Tại Hà Nội, số đầu tiên của chuỗi talkshow đa nền tảng "Humans of Tourism" (tạm dịch: Những người làm du lịch) vừa ra mắt, thu hút sự tham gia và quan tâm của nhiều chuyên gia trong ngành, các hướng dẫn viên, giảng viên, sinh viên, đại diện doanh nghiệp lữ hành cũng như công chúng yêu thích du lịch.

Sự kiện tạo không gian chia sẻ thông tin và đối thoại bổ ích cho những ngành nghề khác trong trong lĩnh vực du lịch.
Lấy cảm hứng từ mô hình kể chuyện "người thật, việc thật" có sức lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua và đặc biệt thu hút giới trẻ, "Humans of Tourism" ra đời nhằm tôn vinh những con người thầm lặng đứng sau bức tranh rực rỡ của ngành du lịch Việt Nam. Qua đó, chương trình mong muốn khắc họa chân dung đa chiều, chân thật và truyền cảm hứng về những người đã, đang và sẽ góp phần làm nên bản sắc du lịch Việt.
Dự kiến chương trình sẽ có 2 số mỗi tháng, không chỉ là tọa đàm trực tiếp mà còn bao gồm đa dạng loại hình như podcast dài kỳ, video ngắn, hình ảnh và các bài viết chuyên sâu trên các kênh truyền thông, mạng xã hội...
Theo chị Lò Kim Tuyến, đại diện Ban tổ
chức, mỗi mùa của “Humans of Tourism” sẽ mang đến một lát cắt khác nhau
về nhân sự trong ngành du lịch, từ hướng dẫn viên, điều hành tour, nhân
sự ngành khách sạn-nhà hàng, lái xe, thuyền trưởng, đầu bếp, cho đến
những người khởi nghiệp trong ngành.
Cô gái 9x dân tộc Thái đến từ tỉnh Điện
Biên có ý tưởng sáng lập chương trình sau hơn 10 năm gắn bó với du lịch,
trải qua nhiều vị trí khác nhau, trong đó có điều hành dự án Tada Tours
– tour trải nghiệm văn hóa Tây Bắc từng gây tiếng vang.
Tại talkshow đầu tiên với chủ đề "Chuyện nghề hướng dẫn viên", 3 góc nhìn riêng đến từ các chuyên gia trong ngành du lịch đã cho thấy một điểm chung: sự chân thành không chỉ là phẩm chất đáng quý mà còn là nền tảng sống còn để người làm nghề có thể đi xa.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) là người từng đồng hành với nhiều thế hệ sinh viên, luôn đau đáu câu hỏi: Làm sao để những người trẻ không chỉ chọn nghề du lịch như một “phương án tạm thời”, mà còn thực sự xem đây là một sự nghiệp xứng đáng để nỗ lực và gắn bó lâu dài.
Anh chia sẻ: “Nghề hướng dẫn viên du lịch vẫn là một nghề mang tính chất freelance–tự do, khi phần lớn các hướng dẫn viên hiện nay không trực thuộc biên chế cố định của công ty du lịch nào. Họ giống như những ‘cánh chim tự do trên bầu trời’, bay đi giữa các đoàn khách, các hành trình, và cũng mang trong mình rất nhiều câu chuyện".

Khán giả trẻ quan tâm đến công việc hướng dẫn viên du lịch đặt câu hỏi tại sự kiện.
Tuy nhiên, diễn giả này cũng nhấn mạnh chính sự tự do ấy cũng đồng thời phản ánh thực trạng rằng nghề hướng dẫn viên hiện nay vẫn đang thiếu một "vòng kim cô" – tức là thiếu những chuẩn mực nghề nghiệp đủ rõ ràng và được áp dụng đồng bộ. Dù cơ quan quản lý đã ban hành các tiêu chuẩn như yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên, và gần đây kỳ vọng có thêm năng lực ngoại ngữ… thì trên thực tế, những yêu cầu ấy vẫn chưa thực sự được áp dụng thành quy chuẩn ràng buộc trong toàn ngành.
Tình trạng hướng dẫn viên "chui", hướng dẫn viên không đạt chuẩn, hoặc thiếu kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp... đôi khi vẫn xảy ra khiến dư luận bất bình, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Còn theo chị Phạm Thị Hà Thu, đại diện Red Coral Travel, hướng dẫn viên muốn được công ty lữ hành tin tưởng hợp tác lâu dài không chỉ cần giỏi chuyên môn mà điều quan trọng hơn cả là sự chỉn chu, chân thành, sẵn sàng cho đi trước khi đòi hỏi được nhận lại. Ở góc độ doanh nghiệp, bên cạnh chiến lược kinh doanh, cần chú trọng xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên – những người trực tiếp tạo nên trải nghiệm cho khách hàng và giữ uy tín cho thương hiệu.

Các hướng dẫn viên chia sẻ câu chuyện cá nhân và động lực theo nghề.
Diễn giả Nguyễn Thế Anh (Brian), hướng dẫn viên có gần 20 năm kinh nghiệm và được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đánh giá cao, thẳng thắn đề cập đến những vấn đề như thu nhập của hướng dẫn viên còn chưa tương xứng công sức, hiện nay trung bình là 500-700 nghìn đồng/ngày, dù làm việc với cường độ cao và bất kể giờ giấc. Nghề hướng dẫn viên đòi hỏi sức khỏe nên người trẻ có ưu thế, song cũng nhiều bạn trẻ phải bỏ nghề chỉ sau vài năm vì không đủ sống...
Hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng đồng thời là người thầy "thực chiến" của khá nhiều nhân sự trẻ cho rằng "hãy coi khách hàng như chính người thân trong gia đình của mình”, đó không phải là lời hô hào sáo rỗng mà thực sự tôn trọng khách hàng chính là tôn trọng bản thân mình cũng như đối tác.
Đại diện nhóm hướng dẫn viên trẻ, diễn giả Nguyễn Văn Hải (Harry) chia sẻ những câu chuyện vấp váp, khó khăn của bản thân khi mới vào nghề, song cũng khẳng định hướng dẫn viên nếu có đam mê, trách nhiệm, không ngừng học hỏi thì sẽ tiến bộ rất nhanh và được các công ty lữ hành săn đón.
Anh cũng đánh giá cao việc chương trình đã tạo diễn đàn cởi mở để mỗi người làm nghề được lắng nghe, được trân trọng và khơi dậy niềm tự hào với công việc mình đã chọn theo đuổi, gắn bó.
Nắm bắt thị hiếu công chúng hiện đại và cũng để các giá trị nội dung lan tỏa rộng rãi, "Humans of Tourism” sẽ được phát hành trên các nền tảng số phổ biến như YouTube, Facebook, Instagram, TikTok, Spotify. Sau chuyện của hướng dẫn viên sẽ lần lượt là các số về công việc back-office (điều hành, bán tour, đặt vé...), chuyện nhân sự ngành lưu trú, chuyện những người vận chuyển, văn hóa ẩm thực kể chuyện (đầu bếp, người pha chế...), chuyện giấc mơ start-up du lịch.
Những người thực hiện hy vọng chuỗi chương trình này sẽ góp phần kết nối những người tâm huyết với du lịch từ khắp mọi miền đất nước, tạo ra một cộng đồng nơi mỗi tiếng nói đều có giá trị – dù là một hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm, một nhân viên hậu trường ít ai biết mặt, hay một người trẻ đang bắt đầu lại từ đầu.
Với tinh thần đổi mới sáng tạo, chương trình khuyến khích những sáng kiến và kinh nghiệm thực tế, mang lại giá trị bền vững cho du lịch trong kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và thách thức.
Mỹ Hạnh
Nguồn: Báo Nhân Dân