Quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên là một trong số những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Nam và trấn Sơn Nam xưa. Không những có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, ngôi chùa còn là kho sử liệu quý giá với tấm bia Sùng Thiện Diên Linh là bảo vật quốc gia.
Theo
sử sách ghi chép lại, chùa Long Đọi Sơn do vua Lý Thánh Tông và Vương
Phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054. Đến năm 1121, vua Lý Nhân Tông
tiếp tục tôn tạo và xây bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Đến đầu thế kỷ XV, khi giặc Minh xâm
lược nước ta, chùa bị phá hủy nhiều. Đến cuối thế kỷ XVI (khoảng năm
1591), nhân dân địa phương đã tiến hành sửa sang, trùng tu lại ngôi
chùa.
Vào năm Tự Đức thứ 13, Chùa được trùng
tu sửa sang tiền đường, thượng điện, nhà tổ, gác chuông… Đến năm 1864,
chùa tiếp tục được trùng tu hành lang, đúc tượng Dị Lặc, đúc khánh đồng
và đúc khánh đá do sư tổ đời thứ 5 là Thích Chiếu Trường chủ trì xây
dựng hoàn chỉnh. Hai bên chùa là 18 gian hành lang thờ thập bát La Hán.
Ngay ngõ vào là hai dãy nhà đắp cảnh thập điện. Ngoài ra, chùa còn có
nhà tổ, nhà khách, tăng phòng… tất cả có tới khoảng trên 100 gian phòng.
Trong kháng chiến chống Pháp, một lần
nữa ngôi chùa lại bị tàn phá. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc,
chính quyền cùng nhân dân địa phương đã tích cực tiến hành trùng tu lại
ngôi chùa. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình
chính tại đây. Đầu những năm 2000, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thông
tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh Hà Nam, chùa
tiếp tục tu bổ, tôn tạo xây dựng mới một số công trình để bảo đảm phục
vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch
sử, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong
cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời,
phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo trong lịch sử dân tộc và
là niềm tự hào của người dân nơi đây. Một trong số những hiện vật có giá
trị lịch sử văn hóa nổi bật được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn hiện nay
chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh (đã được Chính phủ công nhận là
bảo vật quốc gia năm 2014). Tấm bia với nghệ thuật chạm khắc độc đáo
chứa đựng nhiều thông tin quý hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa
thời Lý.
Chùa Long Đọi Sơn dưới thời Lý đã từng
là trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa. Qua tư liệu hiện vật của
chùa phản ánh triết lý, thuyết lý duyên khởi của Phật giáo, tình hình
Phật giáo Đại Việt thời Lý và các vị Phật được tôn thờ. Hằng năm, tại
chùa diễn ra lễ hội Phật giáo có ảnh hưởng lan tỏa trong một vùng rộng
lớn và sức hấp dẫn đối với nhân dân, du khách. Các lễ hội được tổ chức
còn là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh vị vua anh minh Lý Nhân Tông và
những người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cũng như
xây dựng, tôn tạo và mở mang ngôi chùa.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu
biểu trên, cuối năm 2017, quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn đã được Thủ
tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Đọi, xã Tiên Sơn, thị xã Duy
Tiên (Hà Nam) là một di tích lịch sử văn hóa, danh thắng nổi tiếng của
Hà Nam gắn với Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra mỗi dịp đầu năm
Cổng Tam Quan án ngữ khu chùa chính Long Đọi Sơn
Các hạng mục trong khuôn viên 2ha của ngôi chùa cổ gần 1000 năm tuổi luôn toát lên sự trầm mặc, cổ kính
Khu Tam Bảo thờ Phật (Tổ Đường) - Chùa Long Đọi Sơn
Nhìn từ trên cao, chùa Long Đọi Sơn ẩn mình trong rừng cây cổ thụ nguyên sinh, bao bọc xung quanh chùa là làng mạc, ruộng đồng
Bia Sùng Thiện Diên Linh là hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của chùa Long Đọi Sơn
Nội dung trên tấm bia chứa nhiều thông tin sử liệu quý giá
Tượng đầu người mình chim (thời Lý) là một trong các hiện vật nguyên vẹn đang được lưu giữ tại nhà chùa
Khu lăng mộ tổ các đời trụ trì tại nhà chùa
Vốn là trung tâm Phật giáo một thời của trấn Sơn Nam xưa, chùa Long Đọi
Sơn là nơi thu hút phật tử, du khách đến tham quan, lễ bái.
Đến
vãn cảnh chùa Long Đọi Sơn, phật tử và du khách còn được thưởng thức
bầu không khí trong lành tạo ra từ những tán cây rừng./.
Kim Chiến
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng Sản