“Cây đa, giếng nước, sân đình” - bộ ba cấu thành nên hình ảnh truyền thống của làng quê thuần Việt xưa kia. Trong đó, đình làng giữ vị trí trung tâm, nơi tụ họp sinh hoạt cộng đồng, không gian thiêng gắn liền với việc tế lễ, thờ tự. Bởi vậy, nó được xem như “biểu tượng”, niềm tự hào của người dân mỗi làng. Tuy nhiên, với sự phát triển của đời sống hiện đại, quá trình đô thị hóa khiến cho cấu kết làng quê dần thay đổi.
Từ niềm tự hào di sản đình làng đến câu chuyện bảo tồn vốn không phải
sự dễ dàng và thực tế cũng đã, đang đặt ra không ít thách thức. Trong tổng số hơn 1.500 di tích văn hóa lịch sử, danh thắng, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học... trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, di sản đình làng chiếm số lượng tương đối lớn. Theo đó, tính đến cuối năm 2018, có 120 di tích đình làng đã được xếp hạng (cấp quốc gia, cấp tỉnh), bên cạnh đó còn một số di tích đình làng đã được kiểm kê. Dù mang trong mình sự khác biệt bởi yếu tố quan niệm thẩm mĩ và đôi bàn tay người nghệ nhân song, đình làng luôn là vẻ đẹp và ý nghĩa của trung tâm biểu tượng văn hóa làng truyền thống.
Đình làng là không gian văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư.
Đình làng xứ Thanh
Theo một số tài liệu, khởi nguồn, đình vốn là nơi dừng nghỉ của người dân địa phương cũng như khách bộ hành qua làng. Đến cuối thế kỷ XV, vua Lê lần đầu tiên cho xây dựng “Quảng Văn đình” là nơi để người dân đánh trống kêu oan và ban bố, giảng giải các chính sách của Nhà nước phong kiến tại kinh đô Thăng Long. Đình làng với chức năng hội họp của cộng đồng dân cư và thờ Thành hoàng chỉ thực sự bắt đầu hình thành vào thời Lê sơ và dần định hình vào thời Lê Trung hưng, hoàn chỉnh ở thời Nguyễn. Như vậy, đó thực sự là cả quá trình rất dài, trải qua liên tục hàng trăm năm.
Lý giải về nguồn gốc thời gian xuất hiện đình làng, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa cho rằng: Nếu truy về chức năng ban đầu của đình làng xưa kia là nơi hội họp công việc của người dân thì điều kiện lí tưởng để đình làng manh nha xuất hiện là vào thời Hồ. Bởi dưới thời Trần, đất đai được nhà nước phong kiến phân chia cho thân vương quý tộc, quan lại... theo kiểu thái ấp điền trang, thuộc sở hữu tư nhân, người dân chủ yếu đi làm công. Sau khi nắm quyền, Hồ Quý Ly đã tiến hành hàng loạt cải cách về quân sự, chính trị, kinh tế... trong đó, đặt ra phép hạn điền - hạn chế việc sở hữu ruộng tư. Trừ đại vương và trưởng công chúa, tất cả mọi người từ quý tộc đến thứ dân đều bị hạn chế số ruộng tư, khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Mức thuế đối với ruộng đất công làng xã được giảm hạ, phù hợp với người nghèo, tạo điều kiện cho nông dân có ruộng... Những cải cách của Hồ Quý Ly đã cơ bản làm suy sụp tầng lớp quý tộc nhà Trần và nền kinh tế điền trang, tăng cường thế lực kinh tế Nhà nước Trung ương. Đồng thời, gián tiếp tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp làng xã. Từ đây, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư làng xã cũng phát triển. Và đình làng manh nha xuất hiện từ đó.
Với xứ Thanh, các di tích đình làng được đánh giá xuất hiện muộn hơn so với đình làng Bắc bộ. Căn cứ vào nhiều nguồn cứ liệu: Thần tích, thần sắc, đặc điểm kiến trúc điêu khắc, hoa văn chạm trổ... các nhà nghiên cứu phần nhiều đồng thuận: phải đến cuối thời nhà Lê, đặc biệt sang thời nhà Nguyễn thì hệ thống di sản đình làng trên địa bàn xứ Thanh mới thực sự được đồng thời khởi dựng. Bởi vậy, trong các loại cấu trúc đình làng (chữ “Nhất”, chữ “Nhị”, chữ “Đinh”) thì cấu trúc kiểu chữ “Đinh” chiếm số lượng lớn. Cùng một số đình làng mang kiến trúc Lê - Nguyễn thì phần lớn các di tích mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn.
Nếu so sánh về quy mô, nhìn chung đình làng xứ Thanh không bề thế, rộng lớn như đình làng ngoài Bắc. Điều này bên cạnh yếu tố điều kiện kinh tế của người dân mỗi vùng miền thì tư duy, tập quán cũng quyết định quy mô đình làng của người dân đồng bằng sông Mã. Vậy nên dân gian xứ Thanh vẫn còn lưu truyền câu ca nổi tiếng “Đình huyện Tống, trống huyện Nga, nhà huyện Hậu”. Ở đó, đình huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) được đánh giá là bề thế, quy mô và độc đáo kiến trúc hơn cả. Có thể, ngoài sự quan tâm của vua Nguyễn với vùng đất quý hương thì chính niềm tự hào là quê hương của vua, chúa nhà Nguyễn đã thúc đẩy người dân xây dựng nên những công trình đình làng giá trị: đình Gia Miêu; đình Động Bồng; đình Thượng Phú...
Không gian văn hóa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng
Đình làng không phải là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh duy nhất của người dân xưa. Nó tồn tại song hành với chùa và đền trong một không gian làng xã truyền thống, cùng bổ trợ nhau phát triển. Như cách mà “tam giáo đồng nguyên” đã tồn tại ở Việt Nam nói riêng, các nước Á Đông nói chung. Trong đó, đình làng là biểu tượng tâm linh của văn hóa cộng đồng. Tại đây, thường diễn ra các nghi lễ tâm linh: rước sắc, tế lễ, thờ tự...
Thực tế nguồn gốc ra đời của đình làng đã chứng minh, khởi phát đình làng xuất hiện đơn thuần là nơi hội họp việc làng của người dân địa phương. Nhưng với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá” và sự phát triển của đạo Nho, mà ở đó là sự biết ơn, tri ân những người có công với đất nước, nhân dân, làng xã khiến cho việc đưa thờ tự vào trong đình làng dần trở thành nhu cầu thiết yếu. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với đạo lí uống nước nhớ nguồn của người Việt tự ngàn đời.
Từ không gian sinh hoạt cộng đồng trở thành không gian văn hóa tâm linh tín ngưỡng có thể xem là cả quá trình thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển tự nhiên. Theo đó, hầunhư các đình làng đều thờ Thành hoàng làng (thần hoàng) và trở thành tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Vậy Thành hoàng là ai? Đó có thể là “Thiên thần, Nhiên thần và Nhân thần” với các danh hiệu khác nhau: Đương cảnh Thành hoàng; Bản cảnh Thành hoàng; Bản thổ Thành hoàng. Và đến ngày nay, từ sử liệu lưu lại, hậu thế dễ nhận thấy, duệ hiệu “Đương cảnh Thành hoàng” được phong với số lượng lớn.
Theo truyền thuyết và lưu truyền dân gian, Thành hoàng là người (thần) có công giúp đất nước, nhân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm; có công lập làng, lập ấp; truyền dạy nghề; hay hiển linh phù trợ đấng quân vương, người dân trong những sự kiện quan trọng... Để mỗi khi đất nước gặp nạn, bên cạnh việc kêu gọi nhân dân cùng đoàn kết cố gắng thì triều đình trên đường đánh giặc, qua mỗi vùng đất thường dừng lại lập đàn tế cầu xin các vị Thành hoàng làng ở địa phương giúp đỡ. Và điều này đã được minh chứng trong những truyền thuyết, câu chuyện về Thành hoàng thờ ở di tích đình Phú Khê; Bảng Môn đình (Hoằng Hóa...). Sau khi khải hoàn, nhà vua sẽ ban sắc phong cho Thành hoàng cùng những bổng lộc cho người dân trong làng. Sắc phong cho Thành hoàng làng được vua ban sẽ được dân làng tổ chức đón rước, lưu giữ cẩn trọng và xem như báu vật của làng.
Với người dân mỗi làng quê, Thành hoàng là vị thần che chở, giúp đỡ, phù trợ về đời sống tinh thần, điểm tựa tâm linh. Mỗi làng đều có một vị Thành hoàng riêng, nhưng cũng có thể có cùng lúc thờ tự nhiều vị Thành hoàng (Hoằng Lộc), hay như nhiều vị thần lại cùng lúc được người dân ở nhiều địa phương tôn là Thành hoàng (Vĩnh Lộc, Yên Định) ngày nay vẫn duy trì tục thờ Thành hoàng Trịnh Ra (72 nơi thờ).
Với niềm tin tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, đình làng xưa kia không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của làng theo kiểu xuân thu nhị kì, mà mỗi gia đình khi có việc hệ trọng đều ra đình cầu xin Thành hoàng phù trợ. Thành hoàng thuộc về thế giới tâm linh với quyền uy siêu nhiên. Vì có công mà được nhân dân suy tôn, gửi gắm sự kì vọng chở che, phù trì bảo hộ. Thông qua việc thờ phụng Thành hoàng làng và những sinh hoạt làng xã tại đình làng đã góp phần cố kết, tạo mối liên hệ mật thiết trong cộng đồng dân cư.
Là không gian văn hóa cộng đồng, nên ở đình làng xưa kia, bên cạnh việc diễn ra các nghi lễ tâm linh thì còn có những sinh hoạt văn hóa lễ hội; văn hóa, văn nghệ dân gian... Cũng vì những giá trị ấy mà đình làng của người Việt nói chung, người dân xứ Thanh nói riêng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa làng truyền thống.
Nguồn: vanhoadoisong.vn