Chùa Cống Phường (tên gọi khác: Chùa không Bụt) tọa lạc trên một khu đất gò, thoáng đãng, phía đông thôn Hậu xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Điểm đặc biệt là chùa không hề có tượng Phật nào.
Chùa Cống Phường được xây dựng từ rất lâu, đây là điểm sinh
hoạt tâm linh, tín ngường thờ Phật của người dân ba thôn: Hậu, Sấu và Bến thuộc
xã Liên Chung.
Căn cứ vào cây hương đá, được chế tác vào năm 1713 (năm Vĩnh
Thịnh thứ 9 - thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII), tư liệu, tài liệu, hiện vật còn
lưu giữ, chùa Cống Phường được xây dựng vào trước năm 1713.
Chùa đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn lưu giữ
được nhiều nét cổ kính và hệ thống kiến trúc, đường họa tiết, hoa văn trang trí
kế thừa phong cách nghệ thuật tạo dựng từ thời Lê Trung Hưng.
Chùa Cống Phường là một ngôi chùa đặc biệt trong cả nước, bởi
lẽ chùa thờ Phật nhưng không có tượng Phật. Hiện có hai cứ liệu sau lý giải điều
này:
Theo cuốn Địa chí Bắc Giang từ điển do Sở Văn hóa - Thông
tin tỉnh Bắc Giang và Trung tâm UNESCO in năm 2002 - trang 149 có ghi: “Chùa có nhiều bệ từ ngoài vào trong
nhưng không có tượng. Tương truyền đây vốn là ngôi miếu thờ âm hồn, của những
người chết trận…”.
Theo dân gian truyền khẩu và phong tục, tập quán cổ truyền ở
vùng Hậu, Sấu, Bến thuộc xã Liên Chung còn lưu truyền được biết: Nhìn từ dãy
núi Chung Sơn (núi Dành) bao quát toàn bộ thôn Hậu nơi di tích tọa lạc thấy nơi
đây có thế đất hình “long xà” mà phần khúc đuôi được bắt đầu từ phía đầu thôn Hậu
chếch về phía đông của xã Liên Chung, phần thân chạy uốn khúc bao quanh toàn dải
đất, phần đầu là khu đồi Núi Cũ, hiện chính quyền địa phương đã cho xây dựng
nhà bia và nghĩa trang liệt sĩ của xã, phần gáy của con long xà chính là nơi
chùa Cống Phường được tạo dựng.
Theo quan niệm của người dân địa phương, nơi di tích tọa lạc
lại đặt trên chính giữa gáy của con long xà nên thờ Phật là rất “nghịch”, khiến
người già thác sớm, trai tráng ra trận thì hy sinh, cây cối vật nuôi chết nhiều.
Từ khi làm lễ hóa Phật, ngôi làng dần từng bước hồi sinh, làm ăn phát đạt, dân
khang, vật thịnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu nên từ đó chùa là nơi thờ
vọng Phật.
Chùa Cống Phường được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (khoảng
giữa thế kỷ XVII). Trải qua thời gian do sự tác động của điều kiện tự nhiên
cùng diễn biến thăng trầm của lịch sử, chùa Cống Phường (nhất là tòa thượng điện)
vẫn còn giữ được nguyên trạng kết cấu kiến trúc thời xưa.
Tòa tiền đường đã trùng tu nhiều lần, dấu ấn ghi trên ba khấu
đầu cho thấy kỳ tu sửa gần đây nhất được tiến hành đầu thời Nguyễn (đầu thế kỷ 19).
Đây là một công trình tín ngưỡng tâm linh có giá trị về mặt lịch sử văn hóa.
Chùa Cống Phường là ngôi chùa cổ được xây dựng vàokhoảng giữa
thế kỷ 17 (trước năm 1713), cách đây gần 400 năm, vẫn giữ được đến ngày nay.
Tuy đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ
kính mang phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17).
Kết cấu kiến trúc của chùa mang đậm phong cách nghệ thuật thời
Lê. Các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường, các chi tiết được
chạm khắc nổi thành các khối to, đầy đặn, bổ sung thêm những đường họa tiết hoa
văn đường diềm chạy bo quanh, kế thừa của phong cách nghệ thuật chạm khắc từ thời
Mạc (thế kỷ 17).
Chùa Cống Phường còn lưu giữ được những cổ vật có giá trị mỹ
thuật cao như: cây hương đá được dựng năm 1713; 1 bát hương sành Phù Lãng thế kỷ
19; 1 bát hương gốm, men da lươn thế kỷ 19 và hệ thống các đồ thờ cổ có niên đại
thời Nguyễn thế kỷ 19 - 20 như: bát hương gốm men nâu, đĩa xứ men lam, mõ thờ…
Chùa Cống Phường là trung tâm tín ngưỡng, tâm linh của nhân
dân 3 thôn (Hậu, Sấu, Bến), thường diễn ra các lễ hội truyền thống của địa
phương. Lễ hội truyền thống chùa Cống Phường được tổ chức trong 2 ngày (15 và
16 tháng 2 âm lịch). Lễ hội thường có phần lễ, ban khánh tiết các thôn thực hiện
nghi lễ dâng hương, tế lễ, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian: cờ
tướng, chọi gà, kéo co, đấu vật và trình diễn các làn điệu dân ca.
Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chùa Cống Phườngđược dùng làm
vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân và sau này là trạm quan sát của Khu 12 khi về
sơ tán và hoạt động. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (từ năm 1947-1953), dân
quân du kích Liên Chung đã lấy chùa Cống Phường là nơi hoạt động, hội họp và là
nơi dạy học của trường cấp I. Căn cứ giá trị di tích thì chùa Cống Phường thuộc
loại hình di tích lịch sử - văn hóa.
Tổng thể chùa Cống Phường gồm tam quan, sân chùa, tòa tiền
đường, ống muống và thượng điện.
Chùa qua nhiều lần tu sửa có phong cách nghệ thuật thời Nguyễn,
các tòa nhà được thiết kế kiểu bốn mái uốn đầu đao. Bờ nóc, bờ giải không trang
trí, mái chùa lợp ngói mũi.
Chùa Cống Phường có bình đồ kiến trúc
theo kiểu “chữ Công” gồm tòa tiền đường
nối với tòa thượng điện bằng dải ống muống, tổng diện tích khu nội tự là 287m2.
Tòa tiền đường có 5 gian, 2 chái, bộ khung có 8 hàng cột
ngang và 4 hàng cột dọc, 6 vì mái đình, hai bộ quá giang. Liên kết giữa các vì
mái theo 3 kiểu: Kiểu kẻ chuyền, chồng rường; kiểu chồng rường, trụ trốn. Cả 6
vì kèo đều bào trơn, soi chỉ gờ chạy suốt. Tường bao của tòa tiền đường được
xây bằng gạch chỉ. Tòa Tiền đường kết nối với Thượng điện qua gian ống muống. Tòa Tiền đường có 1 cửa ra vào, bộ cửa làm bằng ván ghép sơn màu nâu. Các gian ngoài của tòa tiền đường
được đóng bằng chấn song gỗ bạch đàn.
Thượng điện gồm 3 gian 2 chái liên kết cái vì kèo theo kiểu
kẻ chuyền, chồng rường theo kiểu thuận chồng, đấu kê (4 con rường kê trên các đấu
kê thót đáy). Tòa thượng điện còn lưu trữ được nguyên vẹn bộ khung nhà thời cổ,
4 đầu đao mái lượn, bờ nóc lợp ngói bò ống, bờ giải xây gạch chỉ phủ vữa, không
trang trí. Bộ khung tòa thượng điện bằng gỗ lim chắc khỏe, soi gờ kẻ chỉ nhưng
không tranh trí.
Chùa Cống Phường (chùa Không Bụt) là một ngôi chùa hiếm thấy
nhưng minh chứng cho đạo lý của Phật giáo “Phật tại tâm”. Không có sự hiện diện
của tượng Phật nhưng chùa vẫn linh thiêng và mang lại sự bình yên cho xóm làng.
Chùa Cống Phường được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định
số 2163/QĐ-UBND ngày 19/12/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Nguyễn Văn Tính - Trích Cuốn Di sản văn hoá xã Liên Chung- Nhà xuất bản văn hoá Dân tộc
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Xã Đông Việt, Yên Dũng, Bắc Giang