Dưới đây là 6 sự thật có lẽ bạn chưa biết về phương tiện giao thông an toàn hàng đầu thế giới.
1. Đồ ăn trên máy bay "kém ngon"
Không ít những hành khách từng cảm thán rằng bữa ăn trên máy bay có vị không được ngon miệng lắm. Thực tế là những món ăn, thức uống này vẫn được chế biến rất tỉ mỉ, nhưng theo nhà tâm lý học thực nghiệm Charles Spence, vị giác của chúng ta thì bị thay đổi khi bay trên bầu trời.
Độ ẩm trong không gian máy bay thấp, áp suất không khí thay đổi nên con người sẽ cảm nhận hương vị của món ăn khác đi. Nếu cùng những món ăn này được phục vụ trên mặt đất, rất có thể chúng sẽ quen thuộc và vừa miệng hơn!
Một bữa ăn trên chuyến bay của hãng hàng không Air China. Hình ảnh: Buzzfeed
2. Nước trên máy bay không sạch như bạn nghĩ
Năm 2002, các phóng viên của Tạp chí phố Wall đã chuẩn bị các lọ mẫu và đi 14 chuyến bay khác nhau để thu thập nước từ vòi bếp và nhà vệ sinh của hãng bay đó. Kết quả của xét nghiệm chất lượng nước thực khiến chúng ta bất ngờ. Đó là 1 danh sách dài tên các loài vi sinh vật mà không ai muốn uống phải như vi khuẩn Salmonella, Staphylococcus hay trứng côn trùng nhỏ.
Trang báo tạp chí phố Wall. Hình ảnh: WSJ.com
Hầu như tất cả các mức vi khuẩn đều cao hơn giới hạn của chính phủ Hoa Kỳ hàng chục lần, đôi khi hàng trăm lần. Donald Hendrickson - giám đốc Phòng thí nghiệm Vi sinh Hoosier ở Muncie, Ind., nơi đã thử nghiệm các mẫu của phóng viên, cho biết: "Nước này không thể uống được, mọi người nên uống nước đóng chai."
3. Lỗ nhỏ bí ẩn trên cửa sổ máy bay
Nếu hành khách để ý thì có thể thấy 1 cái lỗ nhỏ ở đáy cửa sổ máy bay, chúng tuy nhỏ nhưng rất "có võ".
Chức năng đầu tiên của lỗ này là cân bằng áp suất trong và ngoài máy bay. Để tránh sự thay đổi mạnh về nhiệt độ và áp suất khiến kính máy bay bị vỡ, cửa sổ máy bay thường được cấu tạo bởi 3 lớp vật liệu khác nhau, lớp ở giữa có một lỗ nhỏ để cân bằng áp suất bên trong và bên ngoài máy bay.
Chiếc lỗ nhỏ phía đáy cửa sổ máy bay. Hình ảnh: Internet
Chức năng thứ hai là chống đọng hơi nước trên cửa sổ. Máy bay bay ở độ cao hơn 30.000 feet (9.144 mét) nên nhiệt độ bên ngoài máy bay thường xuyên dưới âm 50 độ C. Nếu lúc này có hơi nước, các cửa sổ sẽ bị mờ thậm chí đóng băng. Nói một cách đơn giản, các lỗ thở đóng vai trò hút ẩm và chống sương mù, nhờ đó khung cảnh bạn có thể nhìn thấy từ cabin luôn trong trẻo và dễ chịu.
4. Hầu hết các cửa sổ máy bay đều có hình bầu dục
Khi đi máy bay dân dụng, mọi người chắc chắn đều nhận thấy các ô cửa sổ trên máy bay thường có hình elip, điều này không hoàn toàn vì lý do thẩm mỹ.
Chiếc máy bay phản lực đời đầu. Hình ảnh: Wikipedia
Trong những năm sau khi phát minh ra máy bay, các cửa sổ của máy bay có hình vuông, nhưng tất cả điều này đã thay đổi vào những năm 1950. De Havilland DH 106 Comet do công ty de Havilland của Anh phát triển là máy bay phản lực đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm kể từ khi tham gia dịch vụ hàng không, các vấn đề bắt đầu xuất hiện, các vụ tai nạn máy bay xảy ra thường xuyên.
Nghiên cứu từ đống đổ nát của tai nạn, các kỹ thuật viên đã xác định được nguyên nhân vụ tai nạn là do hiện tượng "mỏi kim loại". Sau nhiều lần cất cánh và hạ cánh, các ô cửa hình vuông của máy bay sẽ xuất hiện các vết nứt ở các góc, các vết nứt sẽ nhanh chóng lan sang các bộ phận khác của thân máy bay, khiến thân máy bay dễ bị vỡ nát.
Cửa sổ máy bay ngày nay. Hình ảnh: Internet
Các cửa sổ đa giác có độ ổn định cấu trúc kém và các góc của chúng sẽ chịu nhiều áp lực hơn, trong khi các hình tròn có cấu trúc giống nhau theo mọi hướng, áp lực này sẽ được phân bổ đều và hiếm khi bị vỡ nứt từ một điểm nhất định. Do đó, máy bay phản lực được thiết kế rộng rãi hơn với các cửa sổ hình bầu dục. Kể từ đó, cửa sổ máy bay có hình bầu dục hoặc được thiết kế với các góc bo tròn như ngày nay.
5. Đèn cabin mờ trong khi cất cánh và hạ cánh
Đèn cabin sẽ mờ đi khi máy bay đang trong quá trình cất cánh và hạ cánh. Thực chất, điều này là vì sự an toàn của hành khách.
Cabin tắt đèn khi cất cánh và hạ cánh. Hình ảnh: Internet
Thời gian cất cánh và hạ cánh tuy ngắn nhưng thực chất lại là hai phần nguy hiểm nhất trong toàn bộ quá trình bay. Do đó, để đảm bảo cung cấp năng lượng cho máy bay, cần giảm ánh sáng trong cabin để năng lượng do động cơ tạo ra được sử dụng chủ yếu để cung cấp năng lượng cho máy bay.
Thứ hai, trong trường hợp xảy ra sự cố trong giai đoạn cất, hạ cánh, tiếp viên sẽ nhanh chóng hướng dẫn hành khách sơ tán. Khi con người di chuyển từ môi trường sáng sang môi trường tối thường xảy ra hiện tượng chóng mặt. Do đó, mục đích của việc giảm độ sáng đèn cabin là để mắt hành khách thích nghi trước với môi trường tối.
Hình minh họa
Lý do cuối cùng của việc làm mờ đèn là để tạo điều kiện cho hành khách quan sát tình hình bên ngoài máy bay và chọn lối thoát hiểm chính xác trong quá trình sơ tán khẩn cấp. Điều này giúp hành khách dễ dàng nhìn ra ngoài cửa sổ hơn và có cảm giác cơ bản về phương hướng.
6. Cách xử lý chất thải trong nhà vệ sinh
Mặc dù ban đầu ngành hàng không từng có lịch sử "xả thải thẳng xuống mặt đất", nhưng sau đó vì lý do an toàn và bảo vệ môi trường, máy bay đã sử dụng hệ thống xả thải chân không hiện tại.
Luồng khí áp suất cao do chân không tạo ra sẽ đưa chất thải đến các bể chứa ở bụng máy bay, nơi chúng được xử lý bằng cách bổ sung các hóa chất màu xanh lam để khử mùi và phân hủy. Van chuyển đổi của hộp chứa được đặt bên ngoài thân máy bay, đảm bảo rằng chất thải chỉ có thể được nhân viên mặt đất thu hồi về phương tiện xử lý sau khi máy bay hạ cánh và sẽ không bị "văng" giữa không trung.
Phòng vệ sinh trên máy bay. Hình ảnh: Internet
Đôi khi có một chút rò rỉ trong đường ống, nếu máy bay ở độ cao lớn hơn, chất lỏng này sẽ đóng băng ngay khi tiếp xúc với không khí, tạo thành "băng xanh". Nhưng lớp băng xanh này thường tan chảy khi máy bay hạ cánh và phân tán thành những giọt nước nhỏ trước khi chạm đất.
Theo Toquoc