Đình Hội Xuân là một công trình kiến trúc tín ngưỡng nằm trong tổng thể kiến trúc của đình Quan Nhân, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm trước đây, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Mảnh đất nơi đây đã chứng kiến nhiều chiến công oanh liệt chống
giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Ngày 20 tháng 10 năm 1426 nghĩa quân của Lê Lợi
do Đô đốc Viên Lượng chỉ huy cùng với nhân dân địa phương đã tiêu diệt quân
Minh xâm lược. Ngày 5 tháng 11 năm 1426 diệt quân Mã Kỳ. Mùa xuân năm Kỷ Dậu
(1789) dân binh làng Quan Nhân đã phối hợp với nghĩa quân của vua Quang Trung
đánh vào đồn Khương Thượng và khu vực Đống Đa làm nên chiến thắng Đống Đa lịch
sử.
Đình Quan Nhân thờ vị thần là Trung Nghĩa đại vương, tức
Hùng Lãng Công, cháu đời thứ 9 của Hùng Hiền Vương, trấn giữ huyện Vũ Tiên. Ông
lấy bà Trương Mỵ Nương người làng Mọc, \có công dẹp giặc Nam Chiếu, bảo vệ biên
giới, nhưng sau đó mắc mưu giặc phải tự vẫn.
Trong thời kỳ kháng Nhật, đình là nơi tổ chức phá kho thóc của
Nhật ngày 21 tháng 7 năm 1945 và là nơi đồng chí Vương Thừa Vũ tổ chức một tiểu
đội chiến sĩ cảm tử bảo vệ Thủ đô.
Đình Hội Xuân là một bộ phận trong tổng thể các công trình
kiến trúc của đình Quan Nhân, nơi tổ chức các nghi lễ hội làng nên có tên gọi
là đình Hội Xuân. Đình có kết cấu kiến trúc chữ “nhất” gồm một nếp nhà xây có
các mái đao cong vút, mái lợp ngói mũi hài, các vì kèo làm kiểu vì chồng rường.
Hiện nay toà kiến trúc đình Hội Xuân vẫn được bảo quản, tu bổ,
thường xuyên sử dụng làm nơi sinh hoạt của cụm dân cư và tổ chức các hoạt động
văn hoá thể thao đặc biệt là những ngày xuân mới hằng năm và ngày hội làng mùng
10 tháng hai âm lịch.
Là một bộ phận của đình Quan Nhân nên đình Hội Xuân mang những
giá trị lịch sử văn hoá truyền thống, là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hoá của
một làng quê truyền thống ở phía tây nam Thủ đô.
Đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như: Thần tích khắc
trên biển đồng có kích thước 0,65m, rộng 1,05m đặt trên giá sơn son thếp vàng;
12 đạo sắc phong, trong đó 3 đạo sắc có niên hiệu thời Lê, 9 đạo thời Nguyễn;
24 tấm bia đá, trong đó có một bia niên hiệu Chính Hoà thứ 22 (1701); một khánh
đồng đúc năm Tự Đức thứ 29 (1876) và nhiều di vật khác như: kiệu rước sập thờ,
nhang án, bát bửu, long ngai, bài vị...
Gắn kết với việc phụng thờ Thành hoàng làng, tại di tích còn
duy trì các hoạt động văn hoá truyền thống, tổ chức lễ hội hằng năm vào ngày
mùng 10 tháng hai âm lịch để tôn vinh công trạng của thần, đồng thời ôn lại
truyền thống văn hoá của địa phương.
Đình Hội Xuân đã được
Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm
1989./.
Nguồn: Người Hà Nội