Khoảng những năm 1990 của thế kỷ trước hình ảnh những chiếc xe khách, xe đò, xe lam quen thuộc gắn liền với con người Việt. Những phương tiện này là phương tiện chủ yếu giúp bà con có thể di chuyển những quảng đường xa.
Xe đò thời ấy
Người miền Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện.
Những chiếc xe khách chở thêm một đống xe đạp và người trên nóc, bến xe Đà Nẵng năm 1992.
Thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ.
Một xe khách cỡ nhỏ chở nước giải khát được chuyển lên nóc xe từ một chiếc xích lô, bến xe Đà Nẵng 1992.
Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động.
Xe khách chất đầy các lồng tre đựng gà vịt “leo” lên phà ở bến phà Bính, Hải Phòng năm 1991.
Xe lô có gì khác so với xe đò?
Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.
Chiếc xe lên sau chở thêm lợn, người và rất nhiều chiếu cói.
Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình. Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị đánh phá, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát.
Phà rời bến với hai xe khách “siêu tải trọng”, bến phà Bính 1991.
Ðường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi.
Xe khách trên Quốc lộ 1, từ Tam kỳ đi Đà Nẵng, 1991.
“Núi” hàng trên một chiếc xe, trên đường đi Đà Nẵng, 1991.
Chiếc xe này không còn chỗ trong khoang, hành khách phải đeo bám bên ngoài và ngồi trên nóc, trên đường đi Đà Nẵng, 1991.
Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.
Những chuyến xe chạy dọc đất nước
Xe lam nhỏ bé cũng không chịu thua kém xe khách về hiệu suất tải hàng. Khung cảnh trên phố Hàng Khoai, đối diện chợ Đồng Xuân, Hà Nội năm 1993.
Bến xe thị xã Cao Bằng năm 1993. Tất cả xe khách ở đây đều được “độn” thêm hàng hóa trên nóc.
Một xe khách đang “găm hàng”, trên đường từ Đà Lạt đến Buôn Ma Thuột, 1992.
Xe khách “siêu trọng” tại một bến xe trên tuyến đường từ Buôn Ma Thuột qua Pleiku đến Quy Nhơn, 1992.
Một chiếc xe nhỏ ọp ẹp cũng chở thêm người và hàng trên nóc, trên đường từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, 1993.
Chuyến xe khách “quá tải” với hàng chục thanh niên trên nóc xe, trên đường từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, 1993.
Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ.
Tổng hợp