Là loại hình đang nở rộ ở Việt Nam, theo các chuyên gia, nhà quản lý, cần sớm có hành lang pháp lý để đưa hoạt động du thuyền vào quản lý một cách bài bản, khoa học.
Một bến neo đậu du thuyền trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh
Sớm giải quyết các vấn đề thực tiễn
Một số đăng kiểm viên bậc cao của Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với du thuyền được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền (QCVN 81:2014/BGTVT). Quy chuẩn áp dụng cho việc phân cấp và đóng du thuyền (cũng như các tàu) sử dụng vào mục đích vui chơi, giải trí không tham gia vào hoạt động thương mại và hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
“Căn cứ quy chuẩn trên, cùng với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác về tàu biển có thể phân định rằng, du thuyền là phương tiện không hoạt động thương mại, không kinh doanh vận tải. Mục đích sử dụng là phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí của chủ phương tiện và không bị giới hạn vùng, tuyến hoạt động. Vì vậy, ngay từ khâu thiết kế, chế tạo, các tiêu chí an toàn kỹ thuật và công năng sử dụng cũng được tính toán cho mục đích trên, không giống như tàu biển vận tải khách công cộng”, đăng kiểm viên (xin giấu tên) cho biết.
Bản chất để phân biệt giữa du thuyền và tàu chở người khác là có kinh doanh vận tải hay không. Nói đơn giản, giống như xe ô tô trên đường bộ, hiện nay, nếu không kinh doanh vận tải thì có số biển màu trắng, còn kinh doanh vận tải có biển màu vàng.
Theo các đăng kiểm viên, vấn đề này sinh hiện nay là du thuyền được nhập khẩu từ nước ngoài về nhưng sử dụng cho mục thương mại, kinh doanh vận tải. Chẳng hạn như chở khách trong khu nghỉ dưỡng, chở khách tham quan du lịch trên vùng nước hàng hải hoặc đường thủy nội địa… Trong khi đó, hiện mới có quy chuẩn kỹ thuật du thuyền đối với tàu biển, còn trong quy chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa và quy định quản lý hoạt động phương tiện thủy chưa đề cập đến đối tượng này.
“Nghị định số 48/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước tại Việt Nam, áp dụng đối với phương tiện vui chơi, giải trí hoạt động theo vùng nước nhất định, còn không áp dụng đối với du thuyền. Mặt khác, mục đích sử dụng của du thuyền là không hạn chế hoạt động theo tuyến, vùng nhất định”, đăng kiểm viên này cho hay.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Việt, Trưởng phòng Quy phạm, Cục Đăng kiểm VN, về góc độ an toàn kỹ thuật, việc quản lý du thuyền hiện nay không có gì vướng mắc. Và từ thực tiễn trên cho thấy, vấn đề cần xem xét, giải quyết hiện nay là quy định rõ ràng việc du thuyền có được hoạt động thương mại, kinh doanh vận tải hay không. Bên cạnh đó, việc quản lý đăng ký du thuyền do ngành nào, Cục Hàng hải VN hay Sở Văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện. Ngoài ra, các vấn đề về định biên, bằng điều khiển phương tiện, chứng chỉ người tham gia vận hành du thuyền; các quy định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định thế nào về du thuyền…
“Tôi cho rằng, đây là các vấn đề cần được tính đến khi sửa đổi, bổ sung Luật Hàng hải và Luật Giao thông đường thủy nội địa, để có căn cứ quản lý và góp phần phát triển loại hình phương tiện này”, ông Nguyễn Hồng Việt nêu ý kiến.
Bổ sung quy hoạch, hoàn thiện hành lang pháp lý
Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục đăng kiểm số 15 chia sẻ: “Du thuyền theo suy nghĩ của cá nhân tôi là loại phương tiện dành cho cá nhân, gia đình, bạn bè, người thành đạt. Nó tạo ra một lối sống mới, đẳng cấp. Nhưng vì vướng một số quy định, nhất là vấn đề định danh nên khi đăng ký, để thuận lợi, chủ phương tiện hoặc người đại diện chọn đăng ký phương tiện thuỷ nội địa theo từng cấp tương ứng”.
Cũng theo ông Đức, du thuyền mang tính sở hữu cá nhân nhưng khi đưa vào hoạt động phải được giám sát, quản lý, có đăng ký khu vực hoạt động, người lái phương tiện cũng phải được đào tào, cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, do đây là loại hình phục vụ vui chơi, giải trí nên đơn vị quản lý, khai thác phải có chuyên môn, văn hóa ứng xử, thậm chí phải lập ra những hiệp hội để tổ chức, quản lý.
Bến du thuyền Lan Anh (phường Bình An, TP.Thủ Đức) vẫn chỉ được cấp phép hoạt động đưa rước khách nội bộ
Đề cập đến việc thí điểm quản lý du thuyền của TP.HCM, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đề xuất này chỉ mang tính chất ngắn hạn, giải quyết nhu cầu thực tiễn tạm thời trong khi chờ quy hoạch tổng thể bến bãi ven sông.
Theo ông Sơn, việc phát triển giao thông thuỷ (trong đó có du thuyền) sẽ góp phần khai thác tiềm năng của sông nước. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể để quản lý du thuyền, vì vậy cần sớm có hành lang pháp lý để tổ chức quản lý, làm sao không ảnh hưởng chung đến hoạt động đảm bảo ATGT đường thông thuỷ.
“Ngoài việc quy hoạch, quản lý số lượng, hoạt động du thuyền, TP.HCM cũng nên chú trọng đến đảm bảo giá trị cảnh quan sông Sài Gòn, tránh việc phát triển tự phát, chắp vá, nhếch nhác. Hiện nay chúng ta chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý du thuyền, vì vậy nên tham khảo các nước tiên tiến trên thế giới. Việc cấp phép cho hoạt động du thuyền nên xem xét không quá “mở”, tránh tình trạng nhà nhà xin cấp phép mở bến, mua phương tiện”, chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý nhà nước, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay mới có quy định bến thuỷ nội địa dành cho phương tiện kinh doanh (buýt sông, tàu cao tốc) đưa đón khách, chưa có hướng dẫn nào về quy định bến neo đậu du thuyền. Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM chỉ đang cấp tạm cho một số bến thuỷ nội địa phục vụ cho du thuyền vận chuyển hành khách nội bộ.
“Quan điểm của Sở GTVT TP.HCM là nên thiết lập vùng nước neo đậu đối với những hộ gia đình, cá nhân có du thuyền theo nhu cầu thực tế. Không nên đòi hỏi về mặt quy hoạch, chỉ cần các bến neo đậu không ảnh hưởng đến tuyến luồng giao thông thuỷ và hàng hải để người dân được sử dụng phương tiện đúng theo quy định. Cũng như các cơ quan lý có cơ sở kiểm tra, kiểm soát”, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói.
Nguồn: Tạp chí Giao thông Vận tải