Đình, Miếu làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, thờ phụng Câu Mang Đại vương, Tam Thánh Tản Viên, bát vị hậu thần và bát vi tiên sinh đã có công khai hoang mở đất.
Di tích có tên gọi là đình làng Côi Trì, vì đình được xây dựng
và phát triển ở địa phận làng Côi Trì, tên gọi này được gọi theo tên địa danh cổ
của làng (làng Côi Trì xưa).
Ngoài ra, di tích còn có tên gọi khác là đình Tây vì đình nằm
ở phía Tây của làng Côi Trì. Căn cứ Văn bản số 930/UBND-VHTT ngày 13 tháng 8
năm 2019 của UBND huyện Yên Mô về việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa
cấp tỉnh đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ và ý kiến của địa phương, thống nhất tên
gọi cho di tích là đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô. [1] Địa danh Côi
Trì được gọi từ năm 1473, trích Lịch sử Đảng bộ xã Yên Mỹ 1930-2010, năm 2013,
trang 6.
Di tích có tên gọi là đình làng Côi Trì, vì đình được xây dựng
và phát triển ở địa phận làng Côi Trì, tên gọi này được gọi theo tên địa danh cổ
của làng (làng Côi Trì xưa).
Ngoài ra, di tích còn có tên gọi khác là đình Tây vì đình nằm
ở phía Tây của làng Côi Trì.
Căn cứ Văn bản số 930/UBND-VHTT ngày 13 tháng 8 năm 2019 của
UBND huyện Yên Mô về việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ và ý kiến của địa phương, thống nhất tên gọi cho
di tích là đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô.
Di tích hiện nay nằm trên địa bàn xóm 3 (thuộc làng Côi Trì
xưa), xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Xã Yên Mỹ ngày nay nằm ở phía Đông Nam huyện Yên Mô, phía Bắc
giáp xã Yên Hưng, phía Tây giáp xã Yên Thành, phía Nam giáp xã Yên Mạc, phía
Đông giáp xã Yên Phong, Yên Từ, Yên Nhân.
Theo cuốn “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19”, vùng đất có
di tích thuộc xã Côi Trì, huyện Yên Mô, đạo Thanh Bình. Năm 1822, đổi đạo Thanh
Bình thành đạo Ninh Bình. Năm 1829, đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình. Năm
1831, đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. Di tích thuộc xã Côi Trì, huyện
Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Côi Trì thuộc xã Yên Mạc,
huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Năm 1956, chia tách 8 xã thành lập 15 xã mới, di tích thuộc
xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Năm 1976, hợp nhất 2 tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành một
tỉnh lấy tên là Hà Nam Ninh. Năm 1977, 9 xã phía bắc huyện Yên Khánh hợp nhất với
huyện Yên Mô và thị trấn Tam Điệp thành lập huyện Tam Điệp[2].. Di tích thuộc
xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Hà Nam Ninh.
Tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Năm 1994, tái
lập huyện Yên Khánh, đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô như trước đây. Từ
đó đến nay, di tích thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Đình làng Côi Trì thờ phụng Thành hoàng làng là thần Câu
Mang Đại vương, có công phù giúp nhân dân an cư lạc nghiệp. Đồng thời,
Đình thờ cúng, tưởng niệm tám vị hậu thần
và tám vị tiên sinh có công với vùng đất.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,
di tích là một trong những căn cứ bí mật của cách mạng, nơi cất giữ vũ khí và
lương thực phục vụ cho cách mạng. Tại di tích còn lưu giữ được những tư liệu,
hiện vật quý như: nhang án, bài vị, bát hương, bia đá, đá chiếm xạ…đồ thờ tự bằng
gỗ, sứ, đá có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa.
Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị của
di tích; căn cứ các tiêu chí xếp hạng di tích quy định tại Điều 11 Nghị định
98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hóa, xác định đình làng Côi Trì thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa.
Thần Câu Mang: Trong bài vị có ghi Câu Mang Hoàng đế Dực bảo
Trung Hưng Hộ quốc An dân Thượng Thượng Thượng tôn thần.
Căn cứ theo tài liệu về di tích đền Nội, thị trấn Yên Ninh,
huyện Yên Khánh, thần Câu Mang là thiên thần. Trước đây ở xã Yên Mạc (huyện Yên
Mô) có gia đình một người nông dân sống rất hòa thuận nhưng nghèo khó. Hàng
ngày phải ra sông mò cua bắt ốc, cất vó bè làm kế sinh nhai. Thấy gia đình người
nông dân chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó, một thiên thần đã giáng
thế vào nhà ông.
Một lần, khi ông cất vó bè ra bến sông nhấc vó lên thì trong
vó không có một con tôm hay con cá. Đang buồn chán thì ông thấy có khúc gỗ thuận
theo dòng nước chảy trôi vào vó. Ông dùng hết sức đẩy khúc gỗ ra, nhưng càng đẩy
ra càng thấy trôi vào.
Thấy lạ, ông lẩm nhẩm khấn rằng: “xin ngài linh thiêng phù hộ
độ trì cho con cất được nhiều tôm cá. Nếu được như lời cầu khẩn thì con sẽ rước
ngài về phụng sự”. Vừa dứt lời, từ bốn phía cá tôm theo nhau vào vó, ông bắt
không xuể. Thấy linh ứng, ông vớt khúc gỗ về thờ.
Cũng trong thời gian này, trong làng gặp rất nhiều khó khăn
hoạn nạn, hao người tốn của, lòng người hoang mang lo lắng. Nghe đồn thần linh
thiêng nên dân làng đã lập miếu nhỏ để thờ thần. Kể từ đó dân làng làm ăn thịnh
người, vượng của, thuần phong mỹ tục phát triển.
Một hôm, có người nông dân ở Yên Ninh đi bán dưa ở xã Yên Mạc,
bán cả ngày nhưng không ai mua. Nghe tin ngôi đình linh thiêng, người nông dân
nọ đã đến cầu và khấn rằng: “Xin ngài hiển linh phù hộ cho con bán được nhiều
dưa. Con cúi đầu đội ơn ngài, ghi lòng tạc dạ không dám quên”. Quả nhiên, sau lời
khấn bán dưa rất chạy.
Người nông dân bèn thuật lại việc làm của mình với dân làng ở
Yên Ninh. Cư dân bản xã đều khâm phục, họ sửa lễ đến nơi thờ thần để xin rước
chân nhang thần về thờ.
Nhìn chung qua các nguồn tư liệu, có thể thấy vị thần này là
một Nhiên thần, theo quan niệm dân gian đây là vị thần giúp cho nhân dân cầu được
cuộc sống ấm no. Ngoài vùng đất xã Yên Mỹ có thờ thần Câu Mang, trên địa bàn tỉnh
Ninh Bình hiện nay có đền Nội ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh; đình Cam
Giá, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình; đình Thượng làng Xuân Thành, xã
Tân Thành, huyện Kim Sơn cũng thờ vị thần này.
2. Bát vị hậu thần:
Hiện nay trong đình có thờ bài vị của 8 vị hậu thần
- Ngô tướng công, tự Nghĩa Sơn, giữ chức Đặc tiến phụ quốc
Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Đô đốc chỉ huy sứ ty đồng trấn điện, lý vực đại thần.
Theo gia phả họ Ngô (xóm Mỹ Thắng) lập năm 1859 thì Thượng
tướng quân Cẩm Y vệ Ngô Công Lược tự Nghĩa Sơn, người huyện Vọng Doanh, phủ
Nghĩa Hưng (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), năm Hồng Đức nguyên niên (1470)
vâng chiếu chiếm xạ (khai hoang) ruộng đất huyện Yên Mô, xây dựng nhà cửa ở
đây, đặt tên là Côi Đàm (sau đổi thành Côi Trì).
- Ninh tướng công, tự Thuần Phụ, thụy Nhã Hiên, đỗ Đồng tiến
sĩ khoa Kỷ Hợi, giữ chức Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, lý vực đại thần.
Theo tài liệu lưu giữ tại nhà thờ Ninh Địch, cụ Ninh Đạt tự
Thuần Phụ, thụy Nhã Hiên, hậu duệ của dòng họ Ninh. Khoa thi năm Kỷ Hợi niên hiệu
Vĩnh Thọ (1659) ông đỗ Tiến sĩ, giữ chức Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, hiện vẫn
còn bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám ghi lại những người đỗ Tiến sĩ trong thời
gian này.
- Quan phụ ấm phong Đông các học sĩ Ninh tướng công, tự Hoằng
Nghị, thụy Cảnh Trực, lý vực đại thần.
Theo tài liệu lưu giữ tại đền thờ Ninh Địch, Cụ Ninh Hoằng
Nghị sinh năm 1665, mất năm 1746, tên húy là Lệnh, tự Anh Hiền, hậu duệ đời thứ
7 của dòng họ Ninh, từng thi đỗ hương cống, sau này làm quan tri huyện ở Quảng
Bình. Cụ có con trai là Ninh Địch đỗ Hoàng giáp, sau làm quan đến chức Đông các
Đại học sỹ nên được ấm phong, cụ là Hậu thần của làng được thờ tại đình làng
Côi Trì.
- Ninh tướng công, tự Ngọc Đường, thụy Thông Mẫn, đỗ Chánh
tiến sĩ khoa Mậu Tuất, giữ chức Đốc thị xứ Nghệ An, thăng Đông các đại học sĩ,
tặng Hàn lâm viện thừa chỉ, lý vực đại thần.
Theo tài liệu lưu giữ tại nhà thờ Ninh Địch[5], cụ Ninh Địch
tên húy là Sắc, tự là Địch, hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ Ninh, làm quan thời
Lê sơ. Cụ Ninh Địch sinh năm 1687, mất năm 1734. Khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu
Vĩnh Thịnh (1718), ông đỗ Hoàng giáp (đệ nhị Tiến sĩ xuất thân), giữ các chức Bố
chánh, Phó đốc thị xứ Nghệ An, thăng triều liệt đại phu. Năm 1733, ông được
phong Đông các Đại học sỹ, tặng Hàn lâm viện thừa chỉ.
- Quan phụ ấm phong Hàn lâm viện thị độc Vũ Vân hầu Ninh tướng
công, hiệu Dã Hiên, tự Hy Tăng, thụy Đại Định tiên sư, Anh dực Địch triết Cư
nhân An nghĩa Anh đoạn Hùng nghị Đại vương.
Theo tài liệu lưu giữ tại đền thờ Ninh Tốn, cụ Ninh Ngạn,
thân sinh ra cụ Ninh Tốn, tên hiệu là Dã Hiên, Hy Tăng cư sĩ, hậu duệ đời thứ 8
của dòng họ Ninh. Cụ sinh năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1716) và mất
năm Tân Sửu (1781), thọ 67 tuổi. Bài vị thờ cúng cụ tại nhà thờ Ninh Tốn[6] ghi
“có ấm phong Hàn lâm viện thị độc”, cụ có con trai là Ninh Tốn đỗ Tiến sĩ nên
được ấm phong, cụ là Hậu thần của làng được thờ tại đình làng Côi Trì.
- Ninh tướng công, hiệu Chuyết Sơn đạo nhân, tự Hy Chí, thụy
Nhân văn, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, chức Đặc tiến kim tử vinh lộc thượng đại
phu thị trung đãi chiếu Thượng thư, [tước] Trường Nguyên hầu, Quốc vực đại thần.
Theo tài liệu lưu giữ tại đền thờ Ninh Tốn[8], thì cụ Ninh Tốn
tự là Khiêm Như, sau đổi là Hy Chí, tên hiệu là Mẫn Hiên, Chuyết Sơn cư sĩ,
Song An cư sĩ, hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Ninh. Ông sinh năm 1743, chưa rõ
năm mất. Khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778) ông thi đỗ Tiến
sỹ. ông làm quan đến chức Binh bộ thượng thư tước hầu.
- Nghĩa dũng Lý vực đại thần.
- Trung văn Lý vực đại thần
Đây là hai quan tả, hữu của Thượng tướng Ngô Công Lược, người
giúp việc đắc lực giúp cho Ngô Công Lược trong quá trình khai hoang ruộng đất
huyện Yên Mô.
3. Bát vị tiên sinh
Bài vị thờ tại di tích có ghi họ tên của bát vị tiên sinh.
Trong số 89 vị chiếm xạ (những người đến khai khẩn đầu tiên vùng đất này), có 8
người được phong là tiên sinh, là những người ưu tú nhất, góp công góp lực lãnh
đạo công cuộc mở vùng đất mới.
Những vị đầu tiên đến khai khẩn đất hoang (chiếm xạ) xuất
thân là dân nghèo, trong 89 vị chiếm xạ có 1 quan lại là đức ông Ngô Công Lược,
2 vị điền chủ là Nguyễn Điểm, Phạm Nhân Lão, 1 thầy đồ là ông Ninh Doãn Trung, 3 binh lính là Tạ Lỗi,
Nguyễn Đại, Ngô Liệt, 82 người còn lại là đều là nông dân nghèo. Tất cả các vị
chiếm xạ chủ yếu đến từ vùng đất Nam Định, 4 người đến từ hai xã Nộn Khê và
Trinh Nữ, huyện Yên Mô. 8 người được tôn vinh là tiên sinh gồm:
- Nguyễn Điểm, Phạm Nhân Lão, Tạ Lỗi, Trần Thái, Nguyễn Đàn
(Dân) quê ở huyện Đại An (nay là huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
- Ninh Doãn Trung, Vũ Đằng, Nguyễn Quyết quê ở huyện Vọng
Doanh (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Vào giữa thế kỷ XV, vùng đất Côi Trì là khu sa bồi ven biển,
biển vẫn sát phía Đông làng.
Công cuộc khai hoang lập làng Côi Trì được tiến hành theo
phương thức chiếm xạ[10]. Gia phả họ Ngô (xóm Mỹ Thắng) lập năm 1859 có ghi:
“thủy tổ Ngô Công Lược làm Cẩm y vệ sĩ, người huyện Vọng Doanh, phủ Nghĩa Hưng,
năm Hồng Đức nguyên niên (1470) vâng chiếu chiếm xạ ruộng huyện Yên Mô, xã Yên
Mô, dựng nhà cửa ở đấy đặt tên là Côi Đàm (sau đổi là Côi Trì)”. Tài liệu này cho
biết ông cùng với ông Phạm Nhân Lão, Nguyễn Điểm là những nhà giàu có ở huyện Đại
An (nay là Nghĩa Hưng) xuất tài lực chiêu mộ dân nghèo để khai khẩn theo phép
chiếm xạ.
Bia Hoàng Giáp công bản truyện, năm 1781 chép: thủy tổ họ
Ninh húy là Doãn Trung người Ninh Xá, huyện Vọng Doanh năm Hồng Đức nguyên niên
cùng con là Doãn Trinh, hưởng ứng chiếu nhà vua chiếm xạ ấp này.
Ngoài ra Đình còn phối thờ: Nhị vị chúa bản phương, thờ Công
đồng. Miếu Côi Trì thờ phụng Tam Thánh Tản Viên
Tam Thánh Tản Viên là
những vị thần linh thiêng trong tâm linh dân tộc Việt, các thư tịch cổ ghi nhận
rất sớm, tiêu biểu kể đến các sách: Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích
quái, Việt sử lược, An Nam chí lược, Đại Việt sử kí toàn thư, Dư
địa chí, Kiến văn tiểu lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
v.v… Trong các tài liệu dẫn ở trên, Tam vị Thánh Tản đều là vị thần núi, nghĩa
là nhiên thần. Từ sau thế kỷ XIV, các ngài được dân gian nhân cách hóa thành
nhân thần có lý lịch, quê quán, chức sắc đầy đủ và chi tiết.
Truyền thuyết về Tam vị Thánh Tản có rất nhiều dị bản. Các bản
ngọc phả còn lưu giữ ở nhiều nơi trên đất Ninh Bình tóm lược về thân thế của
các ngài như sau: Tản Viên Sơn Thánh (Tuấn công) cùng với Cao Sơn (Sùng công)
và Quý Minh (Hiển công) là ba anh em con chú con bác, quê ở động Lăng Xương,
huyện Gia Hưng, tỉnh Hưng Hoá, đạo Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Năm 13
tuổi, cha mẹ qua đời, cả ba anh em đều sang làm con nuôi cho bà Ma Thị. Tuấn
công được Thái Bạch Thiên Tinh ban cho gậy thần, Long Vương trả ơn bằng sách ước,
lại được bà mẹ nuôi Ma Thị giao tất cả núi non trên đất liền. Tuấn Công phân
non sông làm đôi, bên tả cho Sùng công gọi là Tả Khiên thần, bên hữu cho Hiển
công gọi là Hữu Khiên thần. Từ đó nhân dân gọi các ông là Tam Thánh Tản.
Ba anh em Tản Viên là những người đã có nhiều công lao giúp
vua Hùng Duệ vương đánh đuổi giặc Thục. Tuấn Công được vua Hùng phong chức Ngũ
Đạo Đại Tướng hình án Nguyên Suý, quyền trưởng thuỷ bộ hai dinh, sau gia phong
là Quốc chủ. Sùng công được ban chức Tả Đô Đài Đại phu, lại gia phong là Cao Sơn
Đại vương. Hiển công được ban chức Hữu Đô Đài đại phu, sau gia phong là Quý
Minh Đại vương.
Sau khi đánh thắng nhà Thục được vua Hùng ban thưởng, ba ông
bái tạ rồi xin đi chu du thiên hạ. Tản Viên Sơn Thánh về trời vào ngày 20 tháng
10 âm lịch. Cao Sơn và Quý Minh ở đất Vân Cái, An Lão nghe tin vua Hùng và Sơn
Thánh đều hoá, liền mời các phụ lão đến ban cho 6 hốt vàng để chi phí chi tiêu
thờ cúng vua Hùng và Sơn Thánh. Sau đó, hai ông về động Lăng Xương, trấn Quảng
Phúc, phường Nghi Tàm. Quý Minh bị phong hàn và mất ở đó vào ngày 23 tháng 10
âm lịch. Nhân dân an táng ông ở phía tây phường Nghi Tàm và cho lập đền thờ.
Sáu ngày sau, Cao Sơn về động Long Vân tế tổ tiên, lên núi, tự nhiên thấy trời
đất tối tăm rồi mất ở đó.
Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Tam vị Thánh Tản
luôn được triều đình và nhân dân sùng phụng, núi Tản Viên (khu vực núi Ba Vì)
được coi là núi tổ, trấn sơn, cấm địa của cả nước. Miếu làng Côi Trì
thờ các ông với ý nghĩa để khắc ghi ơn đức của các ông đánh đuổi giặc ngoại xâm
và che chở cho nhân dân được thịnh vượng, sung túc.
Di tích trong các thời kỳ kháng chiến:
Người dân Côi Trì, xã Yên Mỹ vốn có truyền thống yêu nước,
tình thần đấu tranh bất khuất chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai nên khi thực
dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình, nhân dân địa phương đã tham gia và ủng hộ phong
trào kháng Pháp.
Nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh chống
Pháp của những văn thân yêu nước, phong trào đấu tranh chống sưu thuế của phát
xít Nhật (1944). Có thể nói, những cuộc đấu tranh trên chính là tiền đề, là cơ
sở cho những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc rất sôi nổi, mạnh mẽ trong
thời gian sau.
+ Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954): Đình là
địa điểm hội họp của các đoàn thể kháng chiến, là căn cứ hoạt động của dân quân
du kích địa phương và nơi hoạt động của các chiến sỹ cách mạng. Đình là nơi tổ
chức lớp học văn hóa cho con em trong vùng.
Năm 1947 đến năm 1948: là Bệnh viện dã chiến (nhà thương) tạm
thời của Quân khu III.
Từ năm 1950 đến năm 1955: Hậu cung của đình là nơi cất giữ
lương thực, vũ khí trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
+ Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975):
Đình làng Côi Trì là cơ sở phục vụ các hoạt động công cộng của
làng xã, địa điểm đình làng tiếp tục được nhân dân tu sửa vừa là nơi hội họp,
tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước
vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Di tích là kho lưu trữ của Quân khu III, nơi đón tiếp thương
binh, nơi tập trung, đưa tiễn con em trong làng Côi Trì lên đường làm nhiệm vụ
chống Mỹ cứu nước, bảo vệ tổ quốc.
Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1970: Miếu thờ Tam vị
Thánh Tản (nằm trong khuôn viên di tích) là cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh đình Côi Trì
Ngày nay, đời sống kinh tế của nhân dân phát triển, di tích
ngày càng giữ vị trí quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của nhân dân, trở
thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, là cầu nối
để đưa con em xa quê trở về với quê cha đất tổ, nơi họ đã sinh ra và lớn lên.
Làng Côi Trì (xưa) là một nơi giàu truyền thống văn hóa và
cách mạng, tại đây còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc,
phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của nhân dân. Hàng năm, tại di tích diễn ra
các hoạt động văn hóa, lễ hội chính như sau (tính theo Âm lịch):
1. Lễ Đầu năm (kết hợp ngày tế Yến lão): ngày 14 tháng
Giêng. Lễ cầu năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, cầu quốc thái dân
an. Đây cũng là dịp để dân làng mừng các cụ thọ từ 70 tuổi trở lên.
Nghi thức tế yến lão tổ chức tại di tích là một hình thức
sinh hoạt văn hóa giàu truyền thống, bày tỏ sự kính trọng các bậc cao niên, tôn
sùng đạo hiếu, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
2. Tết Đoan ngọ: ngày 5 tháng 5: nhân dân trong xóm tổ chức
tế lễ.
3. Lễ Thượng điền: ngày 15 tháng 7: nhân dân trong xóm tổ chức
tế lễ.
4. Lễ cơm mới: ngày 10 tháng 9: nhân dân trong xóm tổ chức tế
lễ.
5. Ngày kỵ Tản Viên Sơn Thánh: ngày 20 tháng 10: nhân dân
trong xóm tổ chức tế lễ.
6. Lễ Tất niên (kết hợp ngày kỵ thánh): ngày 25 tháng 12:
nhân dân trong xóm tổ chức tế lễ.
7. Lễ Trừ tịch (đêm giao thừa): Đêm cuối tháng 12, nhân dân
trong vùng tới tế lễ, tổ chức đón giao thừa tại di tích.
Lễ hội truyền thống (tổ chức ngày 10 tháng 3): ngày mùng 9
tháng 3, nhân dân trong làng dọn dẹp khuôn viên di tích, lau rửa các đồ thờ tự,
sắp xếp đồ lễ.
Lễ hội được tổ chức bao gồm 02 phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ:
- Lễ rước kiệu: diễn ra vào buổi sáng ngày mùng 10, kiệu được
rước từ chùa về đình tế, sau đó xuống miếu của các xóm lân cận, cuối cùng quay
về chùa. Đoàn kiệu có đội tế và đội bát âm đi cùng. Khoảng 10 giờ trưa, tiến
hành tế lễ tại đình, có văn tế kèm theo hát chúc văn.
- Lễ dâng hương: diễn ra vào buổi sáng ngày mùng 10, có đội
tế nam quan và đội tế nữ quan, các đoàn thể và nhân dân vào dâng hương.
- Lễ tạ: tổ chức vào buổi chiều ngày mùng 10.
Phần hội được diễn ra sôi nổi, phong phú với nhiều trò chơi
dân gian như: cờ người, chọi gà, bắn nỏ, đánh đáo, đấu vật, biểu diễn văn nghệ…
Ngoài các lễ chính như trên, vào ngày rằm, mùng một hàng
tháng, các lễ tiết trong năm, nhân dân quanh vùng đến thắp hương cầu may.
Đình làng Côi Trì nằm trong không gian văn hoá làng quê
thanh bình. Phía trước di tích có ao, xung quanh trồng các loại cây xanh, là
nơi tụ thủy, lưu phúc. Các kiến trúc được xây dựng hài hòa, tạo cảnh quan đẹp
và thâm nghiêm. Di tích tọa lạc trên mảnh đất rộng, thoáng đãng với diện tích
2,504m2. Đình hướng Nam, Miếu hướng Tây.
Cổng Đình có kiến trúc kiểu nghi môn, cổng giữa xây dựng kiểu
trụ biểu, trên thân đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán, phía trên đỉnh trang trí
nghê chầu, 2 cửa bên nhỏ hơn kiến trúc có mái, ngoài cùng là 2 cột trụ biểu nhỏ,
phía trên đỉnh trang trí búp sen bằng sứ. Tiếp theo là Sân đình, vườn cây cảnh.
Miếu thờ Tam Thánh Tản Viên, Đại Đình.
Đình làng Côi Trì được xây dựng theo kiểu chữ Nhị gồm tòa Tiền
tế và Hậu cung mang phong cách kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn.
Toà Tiền tế gồm 5 gian, gian chính điện đặt ban thờ Công đồng,
ngoài ra còn có các đồ tế khí: bộ bát bửu, giá chiêng, giá trống, chuông, lọng,
ngựa thờ. Tòa Tiền tế cũng là nơi hội họp của dân làng trong những dịp chuẩn bị
tế lễ.
Từ Tiền tế vào Hậu cung có một khoảng sân nhỏ. Chính giữa
sân đặt bát hương đá và hai cây đèn đá.
Toà Hậu cung 3 gian, tường hồi bít đốc. Hậu cung là nơi đặt
ban thờ thần Câu Mang, bát vị hậu thần, bát vị tiên sinh, nhị vị chúa bản phương.
Hiên Hậu cung đặt ban thờ Công đồng.
Tòa Tiền tế và Hậu cung có kiến trúc nhà ở truyền thống của
người Việt, mái lợp ngói vẩy. Mái Tiền bái cao hơn mái Hậu cung. Hiên tòa Hậu
cung theo kiểu chồng rường con nhị, các con nhị được kết nối với hệ thống cột gắn
liền với ngưỡng cửa. Hiên được đỡ bởi 4 cột gỗ.
Tòa Tiền tế có 4 vì kèo bằng gỗ lim, kiểu thượng rường hạ kẻ.
Các cấu kiện hoành, xà, rui, mè đều bằng gỗ tứ thiết. Hậu cung cũng có 3 bộ vì
kèo bằng gỗ lim, kiểu chồng rường con nhị. Các cấu kiện hoành, xà, rui, mè đều
bằng gỗ tứ thiết.
Tòa Tiền tế có 4 hàng cột bê tông giả gỗ kê chân tảng đá
vuông. Trên các cột có treo câu đối chữ Hán.
Hiên Hậu cung có 4 cột gỗ được xây dựng cân đối, tạo ra 3 ô
cửa tương ứng với 3 gian nhà Hậu cung. Các cột đều được làm bằng gỗ có tiết diện
tròn, trên thân cột có vẽ trang trí rồng, vân mây, đặt trên chân đá tảng.
Hậu cung: có 3 hàng cột, mỗi hàng 2 cột gỗ lim chân kê tảng
đá, một hàng cột gắn vào ngưỡng cửa tạo thành hệ thống cánh cửa.
Tòa Tiền tế 5 gian nhà được xây dựng cân đối, 3 gian giữa
không có cửa, để thông phong trước và sau, hai gian bên có hai cửa sổ nhỏ hình
tròn chữ thọ.
Toà Hậu cung: 3 gian nhà tương ứng với ba cửa ra vào, đóng hộc
ô, nẹp chỉ đều đặn. Cánh cửa bằng bằng gỗ lim, sơn son, cửa chân quay, then cài.
Các mảng chạm khắc được thể hiện trên các bẩy, kèo ngoài
hiên Hậu cung, ván mê, vì kèo ở tòa Tiền bái và Hậu cung, hệ thống cửa võng của
cả hai tòa. Các đường nét chạm khắc tinh xảo, hài hòa với không gian của di
tích, đề tài chạm khắc chủ yếu là tứ linh, tứ quý, rồng, vân mây, sóng nước…Đặc
biệt, toàn bộ tòa Hậu cung được sơn son, các cấu kiện như ván mê, các bức cốn,
câu đầu được sơn son thếp vàng, các cột gỗ được vẽ trang trí các họa tiết rồng
cuốn, vân mây.
Đình làng Côi Trì trải qua nhiều lần tu bổ song vẫn giữ được
nét kiến trúc cổ kính thời Nguyễn, các cấu kiện kiến trúc được trang trí cân đối,
hài hòa trong từng bố cục công trình, các mảng hoa văn chạm khắc tinh xảo có
giá trị về mặt thẩm mỹ và văn hóa.
Miếu thờ Tam vị Thánh Tản:
Miếu được xây dựng theo kiểu Tiền đao hậu đốc, mang phong
cách kiến trúc thời Nguyễn với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo. Toàn bộ miếu được
bố cục theo kiểu chữ Nhất, gồm 3 gian nhà chạy dọc, tường hồi bít đốc. Mái lợp
ngói vẩy.
Miếu có 4 bộ vì kèo bằng gỗ lim, 2 bộ vì giữa kiểu chồng rường
con nhị, hai bộ vì đầu, cuối kiểu ván mê. Các cấu kiện hoành, xà, rui, mè đều bằng
gỗ tứ thiết. Có 5 hàng cột, mỗi hàng 4 cột gỗ lim chân kê đá tảng, một hàng cột
gắn vào ngưỡng cửa để lắp bộ cửa. Ba bộ cửa bức bàn có cánh gỗ lim, sơn son, chân
quay, then cài,. Ngưỡng cửa bằng gỗ, cao 0,35m.
Xuất phát từ những giá trị của di tích, thể theo nguyện vọng của nhân dân và đề nghị của các cấp chính quyền địa phương tại Văn bản số 930/UBND-VHTT ngày 13 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Mô về việc đề nghị xếp hạng di tích đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ; Căn cứ vào những giá trị khoa học, lịch sử của di tích, phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hoá và Thể thao) phối hợp với địa phương lập hồ sơ khoa học, trân trọng đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt xếp hạng di tích, tỉnh Ninh Bình xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng đình làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Yên Mô