Cây thị có tuổi đời hàng nghìn năm nằm sừng sững giữa làng Tiến Ân (xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ ). Đầu tháng 8 cũng là thời điểm quả thị bắt đầu chín.
Cây thị nghìn năm tuổi - "báu vật vô giá" của người làng Tiến Ân vào mùa quả chín
Cách Thủ đô Hà Nội 20km về phía Tây Nam, đi dọc theo Quốc lộ 6 đến với làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), có lẽ bất cứ ai khi đi qua làng này đều không khỏi ấn tượng bởi hình ảnh "cây thị ngàn năm tuổi" mà hiếm nơi đâu có được như của làng.
"Cụ" thị nằm ở vị trí trung tâm của làng, ngay bên cạnh ngôi đình làng Tiến Ân. Theo lời của những người lớn tuổi tại làng, họ không hề biết chính xác sự xuất hiện của "cây thị ngàn năm" này là từ năm bao nhiêu. Họ chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã thấy cây sừng sững ở đó rồi. Về độ che phủ của gốc thị có đường kính 15m.
Đầu tháng 8 cũng là thời điểm quả thị bắt đầu chín. Theo bà Phụng, một người làng Tiến Ân cho biết: "Năm nay cây thị ít quả hơn những năm trước. Tuy nhiên, quả thị lại to hơn nhiều".
Một năm cây thị này có thể bán được từ 1,5 đến 2 triệu tiền quả. Cây thị nằm trong khuôn viên đình làng nên thuộc quyền quản lý của các cụ trong làng.
Nhiều quả thị chín rụng dưới gốc cây. "Ngày trước còn đói kém, cơm không có mà ăn thì quả thị là một món khoái khẩu của những đứa trẻ trong làng. Chúng thường xuyên trèo cây hái quả để ăn. Bây giờ no đủ, thị chín rụng dưới gốc cây nhưng không ai thèm nhặt. Với lại là cây của đình làng nên nhiều người cũng e ngại", bà Phụng kể.
Trên cây, quả thị lúc nhúc to nhỏ, xanh chín đủ cả và tỏa ra mùi hương thơm.
Thân cây phải từ 7 đến 8 người mới ôm xuể. Vì tán cây quá lớn và rộng, người dân sợ rằng thân cây không đủ sức chống đỡ nên đã xây dựng các cột bê tông để đỡ cây thị. Trải qua hàng ngàn năm tuổi và gắn liền với lịch sử khai canh lập ấp của tiền nhân vùng đất này, nhiều truyền thuyết, câu chuyện bí ẩn được lưu truyền lại về cây thị của làng.
Vào ngày 5/4/2014, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Thủy Xuân Tiên đã long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận, gắn bia "Cây di sản Việt Nam" cho cây thị tại đình làng thôn Tiến Ân vào dịp lễ hội truyền thống của làng. Và đây là cây đầu tiên của huyện Chương Mỹ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam".
Nguồn:Dân Việt