Di tích Miếu Phường, tên chữ là “Tiền Doanh Miếu” thuộc làng Sơn Vi, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ từ ngàn xưa là một trong ba khu đồn binh thuộc “Chiến lũy làng Vầy” (tên của làng Sơn Vi xưa) do các Lạc tướng thời Hùng Vương thứ 18 thành lập để chống lại nhà Thục, bảo vệ Văn Lang.
Đồn trung tâm nằm giữa làng, là “Đại Thần Miếu” (Rừng Cấm); đồn
tả quân ở phía Tây, nay là “Miếu Tam Quan”, đồn tiền quân phía Tây Bắc làng, nay
là “Tiền Doanh Miếu”, tức Miếu Phường.
Các miếu đều cách nhau 1km, tạo thành thế chân kiềng, ba góc
bao bọc xung quanh làng Sơn Vi. Từ bao đời nay, các ngôi miếu đều được nhân dân
làng Sơn Vi chú tâm bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, thờ cúng mỗi dịp lễ Tết truyền thống
và thường xuyên mang lễ đến thắp hương cầu phúc, lộc, tài, bình an.
Miếu Phường nằm dưới chân Gò Vườn Sậu, đây là Di tích khảo cổ
Sơn Vi được xếp hạng di tích Quốc gia. Ngôi miếu nhỏ nằm trên địa hình bằng phẳng,
rộng rãi, nổi bật với những nét hoa văn cổ kính, rêu phong. Đặc biệt là xung
quanh miếu có đến năm cây Lụ cổ thụ cao lớn có đường kính gốc trung bình 0,7m,
cao từ 15-20m và rất nhiều cây Lụ con.
Từ dưới ngước nhìn lên, mỗi cây Lụ cổ thụ như một tòa tháp sừng
sững với phần thân thẳng tắp, tán lá xanh rợp trời. Vòm trời dưới những tán cây
dường như thu nhỏ lại, không gian tươi mát, yên bình kỳ lạ.
Ông Bùi Ngọc Quế – Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, một
người con của vùng đất Sơn Vi cho biết: “Năm cây Lụ cổ thụ tại Miếu Phường đều
mang dáng dấp nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi.
Không biết chính xác cây có từ khi nào, nhưng các cụ cao
niên trên 100 tuổi trong làng đều khẳng định, từ lúc các cụ sinh ra và lớn lên
đã thấy năm cây Lụ cao lớn từng ấy, uy nghi tọa lạc trên mảnh đất thiêng. Quả
cây Lụ có hình dáng và mùi vị giống như quả dọc, khi chín màu vàng, chua chua,
nên lứa chúng tôi khi còn là những cậu bé thường hay trèo cây bắt chim, hái quả”.
Quang cảnh tế lễ ở Miếu Phường (Ảnh tư liệu do ông Bùi Ngọc
Quế cung cấp).
Rợp bóng phủ ngôi miếu, hàng thế kỷ qua, năm cây Lụ cổ thụ vẫn
cắm rễ sâu xuống mảnh đất Sơn Vi, vươn lên vững vàng, hiên ngang như một chứng
nhân lịch sử.
Năm gốc Lụ đã chứng kiến không biết bao nhiêu ngày hội làng,
hội đình, bao dấu tích thăng trầm của vùng đất cổ. Dưới tán cây rộng lớn, trước
đây là những buổi trưa hè người dân quây quần hóng mát, là tuổi thơ đuổi bắt,
trèo cây hái quả của vô số các thế hệ người trong làng.
Trong khuôn viên rộng hơn 1ha của ngôi miếu, xung quanh năm
cây Lụ cổ thụ còn mọc rất nhiều cây Lụ con xanh tốt cao từ một đến vài mét. Cây
thiêng mọc trên mảnh đất thiêng, nên người dân ở một số nơi trên đất Lâm Thao
muốn xin những cây Lụ con về trồng đều đến Miếu Phường thắp hương, thành kính
dâng lễ khấn xin các vị thần rồi mới đánh cây về trồng và chăm sóc cẩn thận.
Ngôi miếu nhỏ cổ kính nằm dưới những tán cây Lụ.
Gắn bó từ bao đời và đến giờ trong tâm thức của mình, người
dân làng Sơn Vi vẫn coi những cây Lụ là thứ rất thiêng liêng, không thể tách rời
với quê hương. Cùng với những cây Lụ, xung quanh miếu hiện nay còn có cây đa,
cây si cổ thụ xanh tốt quanh năm.
Quần thể cây xanh trong Miếu Phường vươn cao tỏa tán rộng lớn
như khí phách hiên ngang của những anh hùng dân tộc từ ngàn xưa, hiên ngang chở
che phong ba bão táp, ngăn chặn tai ương cho người dân, khiến Miếu Phường trở
thành một cảnh quan uy linh, thâm nghiêm và huyền bí.
Nơi đất thiêng
Cụ Bùi Đông Xuân (86 tuổi) – Trưởng Ban Khánh tiết đình Sơn
Vi, trực tiếp quản lý, trông coi Miếu Phường kể lại: Theo Thần phả đình Sơn Vi,
khu Miếu Phường là điểm tập kết đại binh vua Hùng ba lần xuất chinh đánh giặc
Thục hướng Tây Bắc và cũng hơn ba lần chứng kiến những trận quyết chiến đẫm
máu, khi quân Thục tấn công vào trận doanh.
Theo quan niệm tâm linh sâu thẳm của dân làng, mỗi tấc đất
quê hương Sơn Vi nói chung và khu Miếu Phường nói riêng, đều đã thấm đẫm máu
xương của quân sĩ thời Hùng Vương. Mỗi cành cây, ngọn cỏ nơi đây đều ẩn chứa
vong linh của các tướng sĩ Văn Lang.
Chính vì vậy, Miếu Phường và cả những cây Lụ cổ thụ đều vô
cùng linh thiêng, nhiều truyền thuyết huyền thoại mang yếu tố tâm linh về Miếu
Phường vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay, nên không ai dám xâm phạm đến vùng
đất này.
Những cây Lụ cổ thụ cao lớn rợp bóng phủ ngôi miếu.
Hàng năm, đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, dân làng Sơn
Vi lại mở lễ hội Miếu Phường theo nghi lễ đặc biệt “Cúng gió hội quân”. Nghi lễ
này tượng trưng cho việc người dân tiếp tế lương thực, thực phẩm cho quân sĩ của
Vua Hùng trên đường hành quân đánh giặc, vì không kịp đun nấu thức ăn nên phải
ăn cơm nắm và thịt sống mang theo.
Làng Sơn Vi vẫn giữ tục lệ chia thành 18 giáp, mỗi giáp mang
đến cúng Miếu Phường lễ vật gồm: Một mâm xôi phố và một con lợn lông đen tuyền
còn sống. Xôi phố được làm từ gạo nếp đồ chín, rồi cho vào khuôn gỗ, ép chặt,
to như viên gạch xỉ, được đặt lên các giàn ghép lại từ cành cây, để trước miếu.
Khi các giáp khiêng con lợn đen tuyền đến, ông Thủ từ Miếu
đi ra ngắm những con lợn đem đến cúng lễ một hồi, rồi lựa chọn một con lợn đạt
tiêu chuẩn quy định: Lông đen tuyền, mõm, tai, trán, móng, chân lợn cũng đen
tuyền, không có tì vết và to béo nhất. Sau đó, ông Thủ từ lấy chiếc gậy tre có
củ hình chiếc búa, khảo vào đầu con lợn được chọn một cái, tượng trưng cho việc
thánh thần đã đồng ý nhận lễ và cho phép đem lợn đi làm thịt lễ tế thần trên bệ
miếu.
Những con lợn cúng lễ khác cũng được đem ra giếng nước cổ cạnh
Miếu Phường để làm thịt tại chỗ. Thịt lợn sống được để trong các rổ rá, bên dưới
lót lá cây rừng, rồi đặt vào các quang, treo lơ lửng trên tất cả các cành cây Lụ
lòa xòa quanh miếu. Dân làng bắt đầu tổ chức tế lễ “Cúng gió hội quân” ở miếu rất
nghiêm trang, thành kính.
Tất cả mọi người đều được phép tiện đâu đứng cúng ở đấy, chắp
tay vái vọng khắp bốn mặt miếu, với lời cầu khấn thể hiện lòng thành kính, biết
ơn các tướng sĩ thời Vua Hùng, cầu mong các đấng tối linh phù hộ độ trì cho quốc
thái, dân an, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà
nhà đều no đủ và hạnh phúc.
Sau lễ cúng Miếu Phường, các giáp mang xôi thịt về, trước hết,
đem chia phần cho những gia đình có người thân đi bộ đội, thương binh, gia đình
liệt sĩ, rồi biếu cho các cụ cao niên, phần còn lại sẽ tổ chức liên hoan để cả
làng tập trung ăn uống vui vẻ.
Đây không chỉ là dịp
để các thế hệ cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử văn hóa của làng Sơn Vi, kể
về sự tích, thần tích Đình và các Miếu thờ, mà còn để người dân trong làng bảo
ban nhau cùng ra sức bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch
sử văn hóa, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, xứng đáng với công
ơn to lớn của các bậc thánh thần và tổ tiên để lại.
Nguồn: Vietnam.vn