Đình Tiến Ân thuộc địa phận xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thờ phụng Tam vị Đại vương đã phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và phù giúp các triều đại sau này đánh giặc ngoại xâm.
Đình Tiến Ân toạ lạc ở trung tâm của làng, quay về hướng tây
nam nơi có con sông Bùi uốn lượn chạy quanh chứa đựng một kho tàng truyền thuyết
về “Tam vị đại vương”, những vị anh hùng có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp
loạn 12 sứ quân cứu nước, mà nhân dân thôn Tiến Ân đã tôn thờ các ngài là Thành
hoàng làng.
Thủa ấy, ở thời Đinh, tại động Hoa Lư, có người họ Đặng tên
Hương lấy người họ Tạ. Ngày 6 tháng 3, năm Giáp Ngọ, bà sinh ra một bọc, được
hai người con trai tướng mạo khác thường, thiên tư sáng suốt. Ông bà đặt tên
cho con Đống Thính và Chiêu Pháp.
Năm 18 tuổi, ông bà nối nhau qua đời. Sau đó, Đống Thính và
Chiêu Pháp đến trang Đăng Ân và cư trú tại đây, ngày đêm học tập và luyện tập
võ nghệ. Lúc bấy giờ, có loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh là sứ quân mạnh nhất,
hai ông liền cùng thân binh gia nhập và được trọng dụng.
Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua.
Hai ông xin trở về nơi cũ và cho mổ bò để ăn mừng, mời phụ lão nhân dân cùng
các đệ tử trong trang đến dự. Một thời gian sau, các ngài hoá vào ngày mùng 5
tháng 6 âm lịch.
Cả hai đã nhiều lần hiển linh giúp dân cứu nước, được các đời
đế vương gia phong mỹ tự. Những lần hiển linh này đều được ghi rõ lại bằng Hán
văn trong thần phả của làng như âm phù giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng thắng
quân xâm lược nhà Tống (980-981) và giúp vua Trần đánh giặc Nguyên Mông sang
xâm lược nước ta.
Đến khoảng niên hiệu Thái Bình, nhà Tống mang 20 vạn quân
xâm lược nước ta. Khi ấy, Lê Đại Hành tự hành quân đến phủ Quốc Oai thì dừng
binh. Vua mới làm lễ cầu thần linh âm phù đánh giặc, khi thắng giặc, vua gia
phong cho vị thứ ba là Đương cảnh Thành hoàng Dực phù hộ quốc Dương uy dũng cảm
Anh nghi minh triết Đại vương.
Thần phả có đoạn viết: "Đến thời Trần Thái Tông, quân
Nguyên Mông sang xâm lược nước, Kinh thành Thăng Long bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn
phụng mệnh vua cầu đảo bách thần ở các đền thiêng. Khi đến ngôi đền thờ ba vị đại
vương ở đây cũng có linh ứng âm phù đánh giặc. Sau khi đánh thắng giặc, vua gia
phong cho ba ngài mỹ tự là Phổ tế cương nghị Anh linh. Ban sắc cho trang Đăng
Ân trùng tu miếu điện để phụng thờ".
Người dân xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, do
nhiều lần linh ứng hiển hiện giúp dân cứu nước nên tính đến nay, tại đình Tiến
Ân vẫn còn giữ lại được ít nhất 12 đạo sắc phong cổ của các triều đại gia phong
mỹ tự cho các vị thần được thờ trong đình. Gần đây nhất là năm 2004, đình Tiến
Ân cũng đã chính thức được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố Hà Nội.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, tương truyền do thiên
tai, địch họa nên đình Tiến Ân đã được trùng tu, tôn tạo và thay đổi vị trí.
Theo đó, cách nay khoảng vài trăm năm, dân trong làng quần tụ chủ yếu dọc theo
hai bên bờ sông Bùi gần đó nên ngôi đình nằm ngay sát bờ sông và có tên gọi là
đình Quán Thần.
Do nước lũ thường dâng lên rất cao khiến đình và toàn bộ
vùng đất xung quanh bị ngập hết, duy chỉ có gò Cây Thị là vị trí cao nhất của
làng và không bị ảnh hưởng.
Sau khi xem xét, họp bàn, nhận thấy rằng khu vực gò Cây Thị
đất đai cao ráo, thoáng đãng, lại màu mỡ không nơi nào tốt bằng nên các bậc tôn
trưởng trong làng quyết định di dời ngôi đình từ ngoài đê đến vị trí gò Cây Thị
như hiện nay và đổi tên làng từ Đăng Ân thành Tiến Ân.
Hàng năm, cứ đến ngày các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 3 (Âm lịch)
là người dân trong vùng lại nô nức tổ chức tế lễ, rước kiệu tái hiện lại tích
các vị thành hoàng đại vương đánh giặc cứu nước long trọng và thành kính.
Đình Tiến Ân có kết cấu theo kiểu chữ nhị với các hạng mục
chính Tiền tế, Hậu cung và Tả hữu mạc. Nghi môn được xây dựng kiểu hai tầng 8
mái đao cong. Lối đi chính được xây kiểu cửa vòm cuốn. Trên nóc đắp lưỡng long
chầu nguyệt, ở mỗi góc đao là một con kìm, con xô bằng vôi vữa uốn lượn mềm mại.
Qua một khoảng sân rộng lát gạch, về hai phía là 2 dãy tả hữu mạc được làm theo
kiểu nhà dọc mỗi bên 5 gian, 2 dĩ nhỏ, hai mái chảy, lợp ngói ri.
Tiền tế là một ngôi nhà ngang 3 gian được làm theo kiểu tường
hồi, bít đốc 2 mái chảy lợp ngói ri. Tương ứng với 3 gian là 4 bộ vì được làm
theo thể thức thống nhất “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ ngồi xà nách, bẩy”
trên mặt bằng 4 hàng chân cột to tạo thế vững chắc thông thoáng.
Qua một khoảng sân nhỏ là Đại bái gồm 5 gian, 2 dĩ làm theo
kiểu tường xây, hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói mũi nhỏ. Mặt trước Đại bái có
mở hệ thống cửa bức bàn ở 3 gian giữa thuận tiện cho việc sử dụng.
Ở gian giữa toà Đại bái có bức hoành phi “Nhất thần lưỡng
hoá” đề năm Bảo Đại ngũ niên (1931). Kết cấu chịu lực của toà Đại bái được làm
trên 4 hàng chân cột, các cột cái đều được làm bằng gỗ và một số cột quân được
làm bằng đá, đứng trên mỗi chân cột đều được làm bằng đá thắt cổ bồng.
Hậu cung được xây hai gian nhà dọc nối liền với Đại bái như
hình chuôi vồ. Ở chính giữa có xây bệ thờ nhị cấp, trên cao nhất được đặt long
ngai bài vị của thánh, bên dưới được đặt bát hương và một số đồ thờ tự khác.
Đình Tiến Ân đã được
UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2004./.
Nguồn: Người Hà Nội