Di tích đền thờ Triệu Việt Vương toạ lạc trên địa phận phố Khu Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thờ phụng hai vị anh hùng dân tộc là Triệu Việt Vương và Trần Quốc Tuấn, thờ các danh nhân của các dòng họ trong làng, những người đỗ đạt, học rộng tài cao đã có công giúp các triều đại dựng nước.
Di tích đền thờ Triệu Việt Vương toạ lạc trên địa phận phố
Khu Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, tọa lạc trên một
khu đất bằng phẳng, nằm tách biệt với khu dân cư, với tổng diện tích 1775m2.
Phía trước đền là ao, hai bên là ruộng canh tác, phía sau là đường giao thông,
cạnh đường là xí nghiệp thương binh 27-7. Đền thờ Triệu Việt Vương được công nhận
là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2008.
Trong đền thờ hai vị anh hùng dân tộc là Triệu Việt Vương và
Trần Quốc Tuấn, thờ các danh nhân của các dòng họ trong làng, những người đỗ đạt,
học rộng tài cao đã có công giúp các triều đại dựng nước.
Đền thờ Triệu Việt Vương được xây theo kiểu tiền nhất hậu
đinh gồm 3 toà, bái đường, trung đường và hậu cung. Toà bái đường gồm 5 gian, vì
kèo bằng xi măng giả gỗ, lợp ngói vẩy, lắp cửa bức bàn.
Gian chính điện bái
đường phía ngoài hiên bên trên mái đắp rồng chầu mặt trăng, phía dưới đắp nổi 4
chữ Hán “Dạ Trạch uy phong”. Hai bên toà bái đường gian giáp đốc đặt hai cỗ kiệu
song hành.
Gian chính điện bày nhang án thờ bái vọng, hai bên nhang án
là bộ chấp kích đao, phủ việt, truỳ... phía trên treo bức đại tự “Thánh cung vạn
tuế”, phía trong giáp tường có 2 cửa thông với toà trung đường.
Trung đường gồm 3 gian, các vì kèo kiểu chồng rường, giá
chiêng, kẻ bẩy bằng gỗ lim, lợp ngói vẩy. Gian chính điện thông với hậu cung bày
nhang án với ngai thờ, phía trước có bát hương thờ lưỡng long chầu nguyệt, phía
trên nhang án giữa thông với toà hậu cung treo bức đại tự “Tối linh từ ” dài
1,75m, rộng 0,65m, sơn son thiếp vàng, phía dưới là bức cửa võng, thếp vàng chạm
rồng ổ, rồng đàn đang nô đùa lẫn nhau. Mặt trước giữa cửa võng chạm rồng chầu mặt
nguyệt, rồng thếp vàng, hai bên treo đôi câu đối.
Gian bên tả toà trung đường có ban thờ danh nhân của các
dòng họ trong thôn từ thời Đinh đến thời Nguyễn. Gian bên hữu có ban thờ, thờ
quan lớn hậu.
Hậu cung hai gian, các vì kèo bằng gỗ lim, lợp ngói vẩy, ,
gian giữa thông với các ban thờ từ bái đường vào. Hai bên là 2 cửa hành lang
thông với bái đường phục vụ thờ tự.
Gian giữa hậu cung phía giáp với trung đường kê nhang án,
trên nhang án đặt khám thờ thờ Trần Hưng Đạo. Khám hình chữ nhật thông phong,
chạm lá lật, trong khám đặt hòm sắc, trong hòm sắc là ống sắc, trong ống sắc là
sắc của các thời kì.
Tiếp giáp với ban thờ Trần Hưng Đạo là ban thờ Triệu Việt
Vương. Trên ban thờ đặt long đình, ba mặt kính, sơn son thếp vàng. Trong long
đình là tượng Triệu Việt Vương, đầu đội mũ thiên trụ, mày xếch, mắt đen, dâu
dài, tai phật, mặc áo hoàng bào, lưng thắt đai ngọc, trước long đình là bát
hương thờ thời Nguyễn.
Hàng năm, nhân dân phố khu Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện
Yên Khánh và nhân dân trong vùng thường tổ chức một số ngày lễ hội truyền thống
như: ngày 6 tháng Giêng hàng kỉ niệm ngày sinh của Triệu Việt Vương; ngày 10
tháng 2 tế Kỳ Phúc; ngày 14 tháng 8 kỉ niệm ngày Triệu Quang Phục băng hà; ngày
20 tháng 8 kỉ niệm đức thánh Trần băng hà; ngày 20 tháng 9 tiến lễ cơm mới;
ngày 25 tháng 12 lễ tất niên; ngày 6 tháng Giêng: lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, Mặt
trận Tổ quốc thị trấn Yên Ninh đều ra đền dâng hương, đánh trống khai hội.
Đền thờ Triệu Việt Vương vốn có từ lâu đời, tuy nhiên do
thiên nhiên, con người, chiến tranh làm xuống cấp nhưng đã được nhân dân địa
phương tôn tạo tu sửa nhiều lần, đến nay di tích rất khang trang, đảm bảo đúng
với những thiết kế của những ngôi đền, đình truyền thống, hơn thế di tích còn
lưu giữ được nhiều đồ thờ tự quý giá.
Đền thờ Triệu Việt Vương không chỉ là nơi sinh hoạt tin ngưỡng
tâm linh của địa phương mà còn có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ học tập truyền
thống yêu nước của cha ông, lòng tự hào dân tộc và ý chí kiên cường đấu tranh
chống giặc ngoại xâm.
Huyện đoàn Yên Khánh
Nguồn: Du lịch Ninh Bình