Đình Hoàng Xá, phường Liên Mạc, Quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội thờ Đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng, thờ chính thần là Thành Hoàng Nguyễn Văn Chất đều thời An Dương Vương. Đình còn thờ Đức Quận Công Nguyễn Đĩnh thời Lê.
Hoàng Xá là làng nhỏ nhất trong bốn làng hợp thành xã Liên Mạc
(huyện Từ Liêm) hiện nay. Vào năm 1926, làng chỉ có 150 nhân khẩu. Tuy nhiên, từ
lâu, làng vẫn là một xã độc lập, thuộc tổng Hạ Trì. Vào những năm 20 của thế kỷ
trước, các quan tỉnh Hà Đông thấy làng nhỏ, nên đã nhiều lần cho sáp nhập làng
với làng Liên Mạc (Mạc Xá) thành một xã, nhưng dân làng không chịu.
Nhân có xóm vạn chài Văn Phái ở dưới sông, với khoảng 30 suất đinh mua đất
của làng để làm nhà ở và chôn người chết, nên các quan tỉnh Hà Đông cho xóm này
nhập với làng thành xã Hoàng Xá. Trước đây, trai đinh trong làng được chia làm
hai giáp Đông Thịnh và Nam Thái.
Xưa kia, Hoàng Xá ở sát làng Chèm (Thụy Phương). Năm 1935,
chính quyền đô hộ Pháp cho nắn sông Nhuệ, xây cống Liên Mạc ở ngay trên đất của
làng, nên dân làng phải di chuyển ra chỗ hiện nay, ngăn cách với làng Chèm bởi
sông Nhuệ. Dấu tích của làng cũ là ngôi chùa (Khánh Long tự), hiện tọa lạc trên
bờ sông ngoài bãi, cạnh cống Liên Mạc.
Làng Hoàng Xá hình thành từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết,
từ thời An Dương Vương, làng có ông Nguyễn Văn Chất làm quản mã cho danh tướng Lý Thân (Lý
Ông Trọng) đi sứ sang nhà Tần. Lý Thân đã coi Nguyễn Văn Chất như em ruột.
Trong thời gian ở Trung Quốc, Nguyễn Văn Chất học được nghề
làm thuốc nam, từng chữa khỏi bệnh cho vợ Tần Thủy Hoàng, nên được vua Tần
phong chức Thái y. Sau khi về nước, ông cáo quan, đem nghề thuốc chữa bệnh cho
dân làng và trong vùng.
Sau khi ông mất, dân làng dựng lăng thờ, tế lễ vào ngày giỗ
(13 tháng Bảy). Phế tích của lăng hiện là bốn cột đá, nằm trong khu vực cơ quan
quản lý cống Liên Mạc. Từ xa xưa, hai làng Hoàng Xá và Thụy Phương kết nghĩa với
nhau. Đình Hoàng Xá còn thờ vọng thần Lý Thân. Cả đình và chùa của làng hiện
nay đều mới được dựng lại sau trận lụt năm Ất Mão (1915) làm vỡ đê Liên Mạc.
Hàng năm, làng Hoàng Xá tổ chức hội chung với làng Thụy
Phương. Trong hội tháng Năm, làng phải giết một con trâu béo tốt rồi rước xuống
đình Chèm tế lễ.
Là làng ít dân, nhưng trước đây Hoàng Xá lại có đến 355 mẫu
ruộng. Tuy nhiên, đa số ruộng của làng bị người các làng khác xâm canh. Người
có nhiều ruộng nhất trong làng chưa đầy một mẫu. Sau trận vỡ đê Liên Mạc (năm
1915), hầu hết ruộng của làng bị bóc màu hoặc bị cát lấp, nên năng suất lúa rất
thấp (chỉ 25 - 30 kg / một sào).
Cùng với đó, những hủ tục trong thờ thần đã làm cho đời sống
dân làng rất cơ cực và làng thuộc diện nghèo nhất trong vùng. Trước Cách mạng,
cả làng không có một ngôi nhà ngói.
Mặc dù là làng nhỏ, đời sống khó khăn, nhưng làng Hoàng Xá
cũng sớm có người đỗ Tiến sĩ. Đó là ông Nguyễn Đĩnh, đỗ khoa Tân Sửu, niên hiệu
Quảng Hòa đời Mạc Phúc Hải. Theo các sách Đăng khoa lục, lúc đầu, ông làm quan
nhà Mạc, sau ông vào Thanh Hóa theo nhà Lê, làm quan đến Thượng thư, tước Từ Quận
công; triều Lê trung hưng được đều nhờ vào mưu kế của ông, nhưng cũng chính vì
thế, gia quyến của ông ở quê bị nhà Mạc làm hại, khiến cả họ phải chạy đi nơi
khác. Vì thế, họ Nguyễn này từ lâu đã không có người ở làng.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính