Cơ quan chức năng đã phản hồi về thông tin Vịnh Nha Trang mất gần 200ha rạn san hô trong hơn 20 năm qua.

Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Ảnh Minh Khanh.
Trong tháng 7.2025, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa - đã ký văn bản phản hồi báo chí liên quan đến nội dung Vịnh Nha Trang đã mất khoảng 191ha rạn san hô trong hơn 20 năm qua.
Thời gian qua, một số cơ quan báo chí đưa tin về việc có nghiên cứu được công bố cho thấy Vịnh Nha Trang đã mất khoảng 191ha rạn san hô trong hơn 20 năm qua, gây ảnh hưởng đến du lịch.

an hô mọc trở lại ở Vịnh Nha Trang sau thời gian bị tẩy trắng. Ảnh: Nguyễn Đức
Con số nói trên được công bố sau khi Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện và có kết quả phân tích ảnh viễn thám và học máy trên khu vực rộng 160km2.
Kết quả cho thấy từ năm 2002 - 2024 Vịnh Nha Trang mất khoảng 191ha rạn san hô, tập trung ở khu vực xung quanh đảo hòn Mun, hòn Một, hòn Tằm, hòn Miễu, hòn Tre.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND thành phố Nha Trang (cũ) cùng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang xây dựng đề án, triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang.
Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã có nhiều giải pháp bảo tồn đã được thực hiện.
Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển; từ năm 2022 đến nay, đã tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu đáy kính tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trên Vịnh Nha Trang; di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.
Hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô và từng bước tạo nguồn tài chính ổn định cho hoạt động quản lý Vịnh Nha Trang.
Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường Vịnh Nha Trang đến năm 2030.
Tiếp tục tuần tra, kiên quyết xử lý các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến Hòn Mun và Vịnh Nha Trang.
Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đang hoàn thiện phương án thí điểm lặn biển theo quy định; định kỳ hàng tháng theo dõi, giám sát chặt chẽ hệ sinh thái để kịp thời có biện pháp quản lý.
Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, tỉnh dự kiến triển khai dự án lắp đặt phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát bảo vệ rạn san hô Hòn Mun, Hòn Chồng; tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý sau khi quy hoạch không gian biển được ban hành.
Về nguồn lực tài chính, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, tỉnh sẽ thu phí tham quan danh lam thắng cảnh theo đúng quy định, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh giá dịch vụ bến thủy nội địa và bãi giữ xe để tăng nguồn thu bền vững phục vụ công tác bảo tồn.
Hữu Long
Nguồn: Du lịch/Báo Lao Động