Hệ thống giao thông thông minh (ITS) cung cấp giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường. Mặt khác, hệ thống đường sắt đô thị là mắt xích quan trọng của hệ thống giao thông thông minh.
TP Hà Nội đã đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông và mới đây là tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội, đoạn trên cao. Vậy hệ thống giao thông thông minh sẽ hỗ trợ cho người sử dụng đường sắt đô thị như thế nào để giúp tăng cường thuận lợi và hiệu quả vận tải của đường sắt đô thị?
Về nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với GS. TS Lê Hùng Lân - Nguyên Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
PV: Với việc TP Hà Nội vừa có thêm một tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác, ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng của đường sắt đô thị với nhu cầu của người tham gia gia giao thông?
GS TS. Lê Hùng Lân: Chúng ta đối chiếu thực trạng của đường sắt đô thị với nhu cầu của người dân thì sẽ thấy ngay những điểm còn tồn tại. Nhu cầu của người tham gia giao thông nói gọn lại chỉ có 2 yếu tố: thứ nhất, đảm bảo mục đích đi lại, nghĩa là hệ thống vận tải phải đưa được con người đến nơi cần đến; thứ hai, thỏa mãn chất lượng đi lại: an toàn, tiện nghi, nhanh chóng, tiết kiệm.
Ảnh minh họa: Meci
Đối chiếu lại với hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, ta thấy bộc lộ rõ yếu điểm như quá ít tuyến, độ dài ngắn, lộ trình chưa hợp lý nên mức độ đáp ứng mục đích đi lại của người dân không nhiều; chất lượng chuyến đi mới chỉ đóng khung trong lộ trình các chuyến tàu.
PV: Vậy theo ông, hệ thống đường sắt đô thị cần phải làm gì để thu hút được người dân tham gia sử dụng?
GS TS. Lê Hùng Lân: Bên cạnh yêu cầu tăng chiều dài, tăng số km, tăng số tuyến, đa dạng hóa loại hình thì cần chú ý các giải pháp: quy hoạch lộ trình các tuyến, vị trí các bến hợp lý có điểm đến là các khu đông dân cư, cơ quan, trường học, điểm vui chơi, mua sắm, nhà ga, bến xe, sân bay.
Thứ 2 là kết nối các phương thức vận tải khác như xe buýt, xe đạp công cộng, taxi với mạng lưới đường sắt đô thị. Điều này rất quan trọng khi đường sắt đô thị của Hà Nội còn ít, chưa đảm bảo đưa người tham gia giao thông đến đúng nơi cần.
Thứ 3 cần tăng cường quảng bá thông tin giao thông cho người dân, để người tham gia giao thông có khả năng tìm kiếm lộ trình cần thiết, tiện lợi.
Nhiều bạn trẻ rất háo hức đến trải nghiệm trong ngày đầu (08/8) Metro Nhổn - Ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại
PV: Với những yêu cầu đó, hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ giúp ích gì cho người dân sử dụng đường sắt đô thị?
GS TS. Lê Hùng Lân: Hệ thống giao thông thông minh không chỉ phát huy hiệu quả của đường sắt đô thị mà còn phát huy hiệu quả của toàn bộ hệ thống giao thông Thành phố. Trực tiếp liên quan đến đường sắt đô thị có 03 hệ thống: Cung cấp thông tin giao thông; Quản lý Giao thông công cộng và Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng. Hệ thống Cung cấp thông tin giao thông cung cấp cho người tham gia giao thông các thông tin theo thời gian thực, cần thiết về lộ trình giao thông, hướng dẫn tìm đường đi phù hợp, tối ưu.
Ảnh minh họa: BKAII
Chúng ta có thể ứng dụng bản đồ giao thông thành phố, các bảng thông tin điện tử tại các bến, trên phương tiện. Qua đó người tham gia giao thông có thể tìm, lựa chọn tuyến đường sắt đô thị, chuyến tàu, thời gian xuất phát thích hợp, theo dõi hành trình tàu. Không những vậy, hành khách còn có được thông tin về các phương thức vận tải có thể đưa đến bến, chuyển tiếp để đến đích mong muốn như xe buýt, taxi, xe đạp thuê, giúp hoàn thành chuyến đi.
Hệ thống quản lý giao thông công cộng trước tiên cho phép cơ quan quản lý, điều hành điều phối các phương tiện theo hướng kết nối giúp giảm thời gian chờ đợi, tăng tính tiện lợi, cũng như chi phí của hành khách.
Hệ thống Quản lý thanh toán vé điện tử GTCC giúp người tham gia giao thông thanh toán điện tử cho bất cứ phương thức vận tải công cộng nào (xe buýt, tàu điện), chẳng hạn quét bằng điện thoại thông minh, không phải dùng tiền mặt, nhanh chóng, tiện lợi.
PV: Xin được cảm ơn ông!
Nguyễn Yên
Nguồn: VOV