Chùa thường gọi là chùa Song Tiên, tọa lạc ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Chùa nằm lưng chừng núi Đại Tượng, núi đá có hình con voi ở phía Nam thị xã Lạng Sơn, cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500m, trên đường đi Mai Pha. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Sách Xứ Lạng – văn hóa và du lịch (NXB. Văn hóa dân tộc, Hà
Nội, 2000) cho biết, chùa trước đây ở cạnh giếng Tiên do dân làng Phai Luông xây
dựng vào thời Lê Hồng Đức (1460 – 1497). Sau đó, chùa bị hư hỏng nặng, người
dân chuyển vào động núi Đại Tượng. Chùa gắn với truyền thuyết Tiên Ông giúp dân
làng nguồn nước để sinh sống trong thời kỳ hạn hán.
Sự tích của chùa qua các chuyện kể dân gian đều tập trung
vào Ông Tiên ngự trên núi, đã dẫm chân xuống đá biến thành giếng Tiên có đầy nước
trong vắt cho dân làng dùng trong những năm hạn hán. Có truyền thuyết khác cho
biết, có hai ông Tiên ngồi đánh cờ đến sáng không về trời, khi mặt trời lên đã
hóa đá...
Chùa Tiên có cửa động ở ngang lưng chừng núi, đi lên đường
đá 65 bậc quanh co, như tới chốn bồng lai, tiên cảnh.
Chùa nằm trong một hang đá lớn, có vòm cao, rộng, chính giữa
là ban thờ Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ đức thánh Trần Hưng Đạo, cung bên
trái thờ Thánh Mẫu.
Động còn giữ bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài Trấn
doanh bát cảnh (tám cảnh đẹp của xứ Lạng).
Chùa Tiên có rất nhiều khu vực thờ với những cung, động thờ
như: cung thờ đức thánh Trần Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cung Tam Tòa Thánh
Mẫu, cung Sơn Trang, cung Cô Chín.
Trong lòng núi Đại Tượng có rất nhiều hang động có vẻ đẹp kỳ
thú của thiên nhiên với những thạch nhũ đá muôn hình, muôn vẻ từ vòm động, vách
động, lung linh trong ánh sáng và rất sống động.
Ngoài động chính giữa lòng núi, chùa còn có rất nhiều khe, hốc,
những ngách hang thông ra sườn núi. Từ đây có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thành
phố Lạng Sơn với con sông Kỳ Cùng tựa như dải lụa mềm quanh co, uốn lượn trong
thành phố.
Trải qua hàng trăm năm, chùa Tiên vẫn lưu giữ được những cổ
vật có giá trị như 13 bia khắc trên vách đá của các văn nhân thi sĩ, quan lại
dưới các triều đại phong kiến Việt Nam xưa lưu lại.
Liền kề với Chùa Tiên là di tích Giếng Tiên. Đó là một mạch
nguồn tuôn ra từ lòng núi, nước trong vắt không bao giờ cạn. Giếng Tiên gắn với
câu chuyện huyền thoại về Tiên ông. Miệng giếng chính là vết chân của Tiên ông
giẫm xuống phiến đá mà thành.
Bên cạnh Chùa Tiên-Giếng Tiên, còn có hang Thủy Cung cũng nằm
trong lòng núi Đại Tượng, cửa hang cách lối lên cổng Chùa Tiên khoảng 200 m với
nhiều nhũ đá được thiên nhiên kiến tạo qua hàng nghìn năm vô cùng đẹp mắt
Khi màn đêm buông xuống, hệ thống ánh sáng tại chùa Tiên
càng tôn lên vẻ đẹp của danh thắng tựa như một viên ngọc quý tỏa sáng giữa lòng
thành phố. Tham quan, vãn cảnh chùa Tiên sẽ là trải nghiệm tuyệt vời, hứa hẹn sẽ
làm hài lòng mỗi du khách khi có dịp đến với mảnh đất Xứ Lạng
Lễ hội chùa Tiên hàng năm vào ngày 18 tháng giêng (âm lịch).
Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công
nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1992.
Ảnh tư liệu: Vietnam Landmarks
Nguồn: Báo Lạng Sơn