Thực tế cho thấy, chính sách visa thân thiện, cởi mở vẫn được các quốc gia coi là "vũ khí" hiệu quả trong thu hút khách quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ…
Ảnh: Saigontourist Travel
Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang mở rộng cửa với du khách quốc tế. Ví dụ, Malaysia vừa áp dụng chế độ miễn thị thực nhập cảnh 30 ngày cho du khách từ Trung Quốc, Ấn Độ. Thái Lan đã miễn thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc và Kazakhstan từ tháng 9/2023, tiếp theo là Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 11/2023. Campuchia cũng có kế hoạch cho công dân Ấn Độ tiếp cận thị thực dễ dàng hơn...
Nhộn nhịp khách quốc tế đến Việt Nam
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam công bố số liệu cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng 12/2023 và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3/2022, tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP.HCM ước đón 75.000 lượt; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt…
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng vừa có báo cáo Văn phòng Chính phủ tình hình phục vụ hoạt động đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, dịp Tết năm nay sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đạt gần 1,3 triệu lượt, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 633.000 lượt, tăng gần 49%.
Sáng 20/2/2024, tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas đã mang hơn 4.000 khách đa quốc tịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng chú ý, một số địa phương có cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán 2024 như Quảng Ninh đón tàu Zhao Shang Yi Dun với 600 khách Trung Quốc; Đà Nẵng đón tàu Zhao Shang Yi Dun và Dream Cruise với khoảng 3.400 khách; TP.HCM đón tàu Europa, Seabourn Encore, Celebrity Cruises với hàng nghìn lượt khách đa quốc tịch… Những tín hiệu tích cực từ du lịch tàu biển cho thấy một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế quan trọng này, trong đó có khách từ thị trường truyền thống Trung Quốc.
Đánh giá kết quả đón khách quốc tế những ngày đầu năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng cao là do một số địa phương trọng điểm du lịch đã chủ động phối hợp cùng hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành tổ chức các sự kiện thu hút khách quốc tế. Đặc biệt việc Việt Nam thông thoáng chính sách visa cũng như định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương là một trong những nguyên nhân thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, thời gian qua hoạt động xúc tiến, quảng bá được Các doanh nghiệp du lịch triển khai rộng khắp khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện. “Mặc dù còn nhiều khó khăn, song lượng khách tăng cao dịp đầu năm và Tết Nguyên đán, đặc biệt là khách quốc tế, là tín hiệu mừng để ngành du lịch đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đón khách vào năm nay, phấn đấu đạt được chỉ tiêu như kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ.
Chờ một cú hích cho năm 2024
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du khách đạt khoảng 840.000 tỉ đồng. Nếu đạt được các mục tiêu này, ngành du lịch xem như phục hồi hoàn toàn, trở lại mức kỷ lục của năm 2019.
Lượng khách quốc tế tăng cao dịp đầu năm là tín hiệu mừng để ngành du lịch đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động trong năm 2024.
Đặc biệt, nới visa vẫn được coi là vũ khí giúp du lịch đột phá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay. Chính vì thế, nghiên cứu mở rộng chính sách visa nằm trong danh sách nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 mà Thủ tướng Chính phủ đặc biệt ra chỉ thị đôn đốc thực hiện. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương.
Cũng liên quan đến nội dung này, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 nước, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Từ giữa tháng 8/2023, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được đơn phương miễn thị thực vào Việt Nam được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày.
Trên thực tế, dù có nhiều cải thiện song chính sách visa của Việt Nam chưa thể so sánh được với các nước trong khu vực. Malaysia và Singapore hiện miễn thị thực cho 162 quốc gia với thời gian lưu trú 90 ngày, Thái Lan miễn cho 64 quốc gia trong thời hạn 30 ngày… Một phần vì lý do này, trong năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, trong khi con số này tại Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt là 27 triệu lượt khách, 20 triệu lượt khách và 14 triệu lượt khách.
Chính sách visa vẫn được coi là vũ khí giúp du lịch đột phá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, chuyên gia về du lịch, ngành du lịch Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng đón dòng khách quốc tế có khả năng chi trả cao. Tuy vậy, trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) thì chỉ có công dân Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển được phép vào Việt Nam mà không cần phải xin thị thực du lịch… trong khi rất nhiều du khách châu Âu muốn du lịch ở từ 30 - 90 ngày, nhất là người hưu trí. Do đó, việc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương cần hướng tới những thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài Thu, Phó giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist tại Hà Nội, cho rằng chính sách thị thực là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến, nhất là nâng sức cạnh tranh của Việt Nam trong việc tiếp cận của nguồn khách mới, như luồng khách chủ động, luồng khách gia đình, luồng khách đi nhỏ lẻ... Do đó, độ mở của visa chính là cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng lại các sản phẩm du lịch với thời gian kéo dài hơn, thu hút các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao hơn, thời gian lưu trú lâu hơn cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh "dài hơi" hơn.
Nguồn: Vneconomy