhiều lần đóng
góp kinh phí nhằm “chống xuống cấp” nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Di tích
hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được quan tâm trùng tu kịp thời để giữ lại
không gian thiêng của làng.
Việc trùng tu đình làng Giữa cần nguồn kinh phí rất lớn,
ngoài sự hỗ trợ, đóng góp của Nhân dân cần nhận được sự quan tâm của các “mạnh
thường quân”.
Người dân làng Giữa, xã Xuân Sinh mong mỏi di tích đình làng
được trùng tu kịp thời trước khi quá muộn.
Ảnh tư liệu: Nguyễn Huân/Đền Miếu Việt
Nguồn: Báo Văn hóa và Đời sống