Đình Thụy Hà tọa lạc tại thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, thờ phụng thành hoàng là Cao Sơn Đại vương và các vị bộ tướng Hỗn Độn, Áp Quán và Tá phụ Minh Thiên. Cao Sơn Đại vương là thần chủ.
Cao Sơn Đại vương là em và là tướng thân cận của Sơn Thánh Tản Viên, cùng với Quý Minh Đại vương dẫn binh đánh nhà Thục Phán bảo vệ triều đại Hùng Vương và có công trị bệnh cứu dân, được nhân dân tôn vinh và thờ phụng.
Thần Cao Sơn còn là một trong “Thăng Long tứ trấn”. Hai vị thần Hỗn Độn và Áp Quán là bộ tướng phò tá Cao Sơn. Tá phụ Minh Thiên sống vào thế kỷ VI dưới thời Hậu Lý Nam Đế, có công trấn giữ hai bờ sông Như Nguyệt, đánh bại quân Lương xâm lược. Sau khi đất nước yên bình, ông tiếp tục bảo vệ dân làng, diệt trừ hổ dữ, góp công trong buổi đầu lập ấp tại Thụy Hà.
Đình Thụy Hà được xây dựng từ thời Lê. Trong khuôn viên đình còn có chùa Thụy Hà – tên chữ là Tổ Long tự. Toàn bộ cụm di tích đình – chùa Thụy Hà nằm trong không gian thoáng đãng, hài hòa với cảnh quan làng quê, tạo nên tổng thể kiến trúc truyền thống đặc sắc.

Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá phản ánh trình độ nghệ thuật và văn hóa của thời kỳ Lê – Nguyễn. Các hiện vật nổi bật bao gồm kiệu, long ngai, bài vị, hương án, cửa võng,… được chạm khắc công phu, thể hiện rõ sự tài hoa của các nghệ nhân xưa. Đặc biệt, đình hiện còn lưu giữ 5 đạo sắc phong thần, đạo sớm nhất mang niên hiệu Minh Mệnh 21 (1840), là minh chứng xác thực cho niên đại và vị thế của di tích trong lịch sử địa phương.
Hàng năm, lễ hội đình chùa Thụy Hà được tổ chức từ ngày mồng 8 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội, trong đó đặc biệt có nghi lễ “rước Đám Dậm”, nghi thức độc đáo tái hiện chiến công của Thành hoàng làng Cao Sơn Đại vương. Nghi lễ bao gồm rước đám từ đình đến địa danh Đám Dậm, tổ chức lễ “cướp gươm” – biểu tượng chiến thắng giặc ngoại xâm.
Chiều ngày mồng 8 tháng Giêng, các dòng họ trong làng rước tổ ra đình tế thần, tổ chức hội mừng chiến thắng. Đến tối ngày 13 tháng Giêng, lễ xuất tích được tổ chức trang trọng, các dòng họ đốt đuốc rước tổ về từ đường làm lễ nghênh hoài vị, kết thúc lễ hội truyền thống.
Đình Thụy Hà đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật vào năm 2006.
Nguồn: Người Hà Nội