Dự báo du lịch hội nghị, hội
thảo, sự kiện (MICE) sẽ vẫn là loại hình du lịch phát triển mạnh nhất
trong thời gian tới, do vậy làm thế nào để hướng đến phát triển du lịch
MICE chuyên nghiệp, bền vững ở Việt Nam, đây vẫn là câu hỏi đặt ra cho
các nhà quản lý, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch… để tìm câu
trả lời.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm năm 2030 đã khẳng định
tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch hội nghị, hội
thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh, chăm sóc sức
khỏe, giáo dục, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm.
Chiến lược
phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm
2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định giai đoạn
2025-2030: Hoàn thiện phát triển và định vị toàn bộ hệ thống sản phẩm du
lịch MICE, du lịch đô thị gắn với các hoạt động giải trí, trình diễn
nghệ thuật truyền thống và đương đại.
Như vậy, đã đến lúc cần đặt
đúng vai trò loại hình, sản phẩm du lịch MICE trong định hướng kinh
doanh cho du lịch Việt Nam để đạt được những mục tiêu lớn.
Nhiều điều kiện, tiềm năng để đưa Việt Nam thành điểm đến du lịch MICE hấp dẫn
Theo
nhận định của các chuyên gia, du lịch MICE là loại hình có thể thu hút
được lượng khách lớn, có khả năng chi tiêu cao, cũng như lưu trú dài.
Đặc biệt, du lịch MICE thường diễn ra quanh năm, mang lại lợi ích ổn
định ngay cả những mùa thấp điểm. Vì thế MICE được xem là loại hình du
lịch cao cấp, là định hướng chiến lược ưu tiên hàng đầu trong việc phát
triển, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu của các đơn vị kinh
doanh du lịch và là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tính
thời vụ cho hoạt động du lịch của các địa phương. Đây là lợi thế để các
địa phương tận dụng khai thác, phát triển thị trường du lịch. Ngoài lợi
ích cho ngành du lịch, du lịch MICE còn tác động đến các ngành kinh tế
khác và mở ra cơ hội, triển vọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài
nước.
Hiện nay, ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, du khách chọn
cách vừa đi du lịch nghỉ ngơi vừa kết hợp với việc gặp gỡ đối tác, tìm
kiếm thị trường và phát triển kinh doanh. Đó là hình thức du lịch MICE,
hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng và sự kiện
đang được nhiều công ty, tổ chức lựa chọn. Các công ty thường tổ chức
hoạt động này dành cho nhân viên, đối tác và khách hàng. Đây không phải
là xu hướng mới đối với thế giới nhưng đối với Việt Nam du lịch MICE
đang tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Thủ
đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Nha
Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận,… là những địa phương có tiềm năng để phát
triển du lịch MICE và nhiều địa phương khác nữa nếu có kế hoạch đầu tư
bài bản. Nhiều thành phố của Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức rất
nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn lớn với quy mô và tầm cỡ quốc tế. Các
điều kiện, tiềm năng đều có thể biến Việt Nam thành điểm đến du lịch
MICE hấp dẫn.
Đơn cử như Hà Nội, theo đánh giá của các chuyên gia,
Thủ đô với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước,
là mảnh đất ngàn năm văn hiến với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi
vật thể, nhiều điểm tham quan, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng,
các khu nghỉ dưỡng cao cấp phát triển được nhiều loại hình du lịch văn
hóa, làng nghề, sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng, trải nghiệm. Việc sở
hữu nhiều dòng sản phẩm là điều kiện lý tưởng để Thủ đô phát triển du
lịch MICE, thu hút du khách đến tổ chức sự kiện, trải nghiệm và trở
thành thế mạnh của du lịch Thủ đô.
Hà Nội từng tổ chức, đón nhiều
đoàn khách quốc tế với số lượng lớn đến lưu trú dài ngày; nhiều hội
nghị, sự kiện quốc tế lớn đã diễn ra tại Thủ đô như: Hội nghị cấp cao
APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Đại hội thể thao Đông Nam Á
lần thứ 31 (SEA Games 31)... Việc liên tục là địa phương được lựa chọn
làm địa điểm tổ chức các sự kiện hội nghị quốc tế quy mô lớn cho thấy Hà
Nội có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE, trở thành thế mạnh
của du lịch Thủ đô.
Đà Nẵng cũng là thành phố có đầy đủ các yếu tố
cần thiết để đáp ứng nhu cầu về du lịch MICE, như cơ sở vật chất hiện
đại, giá thành dịch vụ phù hợp, giao thông thuận tiện và đặc biệt thành
phố có các chính sách tư vấn, hỗ trợ và chào đón dòng khách này.
Năm
2024, Sở Du lịch Đà Nẵng tiếp tục tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng thống
nhất triển khai Chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE đến Đà
Nẵng. Đây cũng là nỗ lực để Đà Nẵng phục hồi ngành du lịch với kỳ vọng
định vị Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu về du lịch MICE trong khu vực Đông
Nam Á.
Chương trình xúc tiến thu hút khách du lịch MICE đến Đà
Nẵng năm 2024 sẽ được thành phố Đà Nẵng áp dụng cho cả đoàn khách MICE
nội địa và quốc tế gồm các hoạt động như: Đón tiếp, chào mừng, tặng quà
lưu niệm địa phương, hỗ trợ truyền thông và tư vấn tổ chức sự kiện MICE,
hỗ trợ đoàn tiền trạm cũng như vinh danh các đơn vị đưa khách đến Đà
Nẵng. Đặc biệt trong năm 2024, đối với các đoàn từ 500 khách, thành phố
sẽ mở rộng nội dung hỗ trợ đoàn tiền trạm, khảo sát tổ chức sự kiện với 1
lần/1 đoàn (1 đoàn không quá 3 người và 3 ngày tại thành phố Đà Nẵng).
Thành
phố Hồ Chí Minh vừa qua cũng được vinh danh "Điểm đến du lịch MICE hàng
đầu châu Á" tại Giải thưởng Du lịch MICE thế giới năm 2023, đánh dấu
năm thứ tư liên tiếp thành phố nhận được danh hiệu quý giá này. Giải
thưởng là sự công nhận sức hút của Thành phố Hồ Chí Minh như một điểm
đến hàng đầu cho ngành công nghiệp du lịch MICE.
Theo Sở Du lịch
Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố với vai trò đô thị hạt nhân, cực tăng
trưởng vùng, có hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết
nối ngày càng đồng bộ, đa dạng cơ sở lưu trú, phong phú điểm tham quan,
được nhiều đoàn du khách du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện lựa chọn.
Du
lịch MICE là một trong những sản phẩm chiến lược của Thành phố. Nơi đây
có hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất đủ tầm cỡ để tổ chức các hội
nghị, hội chợ, tour du lịch MICE quy mô hàng nghìn người. Đến nay, toàn
Thành phố có gần 3.230 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có gần 200 khách
sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao sẵn sàng phục vụ các đoàn khách theo các
phân khúc khác nhau.
Trong 7 tháng năm 2024, doanh thu từ dịch vụ
lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 23.853 tỷ đồng, tăng gần
66,%; doanh thu từ lưu trú và ăn uống đạt 74.888 tỷ đồng, tăng 8,7% so
với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này có sự đóng góp của nhiều đoàn du khách
thuộc dòng du lịch MICE.
Du lịch MICE cũng là một trong 8 nhóm
sản phẩm được Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển, tập trung chủ yếu ở
thành phố Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc… với nhiều khu nghỉ dưỡng phức hợp
hiện đại, khu du lịch cao cấp, sức chứa hàng nghìn người. Hiện tỉnh đang
có 1.360 cơ sở lưu trú với trên 22.500 phòng; trong đó 76 khách sạn
được xếp hạng từ 1-5 sao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng du
khách cùng một thời điểm.
Vũng Tàu đã nhiều lần được vinh danh là
Thành phố du lịch sạch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam
Á. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch tại thành phố biển này ngày
càng được nâng cao, phù hợp định hướng phát triển đưa Vũng Tàu trở thành
trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Các sản phẩm du
lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng; MICE; du lịch văn hóa, sinh thái,
thu hút khoảng 6,5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Là
vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời.
Không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong
phú, độc đáo và hấp dẫn, Ninh Bình còn có nhiều di tích lịch sử - văn
hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của
dân tộc Việt Nam cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các
lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm
thực phong phú,…
Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có hơn 700 cơ sở lưu
trú, với trên 8.000 phòng nghỉ. Đặc biệt, đã có khách sạn đạt tiêu chuẩn
5 sao thu hút đa dạng nguồn khách du lịch MICE. Ngoài các hội trường có
quy mô lớn tại các khách sạn, Ninh Bình còn có Trung tâm hội nghị tỉnh,
Trung tâm hội nghị quốc tế chùa Bái Đính đáp ứng được yêu cầu tổ chức
các sự kiện có quy mô vài nghìn người. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu
tư, nâng cấp đồng bộ, kết nối thuận tiện, nhiều khu, điểm du lịch lớn đã
cơ bản hoàn thiện đi vào hoạt động phục vụ một lượng lớn khách đến Ninh
Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh chùa Bái
Đính, điểm du lịch Vườn chim Thung Nham, điểm du lịch Hang Múa, điểm du
lịch động Thiên Hà, phố cổ Hoa Lư... Đây là tiềm năng, lợi thế để Ninh
Bình khẳng định thế mạnh và nâng tầm trong việc phát triển du lịch MICE.
Việc
Việt Nam thu hút một lượng lớn du khách tham gia loại hình du lịch MICE
đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tháng 3/2024, tại Lễ trao
giải thưởng MICE thế giới lần thứ 4 tổ chức tại CHLB Đức, Việt Nam một
lần nữa được vinh danh ở nhiều hạng mục quan trọng như "Điểm đến du lịch
MICE hàng đầu châu Á", "Điểm đến nghỉ dưỡng dành cho doanh nghiệp tốt
nhất châu Á".
Không chỉ các thành phố mới được vinh danh điểm đến
du lịch MICE mà nhiều doanh nghiệp cũng nhận được giải thương danh giá.
Cụ thể , Vietnam Airlines được vinh danh là "Hãng hàng không MICE hàng
đầu châu Á"; Vietravel được vinh danh "Đơn vị tổ chức du lịch MICE hàng
đầu châu Á".
Sắp tới đây, MICE EXPO 2024 sẽ được tổ chức nhằm đẩy
mạnh sự hợp tác giữa người bán và người mua, chia sẻ kiến thức, kinh
nghiệm trong kinh doanh du lịch MICE.
Với quy mô 500 doanh nghiệp,
800 đại biểu tham dự, MICE EXPO 2024 là cơ hội cho các doanh nghiệp
giới thiệu, quảng bá sản phẩm và cùng nhau nhận định xu thế, xây dựng kế
hoạch hành động cho thời gian tới cũng như định vị thương hiệu du lịch
MICE Việt Nam trên bản đồ du lịch MICE thế giới.
Trao đổi với Báo
Điện tử Chính phủ, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cho
biết: "Thị trường du lịch MICE ở Việt Nam rất lớn và tiềm năng. Chúng
ta mới đang ở giai đoạn đầu của phát triển du lịch MICE, nên vẫn còn
những bỡ ngỡ và cần phải học hỏi các nước đã có kinh nghiệm phát triển
loại hình du lịch này. Tuy nhiên, chúng ta phải bắt đầu chuyên nghiệp
ngay từ đầu để hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững".
Vẫn còn những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Mặc
dù được nhìn nhận có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch MICE, nhưng
đến nay, loại hình du lịch này vẫn chưa phải là thế mạnh của Việt Nam,
đặc biệt so với các nước trong khu vực, Việt Nam còn những "điểm nghẽn"
cần tháo gỡ.
Vẫn còn thiếu những chương trình phát triển du lịch
MICE bài bản, chuyên nghiệp; xây dựng các sản phẩm đặc thù; liên kết các
địa phương, các đơn vị du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quốc tế…
Một số
địa phương sở hữu nhiều khách sạn 5 sao vẫn thiếu những trung tâm tổ
chức sự kiện với đầy đủ dịch vụ về lưu trú, ăn uống, tổ chức hội họp có
quy mô lớn, có thể phục vụ hàng nghìn người. Hay như sản phẩm du lịch
còn đơn điệu, chủ yếu là các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa,
thiếu hoạt động trải nghiệm phong phú, nên chưa thu hút được dòng khách
du lịch MICE…
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ
hành Việt Nam cho rằng, muốn phát triển du lịch MICE một cách tổng thể
trước tiên cần phát triển hạ tầng quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, để từ
đó dẫn dắt các dịch vụ liên quan khác.
Ông Thắng đưa ví dụ, để tìm
địa điểm có quy mô lớn tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội hằng
năm rất khó và hầu như không tìm được nơi nào khác ngoài Cung Văn hóa
Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Dù thời gian qua, với hạ tầng hiện có, Việt
Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như APEC, ASEM, SEA
Games… nhưng để du lịch MICE bứt phá cần có sự đầu tư quy mô lớn hơn,
bài bản hơn.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch MICE còn
hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, công tác quảng bá du lịch MICE
của Việt Nam ra thị trường quốc tế còn yếu, nhỏ lẻ.
Diệp Anh
Nguồn: Báo Chính Phủ