Hải Phòng có hơn 50 con sông lớn nhỏ, trong đó có các tuyến sông chính như Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình… tạo thành mạng lưới sông ngòi dày đặc, kết nối trực tiếp từ nội đô đến vùng ven biển, cửa sông. Tạo thuận lợi về giao thông đường thủy, những dòng sông nơi đây còn gắn liền với các sự kiện lịch sử và di sản văn hóa bản địa.
Thực tế hiện nay, du lịch đường thủy Hải Phòng vẫn còn sơ khai. Ngoài khu vực Cát Bà với hơn 200 phương tiện hoạt động vận tải khách du lịch, các tuyến khác chỉ phục vụ vận tải hành khách trong nước hoặc hoạt động tự phát, thiếu sản phẩm du lịch chuyên biệt. Thành phố chưa có tuyến tour du lịch đường sông hoàn chỉnh, chưa có bến tàu du lịch chuyên dụng hay bến du thuyền quốc tế.
Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Hải Phòng có đầy đủ điều kiện tự nhiên và bề dày văn hóa để phát triển du lịch đường thủy, song để hiện thực hóa tiềm năng này cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn về nhận thức, thể chế, hạ tầng, môi trường và sản phẩm du lịch”.
Theo đánh giá tại hội thảo “Phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng”, các chuyên gia chỉ ra 4 nhóm rào cản chính gồm: Hạ tầng giao thông đường thủy còn yếu và thiếu đồng bộ, các bến cảng chủ yếu phục vụ hàng hóa, luồng lạch bị bồi lắng, chưa được nạo vét thường xuyên; thành phố chưa có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bài bản cho du lịch đường sông, hoạt động hiện nay chủ yếu mang tính tự phát, thiếu kết nối giữa các tuyến điểm và dịch vụ hỗ trợ; cảnh quan hai bên bờ sông chưa được đầu tư đúng mức, nhiều đoạn sông ô nhiễm, thiếu điểm nhấn kiến trúc và hệ thống chiếu sáng nghệ thuật; sản phẩm, điểm đến và dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa khai thác hết giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái ven sông.
Theo các chuyên gia du lịch, thành phố cần nhanh chóng rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch không gian đô thị, trong đó có quy hoạch chi tiết các tuyến du lịch đường thủy, xác định rõ các điểm dừng chân, bến tàu và khu vực dịch vụ đi kèm; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, gắn với khai thác chiều sâu văn hóa, lịch sử của các dòng sông. Các tour du lịch đêm trên sông Cấm, sông Lạch Tray, các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên mặt nước, các lễ hội ánh sáng ven sông cần được triển khai thí điểm, nếu thành công thì nhân rộng trong thực tế.
Phát triển du lịch đường thủy Hải Phòng cần đặt trong mối quan hệ hài hòa với môi trường và cộng đồng. Thành phố cần có chính sách kiểm soát nghiêm ngặt việc xả thải, đầu tư xử lý nước thải, thu gom rác ven sông, cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh bảo vệ bờ, khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ven sông, kết hợp phát triển sinh kế cho người dân địa phương với bảo vệ cảnh quan môi trường.
Song song đó, Hải Phòng cần nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy, tập trung nạo vét các tuyến luồng chính, xây dựng hệ thống bến tàu, bến du thuyền quốc tế, điểm đỗ tại các điểm du lịch ven sông, đồng thời phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, chiếu sáng nghệ thuật ven sông.
Xây dựng các tuyến du lịch liên kết vùng cũng là hướng đi quan trọng. Hải Phòng có thể phối hợp với các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình (mới)… hình thành các tour du lịch đường sông liên tỉnh, kết hợp tham quan di sản, làng nghề và các di tích lịch sử ven sông, tăng trải nghiệm cho du khách.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng cho rằng: Phát triển du lịch đường sông là một bài toán khó, liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với sự đồng hành của các chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, các dòng sông Hải Phòng trong tương lai gần sẽ trở thành những tuyến du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Vũ Phạm Quân
Nguồn: Báo Nhân Dân