Chùa Đọi Sơn (còn gọi là chùa Long Đọi Sơn hay Sùng Thiên Diên Linh Tự) là một ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Chùa nằm trên đỉnh núi Đọi, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chùa có từ thời Ý, còn lưu giữ được những cổ vật có giá trị văn hóa và nghệ thuật rất cao của lịch sử tín ngưỡng Việt Nam.
Nguyên tên chữ của chùa là Sùng Thiện Diên Linh Tự, được xây
dựng từ đời vua Lý Thánh Tông, nằm trên đỉnh núi Đọi, với độ cao 79m so với mặt
nước biển. Ban đầu, chùa chỉ được xây dựng với quy mô nhỏ. Đến năm 1118, đời
vua Lý Nhân Tông, chùa được xây dựng bề thế, với tháp Sùng Thiện Diên Linh đã
được xây dựng với ý nghĩa cầu thiện.
Quần thể di tích Long Đọi Sơn có kiến trúc khang trang,
khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2. Tương truyền, dưới thời Lý chùa mang tên
là Long Đội Sơn, đến thời Hậu Lê đổi tên là Đọi Sơn.
Mặt bằng chùa rất rộng, lưng tựa vào núi Điệp với ba dòng
sông uốn khúc bao quanh. Ngôi chùa hiện chùa còn giữ được nhiều di vật quý như:
tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện; 6 pho tượng Kim Cang Hộ pháp bằng đá,
cao 1,60m; bia đá Diên Linh (dựng năm 1121), cao 2,88m, rộng 1,40m và dày
0,29cm, đặt trên đế đá chạm rồng, hình chạm khắc và hoa văn trang trí trên bia
mang đậm phong cách thời Lý; 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm, bề ngang
30cm.
Quanh chân núi có 9 giếng nước tự nhiên mà dân gian gọi là
chín mắt rồng. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ra bốn phía, khung cảnh khoáng đạt,
nên thơ, có cánh đồng lúa, bãi ngô, ruộng khoai mượt mà, tươi xanh, chân núi có
dòng Châu Giang quanh co lượn khúc như dải lụa đào uốn quanh.
Chùa Đọi thời Lý xếp hạng là “ Đại danh lam ” kiêm hành
cung, thời Pháp từng được liệt vào hạng các cổ tích danh thắng để bảo vệ. Nét đặc
biệt nhất của quần thể di tích chùa Đọi Sơn phải kể đến là ngôi chùa và cây
tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông xây dựng năm Hội Tường Đại
Khánh thứ 9 (1118), khởi công vào tháng 5 đến mùa thu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2
(1121) thì được hoàn thành. Tháng 3 năm Nhâm Dần (1122) nhà vua mở hội khánh
thành chùa tháp.
Tương truyền, chùa Long Đọi Sơn nằm trên thế đất Cửu Long. Đứng
trên đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con sông chạy về giống như 9 con rồng. Mắt rồng
là 9 cái giếng hiện nằm xung quanh dãy núi Đọi trong các khu dân cư dưới chân
núi. Chùa quay về hướng Nam, theo hình thế: "Đầu gối núi Đọi, chân đạp Tuần
Vường, phát tích đế vương lưu truyền vạn đại".
Chùa do vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì
năm 1054- 1072) và Vương phi Ỷ Lan (năm 1044- 1117) chủ trì xây dựng từ năm
1054 với quy mô nhỏ.
Đến năm 1118, đời vua Lý Nhân Tông (hoàng đế thứ 4 triều Lý,
trị vì năm 1072- 1128), chùa được xây dựng bề thế, trong đó có tháp Sùng Thiện
Diên Linh. Trong giai đoạn này, chùa còn có cả vai trò như một hành cung của
hoàng gia (cho vua, hoàng gia cư trú trong thời gian đi lễ hội).
Đầu thế kỷ 15, quân Minh xâm lược đã phá huỷ chùa và tháp.
Riêng bia Sùng Thiện Diên Linh vì không phá nổi, giặc đã hất đổ xuống núi.
Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi. Ngay cổng chính trước
tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - ấn tích Phật giáo huy
hoàng thời Lý, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bia do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác và sai Thượng
thư Bộ hình Nguyễn Công Bật soạn văn bia, viết chữ để khắc là Thượng thư Bộ
công Lý Bảo Cung. Bia được khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước khắc chữ Hán, nội
dung ca ngợi công lao tài trí của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt
trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước, phản ánh triết lý duyên
khởi của Phật giáo, tình hình Phật giáo thời Lý…
Mặt sau bia ghi việc tu sửa chùa vào thời vua thứ 5 nhà Mạc,
việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang và khắc bài
thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân
dịp nhà vua đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa. Sau nhà bia là tòa Tam bảo, rồi
đến chùa chính gồm 6 gian.
Mãi tới cuối thế kỷ 16, vào năm 1591 đời nhà Mạc, tức là gần
170 năm sau, nhân dân địa phương mới "dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà và
những chỗ tường hư hỏng, làm cửa xây tường khiến cho sau hơn 500 năm, một nơi
thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ" (Bài văn khắc mặt sau bia
Sùng Thiện Diên Linh).
Ngôi chùa cũng đã từng trải qua rất nhiều lần tu bổ vào các
triều Hậu Lê, Mạc, Nguyễn. Lần tu bổ lớn nhất là vào thời Nguyễn, quy mô chùa
trên 100 gian lớn, nhỏ,.
Vào đời Nguyễn năm 1860, chùa Đọi Sơn được sửa sang lại Nghi
môn, Tam bảo, Nhà tổ, thiết kế kiểu nội công ngoại quốc. Đến năm 1864, chùa lại
tiếp tục sửa Tả mạc, Hữu mạc thờ thập bát La Hán, đúc tượng Di Lặc, đúc khánh đồng
và tạc khánh đá, xây dựng nhà Tổ, nhà Khách, Tăng phòng… tất cả có 125 gian.
Từ đây, chùa Đọi Sơn trở thành trường Bắc Kỳ Phật giáo, nơi
in ấn và lưu hành nhiều bộ kinh Phật. Sau đó chùa Đọi Sơn lại bị phá huỷ và được
phục dựng lại vào năm 1957.
Chùa Đọi Sơn nằm trên đỉnh núi, tựa vào núi và xây dựng theo
các bậc thềm theo độ dốc núi.
Quần thể chùa bao gồm: Tam quan và bậc thang lên núi; Nghi
môn, Nhà bia, Tam bảo và các công trình phụ trợ.
Cảnh quan xung quanh nhìn từ chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Phối cảnh tổng thể quần thể chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Phối cảnh khu Tam bảo, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Tam quan và Bậc thang lên núi
Tam quan nằm dưới chân núi. Từ Tam quan có 373 bậc đá dẫn
lên đỉnh núi.
Tam quan chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Đường bậc lên chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Nghi môn và Nhà bia
Nghi môn nằm trên bậc thềm hay sân đầu tiên của chùa. Nghi môn có 5 gian với kiểu kiến trúc chồng diêm 8 mái. Trong sân có một bàn cờ người, rộng khoảng 50m2, là nơi đấu
cờ khi có lễ hội.
Phía sau Nghi môn, đi theo bậc thang lên đến bậc thềm thứ
hai. Chính giữa sân là Nhà bia, bên trong có tấm bia Sùng Thiện Diên Linh nổi
tiếng. Văn bia nguyên có tên là Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên
Linh tháp bi. Nội dung bài văn bia ca ngợi công lao tài trí của vua Lý Nhân
Tông trong việc giữ, dựng nước và thể hiện triết lý của vương triều thời bấy giờ
về sự hòa hợp giữ Phật đạo và Thần đạo Việt Nam.
Nghi môn nhìn từ ngoài vào, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Nghi môn nhìn từ bậc thềm thứ nhất với bàn cờ người, chùa Đọi
Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Từ sân sau Nghi môn có đường bậc dẫn lên bậc thềm thứ hai,
chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Nhà đặt bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà
Nam
Di tích bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà
Nam
Trang trí rồng thời Lý trên bệ bia Sùng Thiện Diên Linh,
chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Trang trí rồng thời Lý trên cạnh của bia Sùng Thiện Diên
Linh, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Hai bên nhà bia có đường bậc lên bậc thềm thứ ba - sân Tam Bảo,
chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Tòa Tam bảo
Sau Nhà bia có bậc thang dẫn lên bậc thềm thứ ba, là nơi bố
trí tòa Tam bảo. Hai bên sân có hai tòa Tả và Hữu mạc. Bên trong đặt tượng Thập
bát La Hán.
Tòa Tam bảo quay mặt về hướng Nam, có hình chữ T hay hình
chuôi vồ, gồm tòa Bái đường và tòa Chính điện.
Tòa Bái đường gồm 7 gian. Tòa Chính điện 3 gian, là nơi thờ
chư Phật và các vị Hộ pháp. Tại đây có pho tượng Di Lặc bằng đồng nặng 1 tấn,
được đúc vào năm 1864.
Kết cấu của Tam bảo là hệ thống vì kèo theo kiểu chồng rường,
giá chiêng; cột kê lên chân đá tảng dạng cổ bồng.
Phía sau tòa Chính điện là 3 tòa tạo thành chữ U với sân
trong, gồm khu thờ Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử, Đức Địa Tạng…và những nhân
vật triều Lý có công với đất nước và xây dựng ngôi chùa, như Lý Thường Kiệt, Lý
Nhân Tông, vương phi Ỷ Lan...; Khu Thờ tổ, Giảng đường và Nhà khách. Bên phải
chùa là điện Mẫu.
Chùa Long Đọi Sơn còn lưu giữ được 6 trong số 8 tượng Kim
Cương bên trong Sùng Thiện Diên Linh.
Tượng bằng đá sa thạch nguyên khối, kích thước cao bằng người
thật, mặc trang phục theo lối võ quan: Mũ có chỏm tròn trên đỉnh; áo giáp trụ
bó sát người xuống tận dưới đầu gối.
Tòa Bái đường, Tam bảo chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Bên trong tòa Bái đường, Tam bảo chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà
Nam
Ban thờ Tổ, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Bốn trong số 6 pho tượng Kim Cương bên trong Sùng Thiện Diên
Linh còn lưu giữ được tại chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Vườn Tháp mộ
Phía Tây Nam chùa là vườn Tháp mộ, hiện còn lưu giữ được 37
tháp mộ với nhiều kích thước khác nhau được xây dựng vào thời Nguyễn. Đây là vườn
tháp mộ cổ kính và hiếm thấy còn ở các ngôi chùa hiện nay.
Vườn Tháp mộ, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Bia Sùng Thiện Diên Linh
Trong chùa, trước kia có tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tháp
vuông 4 mặt, gồm 13 tầng với 40 ô cửa. Tất cả các cửa vách đều chạm rồng, bên
trong treo chuông đồng. Ngoài tầng đế và hai tầng trên không có cửa, còn lại 10
tầng mở cửa cả 4 phía. Tầng đế đặt tượng Phật Như Lai, bốn cửa có 8 vị Kim
Cương đứng hộ vệ. Tầng trên đặt hộp vàng xá lỵ, trên nóc có tượng tiên nữ bưng
mâm ngọc. Tháp đã bị phá hủy hoàn toàn.
Tàn tích bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh phía sau chùa được
khai quật khám phá vào năm 2001. Một số kết quả khai quật:
Nền sử dụng gạch vuông màu đỏ tươi, xếp khít không có chất kết
dính, diện tích có thể đến hàng trăm m2.
Móng rộng 1,95m, chiều dài
còn lại gần 5m, được xây bằng gạch không có vữa.
Tàn tích thân tháp cho thấy tháp xây dựng bằng đá sa thạch
không vữa với nhiều chi tiết chạm khắc phong phú như hình tượng tiên nữ, vũ nữ
đầu người mình chim, múa cùng dàn nhạc, rồng, phượng, hoa lá (cúc sen), mây nước…
Các di tích hiện vật tại tháp Sùng Thiện Diên Linh cho thấy
nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo, phản ánh mỹ thuật và kỹ thuật (trong đó công nghệ
xây dựng không cần vữa) thời Lý đạt đến đỉnh cao rực rỡ.
Hiện trong tháp chỉ còn lưu giữ được bia Sùng Thiện Diên
Linh. Bia cao 2,88m, rộng 1,40m, dày 0,3m.
Hình tượng mỹ thuật trên bia có thể chiêm ngưỡng từ bốn phía
(các bia khác chỉ chiêm ngưỡng mặt trước, mặt sau).
Bệ bia là khối đá chạm bốn con rồng uốn khúc.
Trên trán bia là hai con rồng đặc trưng thời Lý chầu vào giữa
tên bia “Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi." Các
hình rồng này đã được trang trí lặp lại trên diềm bia với một kích thước nhỏ
hơn.
Trên mặt bia, hình tượng rồng, mây, sóng nước, hoa, lá…được
thể hiện nội dung phong phú…
Bia được khắc chữ cả hai mặt với nhiều nội dung. Trong đó có
nội dung nói về cuộc đời, sự nghiệp của vua Lý Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt;
và các nội dung phản ánh triết lý chung của xã hội bắt đầu được định hình vào
thời nhà Lý. Đó là sự hòa hợp sâu rộng giữa Phật đạo (ngoại nhập) gắn với đức
tin mang tính sâu xa về nhân loại, vũ trụ và Thần đạo bản địa (nội sinh) gắn với
niềm tin mang tính hiện thực về quốc gia, thiên nhiên và cộng đồng cư dân nông
nghiệp. Từ đây, triết lý cốt lõi này lan tỏa và định hình tôn giáo, tín ngưỡng
của cư dân các triều đại Việt tiếp theo.
Ngoài ra, văn bia còn là những tư liệu lịch sử quý về nghệ
thuật điêu khắc, kiến trúc xây dựng chùa Một Cột, Đoan Môn, Cấm Thành tại kinh
đô Thăng Long và nghệ thuật múa rối nước...
Tháng 4/2014, bia Sùng Thiện Diên Linh đã được công nhận là
Bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Hố khai quật tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Đọi Sơn, Duy
Tiên, Hà Nam
Tượng Tiên nữ đầu người mình chim thể hiện sự giao thoa văn
hóa giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý, chùa Đọi Sơn,
Duy Tiên, Hà Nam.
Tượng đôi uyên ương, tìm được trong hố khai quật tháp Sùng
Thiện Diên Linh, chùa Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Quần thể chùa Đọi Sơn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng
bậc nhất của tỉnh Hà Nam. Vào lễ hội, ngày 21/3 âm lịch hàng năm, chùa thu hút
hàng vạn khách thập phương về đây tham quan, tế lễ.
Chùa Đọi Sơn, Duy Diên, Hà Nam ghi dấu các sự kiện lịch sử về
tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn đến tiến trình lịch sử của dân cư vùng đồng
bằng Bắc Bộ; Di tích chùa là một trong những quần thể công trình kiến trúc, nghệ
thuật tiêu biểu thời Lý.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn: Bộ môn KTCN/Đại học Xây Dựng