Đình làng Hoài Thị, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được khởi dựng từ lâu đời, quy mô kiến trúc to lớn. Đình thờ phụng thành hoàng làng là công chúa Đống Long con gái vua Lý Nhân Tông thời Lý (thế kỷ XI – XIII).
Làng Hoài Thị tên nôm là Bựu Sim (xưa thuộc tổng Nội Duệ,
huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn) thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du.
Hoài Thị vốn là một trong bốn mươi tư làng quan họ cổ của
vùng Kinh Bắc, nơi đây còn bảo lưu được nhiều làn điệu quan họ và nét văn hóa
truyền thống của làng Việt. Đình Hoài Thị là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm
linh quan trọng của làng, còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị từ thời
Lê, Nguyễn.
Căn cứ bản thần tích thần sắc kê năm 1938 (được lưu giữ tại
đình làng), đình làng Hoài Thị là nơi thờ công chúa Đống Long triều Lý, là con
gái vua Lý Nhân Tông, xinh đẹp khác thường, thông minh nhanh nhẹn, rất mộ Đạo
phật, thường tìm đến nơi danh lam thắng cảnh thăm thú và lễ.
Ngày 13 tháng 10 năm Tân Dậu, công chúa theo nhà vua đến
chùa Lãm Sơn ở huyện Quế Dương. Ngày 14 khi đến chùa bỗng gặp phải cơn gió dữ nằm
lịm đi, đến đầu canh 5 lại hồi tỉnh như không có bệnh gì, rồi gọi người hầu đến
và bảo rằng thượng đế sai sứ giả gọi về tiên cung không được ở lại trần thế.
Nói xong nằm yên tự thác.
Nhà vua vô cùng thương xót và cho táng tại chùa, truyền cho
nhân dân trong thôn lập miếu thờ cúng. Sau có việc cầu đảo, thần đều rất linh ứng,
đã phù dân giúp nước, trải đến triều Lê có sắc phong cho thần và chuẩn cho bản
thôn phải phụng sự muôn đời, các đời vua sau đều có sắc phong cho và ban mĩ tự
cho công chúa.
Lăng mộ công chúa có hình vuông, kiểu tòa phương
đình. Lăng mới được xây dựng lại, bên phải là đình làng, bên trái là
chùa, lăng có cùng hướng với đình và chùa.
Đình làng Hoài Thị được khởi dựng với quy mô lớn từ thời Lê
Trung Hưng (thế kỷ XVII – XVIII), Vào đời vua Lê Dụ Tông, đình được trạng
nguyên Nguyễn Đăng Đạo hưng công trùng tu, chạm khắc tinh xảo nghệ thuật. Thời
kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị tiêu thổ. Đến năm 1993, nhân dân trùng tu lại
toàn bộ đình bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đình nằm trên khu đất cao ở vị trí giữa làng phía trước nhìn
về núi Vân Khám, phía sau và hai bên giáp khu dân cư.
Tòa đại đình nhìn về hướng Đông gồm 3 gian 2 trái, hậu cung
3 gian tạo mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh. Trên nóc đình trang trí “lưỡng
long chầu nguyệt”, mái lợp ngói mũi hài, bốn góc đều có đao cong mềm mại.
Bộ khung bằng gỗ có kết cấu kiểu con chồng giá chiêng, tiền
kẻ hậu kẻ, liên kết với 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang, cửa mở 3 gian giữa,
hướng đông nam, hệ thống cửa theo kiểu thượng song hạ bản.
Ngăn giữa hậu cung và tiền tế là bức cửa võng là dấu ấn điêu
khắc của thời Nguyễn, phía trên chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, và hai bên diềm
chạm nổi long cuốn thủy với nét chạm chắc khỏe.
Hậu cung là kiến trúc thời Nguyễn được tu bổ lại, kết cấu vì
nóc theo kiểu con chồng giá chiêng, liên kết bởi 2 hàng cột dọc và 4 hàng cột
ngang, tường xây bít hai hồi.
Tòa Tiền tế
Đắp nề Lưỡng long chầu Nhật
Các đầu đao gắn đầu rồng, nghê
Ban thờ công đồng chính điện
Bức hoành phi
Bức đại tự kiểu cuốn thư
Bia đá khắc bản thần tích trong tòa Tiền tế
Các đạo sắc phong thời Nguyễn
Hai bức chạm khắc Rồng, phượng trên bức cổn vì kèo nách
Cửa võng chạm lưỡng long chầu Nhật thời Nguyễn
Ngai thờ Công chúa trong hậu cung
Bức tranh miêu tả vị công chúa đi du ngoại
Lăng mộ của công chúa
Rồng đá trên bậc thềm tòa Tiền tế
Tường bao xung quanh cụm di tích đình, chùa
Đình làng Hoài thị được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, Quyết định số 127/QĐ-UBND, ngày 9/2/2015.
Giá trị cơ bản của đình Hoài Thị tập trung ở hệ thống di vật
cổ tạo tác chủ yếu vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX) hiện còn lưu giữ bao gồm:
Hai bức cuốn thư treo
ở hai bên đầu hồi đình có kích thước: dài 105cm, rộng 60cm, dầy 9cm, xung quanh
diềm chạm thủng hình hoa lá theo phong cách “rồng chầu mặt nguyệt” cách điệu. Bề
mặt cuốn thư được sơn son thiếp vàng nền trang trí văn gấm, hoa cúc, chữ thọ
tròn, nổi bật nhất là hai chữ Hán kiểu chữ triện vuông “Hòa lạc” và “Thái bình”
nội dung cầu mong cho dân được vui vẻ, hòa thuận và yên ổn (bức cuốn thư treo ở
hồi bên phải là hai chữ “Hòa lạc”, còn bức hồi bên trái là hai chữ “Thái
Bình”).
Một bức hoành phi
“Thánh cung vạn tuế” treo ở gian giữa, xung quanh có 5 câu thơ mang tính giáo
huấn, răn dạy người ta khi vào chốn đình chung. Cụ thể như sau: Đông vật bất tu
đa (lễ vật không cần phải nhiều), Thượng hạ quý hồ hòa (trên dưới đều lấy hòa
thuận làm quý), Chúc thánh thọ vô cương (cầu chúc cho thánh thọ được bền vững),
Xướng ca đương kiệt lực (ca hát phải hết mình), Bàn quan thật vật dã (nhìn nhận
sự việc phải thật chính xác).
Một chiếc thống bằng
đá gan gà cao 57cm, đường kính miệng 62cm, đường kính đáy 47cm, dày 10cm, miệng
mòn tạo thành hình răng cưa, đế thắt cổ bồng giật cấp hai nhịp, bề mặt thống sần
sùi. Trên thân tạo một lỗ thoát nước nhô ra phía bên ngoài hình chữ “U” dài
10cm, rộng 13,5cm.
Ngoài ra đình Hoài Thị còn lưu giữ nhiều loại đồ thờ tự có
giá trị khác như: ngai thờ, cửa võng, bát bửu, kiệu, nồi hương gốm, sứ…
Với những giá trị cơ bản nêu trên đình làng Hoài Thị là cơ sở
quan trọng góp phần cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa đình làng của người
Việt cổ trên vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nói chung và trên vùng đất cổ Bắc
Ninh – Kinh Bắc nói riêng.
Nguồn: Cổng thông tin
điện tử tỉnh Bắc Ninh