Đình Dữu Lâu nằm ở địa phận thôn Dữu Lâu (nay là khu Dữu Lâu), phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đình thờ phụng hoàng tử Lang Liêu, Tản Viên Sơn thánh, Cao Sơn đại vương, Quí Minh đại vương, Bộ San đại vương, Ả Nương Công chúa.
Thôn Dữu Lâu (nay là khu Dữu Lâu); thôn Hương Trầm (nay là
khu Hương Trầm) gắn liền với sự tích hoàng tử Lang Liêu cấy lúa nếp làm bánh
dâng Vua, là mảnh đất có những giàn trầu huyền thoại. Tất cả những truyền thống
tốt đẹp của mảnh đất này còn in đậm nét trong di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật
Đình Dữu Lâu.
Đình Dữu Lâu có từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVI-XVII. Trong
cuộc kháng chiến chống Pháp, mảnh đất Dữu Lâu là vùng đất giáp danh và là cửa
ngõ của chiến khu Việt Bắc, Đình thường xuyên là vị trí tập kết của du kích và
bộ đội. Năm 1947 sau khi đại bại trên sông Lô, các tàu chiến thực dân Pháp khi
rút chạy đã nã đại bác vào Đình làm sập ngôi Thiên trụ của làng, giặc Pháp còn
lục soát và đốt phá làng và đình làng, do đó những văn bản cổ xưa và di vật thờ
cúng của đình đến nay hầu như không còn.
Ghi nhớ và tôn vinh công đức các bậc tiền nhân, chính quyền
địa phương và dân làng Dữu Lâu đã chung sức, chung lòng xây dựng lại ngôi Đình
để tri ân công đức Tổ tiên, lưu giữ phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn
trên quê hương làng Trầu.
Năm 2001, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định hỗ trợ nhân dân
Dữu Lâu khôi phục lại ngôi đình Dữu Lâu. Công trình được khởi công ngày mùng 6
tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (2002).
Ngôi thiên trụ của làng cũng được hoàn thành với diện tích
226m2. Đình có bố cục theo kiểu chữ Đinh, nhìn hướng Đông Bắc. Đình được thiết
kế theo phong cách thời Nguyễn, 3 gian 2 dĩ, bộ khung đình có kết cấu kiểu cổ 6
hàng cột cái, cột quân. Vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ như những ngôi đình cổ vùng
đồng bằng Bắc Bộ, dạ tàu lá mái, lợp ngói mũi hài.
Đình được xây dựng 4 mái, uốn đầu đao cong vút, trên bờ sối
có đắp con xô. Nóc đình trang trí lưỡng long quán nhật. Theo nghệ thuật cổ truyền,
các đầu bẩy, cổn nách, cổn mê được chạm khắc hoa văn, mây, tứ quý.
Mặc dù Đình được xây dựng với vật liệu chủ yếu là bê tông cốt
thép, nhưng các thợ xây tài hoa đã mang lại cho ngôi đình một kiến trúc cổ truyền,
sống động và mang dấu ấn của ngàn năm lịch sử. Công trình Đình Dữu Lâu trở lại
là di sản vùng đất kinh đô thời đại các Vua Hùng dựng nước.
Đình Dữu Lâu thờ các vị thần gồm: Tản Viên Sơn thánh đại
vương; Cao Cơn thánh thần đại vương; Quí Minh thánh thần đại vương; Bộ San đại
vương; Ả Nương Công chúa đại Vương.
Đồng thời, đình Dữu Lâu phối thờ Hoàng tử Lang Liêu. Theo
truyền thuyết lịch sử hoàng tử Lang Liêu là con thứ của Hùng Vương thứ 6 (vua Hùng
Huy Vương). Trong cuộc thi thiết cỗ dâng Vua cha nhân ngày mừng thọ, hoàng tử Lang
Liêu đã sáng tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho “Trời - Đất”, đó là bánh
Chưng, bánh Dày.
Vua Hùng Huy Vương nhận thấy Hoàng tử Lang Liêu là người hiếu
thuận, hiểu lẽ trời đất, biết chọn nghề nông để phát triển đất nước nên đã chọn
là người kế vị, trở thành Vua Hùng thứ 7 (Hùng Chiêu Vương).
Với lòng biết ơn sâu sắc, ngưỡng mộ và tôn kính, từ thời xưa,
người dân Dữu Lâu đã lập miếu thờ Ngài, tôn vinh là Lang Liêu Đại Vương Thượng
đẳng thần. Do Ngôi miếu cổ thờ Hoàng tử Lang Liêu xưa kia bị hư hỏng, người dân
rước long ngai và bài vị của Ngài về phối thờ tại đình làng Dữu Lâu.
Đình Dữu Lâu hàng năm tổ chức 5 lễ hội theo âm lịch: Hội
mùng 6 tháng giêng. Hội mùng 10 tháng 3. Hội mùng 10 tháng 4. Hội mùng 5 tháng
5. Hội mùng 10 tháng 10.
Hội đình Dữu Lâu có trò chơi đánh Phết, nhân dân quen gọi là
đánh Lốc. Trò chơi đánh lốc có 6 người chơi, trong đó một người giữ lỗ cái ở giữa,
4 người giữ các lỗ con xung quanh. Mỗi người cầm một gậy tre dài có hình khoăm ở
đầu chọc vào giữ lỗ của mình, một người có nhiệm vụ cầm gậy lùa lốc về lỗ cái.
Khi trọng tài tung quả lốc, người lùa lốc tìm mọi cách đánh
quả lốc về hố cái. Những người giữ lỗ con xung quanh có nhiệm vụ hất quả lốc ra
không cho lốc rơi vào lỗ cái và cũng không được để người lùa lốc thọc được gậy
vào lỗ của mình. Nếu ai bị chọc gậy vào lỗ sẽ phải thay thế người đi lùa lốc.
Cuộc chơi kết thúc khi quả lốc lọt được vào lỗ cái, một bàn lốc mới lại bắt đầu.
Đình làng Dữu Lâu có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn trong
tín ngưỡng thờ phụng Hùng Vương, đình là điểm tín ngưỡng thờ phụng Hoàng tử
Lang Liêu và các vị nhân thần đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai
đoạn khởi đầu của lịch sử dân tộc. Đình Dữu Lâu cũng là di tích lịch sử cách mạng
trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với những giá trị lịch
sử to lớn, đình Dữu Lâu được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm
2004.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử thành phố Việt Trì