Chùa Keo (Thần Quang tự) là ngôi chùa cổ ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa thờ Phật và đức Thánh Dương Khổng Lộ.
Thần Quang Tự, thường gọi là chùa Keo, tọa lạc ở xã Duy Nhất,
huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa vốn có tên là Nghiêm Quang Tự, được xây từ
năm 1061 ở hương Giao Thủy, hữu ngạn sông Hồng. Đến năm 1167, chùa đổi tên Thần
Quang Tự. Tên chùa Keo thường được gọi vì chùa được dựng ở ấp Keo.
Tương truyền, chùa do Thiền sư Dương Không Lộ (năm 1016 –
1094) xây dựng. Thiền sư quê tại hương Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh
Nam Định), xuất thân làm nghề chài lưới, năm 29 tuổi đi tu. Thiền sư đã từng đã
từng sang Tây Trúc tu luyện đạo Phật.
Năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều
Lý, trị vì từ năm 1054 – 1072), Thiền sư về nước và xây dựng chùa Nghiêm Quang ở
ven sông Hồng, tại quê hương ông. Sau đó, Thiền sư chu du khắp vùng rộng lớn của
châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của
phái Thiền Việt Nam.
Nhờ có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, ông được phong
làm quốc sư triều Lý. Năm 1167, vua Lý Anh Tông (hoàng đế thứ 6 triều Lý, trị
vì 1138- 1175) xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để
tưởng nhớ đến Thiền sư Dương Không Lộ.
Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa còn được gọi
là chùa Keo. Mô tả quang cảnh chùa Thần Quang thời Lý ở hương Giao Thủy, văn
bia còn ghi lại: “Nơi thờ Phật nước Nam đâu đâu cũng có, nhưng chỉ có chùa Thần
Quang ở vùng Dũng Nhuệ, làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) là nơi danh thắng
bậc nhất từ Bắc tới Nam..”
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to,
làm ngập làng Giao Thủy. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng
Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ)
hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một
bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái
Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng), chùa
Keo Vũ Thư, Thái Bình.
Chùa Keo được xây dựng vào năm 1630-1632.
Theo văn bia chùa Keo thì chùa do một vị quan lớn thời Lê-Trịnh
đứng ra khởi công xây dựng lại, đó là Quận công Hoàng Nhân Dũng ở làng Tứ Quán,
phủ Hải Thanh. Lúc bấy giờ đang có cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn nên chúa Trịnh
chỉ cấp cho nhà chùa 100 cây gỗ lim còn tất cả vật liệu khác đều do nhân dân tự
đóng góp. Vì vậy, vị Quận công đã phải mất 19 năm vận động quyên góp
(1611-1630). Đến tháng 7/1630, ông đã mời được 42 hiệp thợ và khởi công xây dựng.
Trong vòng 28 tháng, toàn bộ công trình đã được khánh thành
(11/1632). Văn bia chùa Keo còn ghi lại diện tích chùa rộng khoảng 58.000m2, gồm
nhiều cụm kiến trúc khác nhau.
Chùa Keo Thượng mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê, phỏng
theo kiến trúc chùa Keo Hành Thiện. Chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm
1689, 1707, 1941.
Trải qua gần 400 năm tồn tại, kiến trúc chùa còn lại 17 công
trình gồm 128 gian (trước đó là 21 công trình với 157 gian), trong đó các công
trình chính của chùa Keo như Tam quan, chùa Phật, Gác chuông… thời Lê Trung
Hưng đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Chùa Keo Thái Bình nằm trên một dải đất, bao quanh bởi hồ nước
(hiện hồ phía Bắc không còn, chỉ còn 1 hồ phía trước hướng Nam và 2 hồ hai bên
hướng Đông và Tây. Trục chính của chùa theo hướng gần Bắc – Nam. Mặt bằng chùa
theo kiểu "Nội công ngoại quốc" và “Tiền Phật, hậu Thánh”, gồm các hạng
mục công trình chính: Tam quan ngoại, Tam quan nội; Khu thờ Phật; Khu thờ
Thánh; Gác chuông; Hành lang Tả vu và Hữu vu và các công trình phụ trợ khác.
Sơ đồ mặt bằng chùa Keo Thái Bình (hướng Đông phía trên)
Phối cảnh tổng thể chùa Keo, Thái Bình; nhìn từ mặt Bắc
Phối cảnh tổng thể chùa Keo, Thái Bình; nhìn từ mặt Tây
Từ mặt đê theo bậc tam cấp đi xuống là Tam quan ngoại. Phía
trước Tam quan ngoại là một sân lát đá. Đây là một ngôi nhà ba gian không có tường
bao, không có cửa và mái được đỡ bởi 4 hàng cột gỗ lim vững chắc.
Tam quan ngoại chùa Keo, Thái Bình
Hồ sen phía sau Tam quan ngoại, chùa Keo, Thái Bình
Phía trước Tam quan nội là một hồ sen. Công trình là một kiến
trúc khá độc đáo của riêng chùa Keo, có hình thức như một ngôi nhà 3 gian với
hàng hiên bao quanh. Tam quan nội có bộ cánh cửa cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ
rồng với rồng mẹ và rồng con, phía góc dưới chạm con nghê; tất cả đều chầu mặt
nguyệt. Bộ cánh cửa Tam quan nội, chùa Keo Thái Bình được đánh giá là tiêu biểu
cho chạm khắc nghệ thuật đời Lê (tương tự như bộ cánh cửa ở chùa Phổ Minh, tiêu
biểu cho chạm khắc nghệ thuật đời Trần).
Qua Tam quan nội đến sân chùa với hai bên Tả vu và Hữu vu,
là nơi khách hành hương chuẩn bị nghi lễ vào Khu thờ Phật và Khu thờ Thánh.
Tam quan nội, chùa Keo, Thái Bình
Bộ cánh cửa Tam quan nội, chùa Keo Thái Bình, lưu giữ tại Bảo
tàng Mỹ thuật Quốc gia Việt Nam (Vietnam National Museum of Fine Arts)
Khu thờ Phật hay Tam tòa gồm 3 tòa nối với nhau tạo thành
hình chữ “Công’ hay chữ H, gồm tòa Bái đường (chùa Ông Hộ), tòa Thiêu hương và
tòa Chính điện. Tòa Bái đường có 7 gian, dài 24m, rộng 6m. Tòa Thiêu hương và
Chính điện nhỏ hơn tòa Bái đường. Cả 3 tòa đều được chạm trổ công phu với hình
tượng rồng, phượng, mây, sóng nước, hoa sen, hoa cúc…Khu thờ Phật của Chùa Keo
có gần 100 pho tượng.
Người dân làng Keo mở hội Xuân tại chùa vào ngày mùng 4
tháng giêng (âm lịch) hàng năm. Tháng 10 năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận
là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tòa Bái đường, Khu thờ Phật, chùa Keo Thái Bình
Bia đá tại góc tòa Bái đường, Khu thờ Phật, chùa Keo Thái
Bình
Phối cảnh Khu thờ Phật, gồm tòa Bái đường, Thiêu hương và
Thượng điện, chùa Keo, Thái Bình;
Bên trái là tòa Tả vu
Ban thờ Phật bên trong Tòa Thượng điện, Khu thờ Phật, chùa
Keo, Thái Bình
Trang trí chạm khắc gỗ bên trong chùa Keo, Thái Bình
Sau Khu thờ Phật là Khu thờ Thánh, thờ Thiền sư Không Lộ (Lý
Quốc Sư). Đây là sự kết hợp 2 tín ngưỡng: Phật giáo (ngoại nhập) và Thần đạo (nội
sinh) phổ biến tại các ngôi chùa Việt Nam.
Khu thờ Thánh cũng có mặt bằng hình chữ H, gồm 3 tòa: Bái đường,
Thiêu hương và Điện thờ. Khu thờ Thánh được xây dựng hoành tráng hơn khu thờ Phật,
trước hết là phần mái. Tại đây, các tảng đá kê chân cột đều chạm cánh sen. Toàn
bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời
nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo với nhiều rồng, thú độc đáo.
Trong đền thờ còn lưu giữ các đồ dùng của Thiền sư, như bộ
tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương
truyền rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm
chén uống nước trong những năm tháng tu hành.
Nằm giữa hai Khu thờ Phật và Khu thờ Thánh là một công trình
có tên Giá Roi, nơi người xưa sử dụng vào việc xử kiện, phạt vạ, bổ bán công điền,
công thổ của làng. Điều này cho thấy, chùa Keo xưa còn là một trung tâm hành
chính của thôn xã.
Tòa Giá Roi, kề liền là Khu thờ Thánh, chùa Keo, Thái Bình
Phối cảnh mái của Khu thờ Thánh; Phía sau là Gác chuông,
chùa Keo, Thái Bình
Khoảng hở giữa 2 tòa: Giá Roi (bên phải) và Bái đường Khu thờ
Thánh; Hệ thống đỡ dầm mái có thêm thanh chống xiên, chùa Keo, Thái Bình
Nội thất tòa Giá Roi; phía trong là tòa Bái đường, Khu thờ
Thánh, chùa Keo. Thái Bình
Ban thờ Thiền sư Không Lộ (Lý Quốc Sư) trong tòa Thượng điện,
Khu thờ Thánh, chùa Keo, Thái Bình
Công trình kiến trúc nổi tiếng độc đáo của chùa là gác
chuông chùa Keo nằm ngay phía sau Khu thờ Thánh. biểu tượng của chùa Keo Thái
Bình. Gác chuông chùa Keo được đánh giá là công trình gác chuông to đẹp vào
hàng bậc nhất của chùa cổ Việt Nam.
Gác chuông được dựng trên một nền gạch vuông 8,53m x 8,92m,
cao 11,5 m với 3 tầng, 12 mái, hoàn toàn làm bằng gỗ. Gác chuông cao 11,04m, có
3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm
bằng gỗ gắn với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong thanh
thoát.
Bộ khung chịu lực là 4 cột lớn bằng gỗ cao 5m, đường kính
0,6m đặt trên 4 tảng đá lớn chạm cánh sen. Mỗi góc dựng một cột góc và hai cột
hiên, liên kết bằng hệ thống xà ngang, xà nách, kẻ góc tạo thành hệ khung vững
chắc. Mỗi tầng trên có mặt bằng thu nhỏ lại so với tầng dưới, xếp chồng diêm
lên tầng dưới qua hệ xà dầm. Hệ khung kết cấu gỗ liên kết với nhau bằng mộng,
nâng đỡ 12 mái ngói và mái đao uốn cong.
Gác chuông được chạm khắc trang trí lộng lẫy.
Tầng một Gác chuông treo một khánh đá cao 1,20 m chiều ngang
1,87m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30m, đường kính 1m.
Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69 m đều
được đúc năm 1796.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày
12/12/2007: “Ngôi chùa có gác chuông bằng gỗ cao nhất”.
Mặt trước Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Mặt sau Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Trang trí lan can, diềm tầng Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Kết cấu gỗ tại góc Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Chuông trong Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Khánh đá tại Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Sơ đồ mặt đứng và mặt cắt Gác chuông chùa Keo, Thái Bình
Hai hành lang Tả vu và Hữu vu, mỗi bên 33 gian, dài 91m, chạy
dài từ tòa Bái đường Khu thờ Phật nối với nhà Tổ, sát Gác chuông, bao quanh
toàn bộ chùa (tạo thành hình chữ Quốc – hình chữ nhật).
Dãy hành lang Hữu vu và Tả vu bao quanh chùa Keo, Thái Bình
Trải qua gần 400 năm tồn tại, chùa Keo Vũ Thư, Thái Bình là
một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam, được đánh giá là một quần thể
kiến trúc tôn giáo có giá trị đặc sắc, một bảo tàng văn hóa tâm linh, nghệ thuật
kiến trúc tiêu biểu của thời Lê, thế kỷ 17, được công nhân là Di tích quốc gia
đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật năm 2012.
Chùa được Thủ tướng
Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử
và kiến trúc nghệ thuật” năm 2012.
Đặng Tú
Ảnh: Chùa Việt Toàn Cầu
Nguồn: Bộ môn KTCN Đại học Xây Dựng