Đình Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội, thờ phụng Trung Thành Phổ Tế Đại vương, danh tướng thời vua Hùng Duệ Vương. Đình được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, đã hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng với những mảng chạm khắc trang trí đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ.
Các mảng chạm khắc còn trong đình mang phong cách nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ XVII, giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và trang trí đình làng Bắc Bộ.
Đình Cổ Chế là “Một trong những viên ngọc quý còn sót lại của đồng bằng Bắc Bộ”, những chạm khắc ở đình Cổ Chế có thể sánh ngang với những chạm khắc trang trí ở các đình làng khác cùng niên đại.
Đình Cổ Chế hiện còn lưu giữ được những mảng chạm khắc cổ tuyệt đẹp, còn nguyên vẹn, hiếm thấy ở những ngôi đình khác như: Nghê ổ (nghê mẹ và 7 nghê con quấn quýt), tượng người cưỡi nghê, người cưỡi rồng, người cưỡi hổ. Ngoài linh vật, các cấu kiện gỗ của đình còn được chạm khắc những hoạt cảnh dân gian vui nhộn như: 2 người đang năm đuôi trâu kéo lại, ngăn chúng húc nhau, hoặc bức chạm muôn thú cùng các linh vật như đôi khỉ trên bức mê vì kèo nách cũng như nhiều hoạt cảnh đặc sắc khác.
Những mảng chạm khắc tinh xảo trong đình Cổ Chế là cực kỳ hiếm có, gần như không còn tìm thấy trong những ngôi đình cùng thời, thể hiện phong cách nghệ thuật dân gian đầy ngẫu hững và sáng tạo của các nghệ nhân dưới thời nhà Lê.
Đình Cổ Chế hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, như: Thần phả, 12 đạo sắc phong chữ Hán và bản dịch bằng chữ Quốc ngữ. Năm 2004, đình được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (tỉnh Hà Tây cũ) và đến năm 2015 được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.


















Năm 2023, UBND huyện Phú Xuyên đã triển khai thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Cổ Chế với tổng kinh phí đầu tư gần 24 tỷ đồng. Ngày 13/10/2024, UBND xã Phúc Tiến đã long trọng tổ chức Lễ cắt băng khánh thành công trình tu bổ và tôn tạo di tích đình làng Cổ Chế.
Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội