Những trải nghiệm "có một không hai"
Đầu tháng tư này, rừng nguyên sinh Cúc Phương
(Ninh Bình) đón thêm những “cư dân” trở về. Trong sự hồi hộp quan sát
của hơn 20 du khách, khi cánh cửa lồng sắt mở ra, một con cầy gấm di
chuyển rất nhanh và biến mất dưới tán rừng xanh. Khoảnh khắc ấy là điểm
nhấn của tour “Về nhà”, sản phẩm du lịch độc đáo của Vườn quốc gia Cúc
Phương.
Ra mắt từ tháng 3/2021, tour “Về nhà” cho phép du khách
được chứng kiến và tham gia vào quy trình tái thả động vật hoang dã sau
cứu hộ. Đây không chỉ là một trải nghiệm du lịch mà còn là hành trình
đồng hành với công tác bảo tồn thiên nhiên, một công việc vốn đòi hỏi
quy trình nghiêm ngặt, chi phí lớn và tâm huyết bền bỉ từ đội ngũ chuyên
môn. Sau khi được cứu hộ và chăm sóc đủ điều kiện, các cá thể sẽ được
thả về rừng nguyên sinh.
Nhiều năm qua, hàng trăm đợt tái thả đã
được thực hiện với hàng nghìn động vật thuộc nhiều loài khác nhau. Theo
Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính, mục tiêu cao nhất
của công tác cứu hộ là đưa động vật trở lại môi trường tự nhiên. Tour
“Về nhà” giúp lan tỏa thông điệp đó một cách trực tiếp, dễ chạm tới cảm
xúc của công chúng, từ đó lan tỏa tinh thần du lịch có trách nhiệm với
thiên nhiên và động vật hoang dã.
“Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai chứng
kiến khoảnh khắc những động vật được trở lại với rừng đều có cảm xúc
đặc biệt; từ đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc
bảo vệ động vật hoang dã không chỉ trong khi tham gia du lịch mà còn cả
trong đời sống hằng ngày”, du khách Phan Văn Tùng chia sẻ.
Vườn
quốc gia Cúc Phương cũng là một điểm đến thiên nhiên nổi bật trong thời
điểm mùa hè với tour “Tham quan bằng xe điện xem đom đóm và động vật
hoang dã ban đêm”; mang đến cho du khách trải nghiệm tìm hiểu về nhiều
loại động vật hoang dã sinh sống, kiếm ăn ở môi trường tự nhiên vào ban
đêm, như: Hươu, nai, tê tê, cầy vằn, cầy mực, mèo rừng, rái cá, culi...
Du
lịch có trách nhiệm với thiên nhiên đã hình thành tại nhiều vườn quốc
gia, như: Cúc Phương, Phú Quốc, Cát Tiên, Núi Chúa, Cát Bà, Ba Bể, Yok
Đôn, Pù Mát… hay các khu bảo tồn thiên nhiên như Pù Luông (Thanh Hóa),
Sơn Trà (Đà Nẵng)... Ngày 10/4 vừa qua, lần đầu tiên Vườn quốc gia Côn
Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) công bố mở tour du lịch bảo tồn thiên nhiên dài ngày tại các đảo nhỏ thường xuyên có rùa biển lên đẻ trứng, gồm: Hòn Bảy Cạnh, Bãi Dương, Hòn Tài và Hòn Cau.
Giám
đốc Ban quản lý Nguyễn Khắc Pho cho biết, nhận thấy xu hướng du lịch
trải nghiệm, sống giữa thiên nhiên và tham gia trực tiếp quá trình bảo
tồn hệ sinh thái tự nhiên ngày càng nhiều, Vườn quốc gia Côn Đảo đã
nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng để cho ra đời tour dài từ 5-10 ngày, dự
kiến sẽ có 10 tour trong mùa hè 2025.
Trước chuyến đi, du khách
sẽ được tập huấn để hiểu về hệ sinh thái đặc biệt của Côn Đảo, về các
nguyên tắc bảo tồn và cả kỹ năng sinh tồn cơ bản. Tham gia tour, hằng
ngày khách sẽ cùng lực lượng kiểm lâm dọn dẹp bãi biển, chuẩn bị cọc và
bảng đánh dấu tổ rùa, vệ sinh hố ấp trứng. Buổi tối, sẽ cùng tham gia
tuần tra, canh gác vùng biển có rùa đẻ, hỗ trợ đo đạc và di dời ổ trứng
lên khu vực ấp, thả rùa con về biển…
Cần sự phối hợp liên ngành
Quản
lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa
dạng sinh học để phát triển du lịch bền vững là mục tiêu quan trọng
trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đây là loại
hình du lịch mà lợi nhuận được chia sẻ cho cộng đồng địa phương, đồng
thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và góp phần bảo
tồn văn hóa, sinh cảnh và các loài hoang dã.
Tuy nhiên, triển
khai các tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã
không đơn giản. Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn
quốc gia Cúc Phương Phạm Kiên Cường cho biết, tái thả động vật phải bảo
đảm nguyên tắc bảo tồn nghiêm ngặt để tránh gây nguy hiểm cho du khách.
Kinh
phí cứu hộ, bảo tồn, tái thả lại lớn trong khi thiết kế tour cần nghiên
cứu kỹ lưỡng, không thể cạnh tranh bằng giá rẻ. Nếu không tổ chức bài
bản, loại hình du lịch này có thể tạo áp lực lên môi trường sống tự
nhiên của động vật. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bên: Doanh
nghiệp du lịch, kiểm lâm, nhà khoa học và chính quyền địa phương.
Các
chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các tour du lịch gắn với bảo tồn sẽ
được nâng cao chất lượng, đa dạng hoạt động thể chất và mở rộng cho đối
tượng gia đình có trẻ nhỏ. Một thí dụ tiêu biểu là chương trình “Voọc
ơi, mình đi đâu thế?” tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) kết hợp giáo dục và
trải nghiệm thiên nhiên theo dấu loài voọc chà vá chân nâu tiếp tục
thành công trong năm 2025.
Nhà bảo tồn linh trưởng Bùi Văn Tuấn,
Giám đốc Công ty Hivooc khẳng định, giá trị đa dạng sinh học tại Sơn
Trà và nhiều khu bảo tồn khác cần được nâng tầm thông qua du lịch và
giáo dục phù hợp. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường),
các vườn quốc gia mang về hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ dịch vụ du lịch
rừng - nguồn lực quan trọng cho bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho
người dân địa phương.
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng
sinh học có giá trị quốc gia và toàn cầu với gần 180 khu bảo tồn là điểm
đến giàu tiềm năng cho du lịch trải nghiệm và giáo dục. Thúc đẩy du
lịch dựa vào thiên nhiên gắn với bảo tồn động vật hoang dã là xu hướng
tất yếu và cần thiết cho phát triển bền vững trong thời gian tới.
Mỹ Hạnh - Đỗ Hiên
Nguồn: Báo Nhân Dân